Thới Bình
(VNTB) – Để ngồi vào ghế bộ trưởng, thì đảng viên đó trước tiên phải được ‘sắp ghế’ Ủy viên Trung ương.
Có những sự thật hiển nhiên mà có lẽ trình độ học vấn phổ thông thôi cũng hiểu, đó là người trong Đảng và người ngoài Đảng không có sự khác biệt về đức độ, tài năng. Có vấn đề này người trong Đảng giỏi hơn nhưng ở vấn đề khác thì người ngoài Đảng lại giỏi hơn.
Nói theo cách ‘lên gân nghị quyết’, thì trên tinh thần “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới” mà Tổng bí thư đã nói suốt 3 nhiệm kỳ của ông, vậy thì tại sao không đặt vấn đề nhiệm kỳ chính phủ tới sẽ có bộ trưởng không phải là đảng viên? Thậm chí ít nhất, không là Ủy viên Trung ương Đảng?
Đảng cứ luôn tuyên truyền là do dân, vì dân, nhưng tại sao trong đội ngũ cán bộ do Đảng đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt lại có những con người tham nhũng ngày càng nhiều hơn, kết bè, kết phái lũng đoạn cả thời gian dài như nhiều vụ án tham nhũng đã đưa ra xét xử mà dư luận cho rằng đã chỉ là phần nổi nhỏ của tảng băng chìm?
Thời phong kiến, Việt Nam có 3 kỳ tuyển trạch hương – hội – đình.
Thi hương là kỳ thi ở địa phương, gồm một số tỉnh thi chung một trường, nhằm mục đích kén chọn người tài để vào dự thi hội và thi đình. Các trường miền Bắc thi hương khoảng tháng 10, miền Trung và Nam khoảng tháng 3 đến tháng 7.
Theo Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, thi hương có khi thi ba vòng (người xưa gọi tam trường) có khi thi bốn vòng (tứ trường). Vòng một thi kinh nghĩa (tức các sách tứ thư, ngũ kinh của Nho giáo), vòng hai thi chiếu biểu (tức soạn thảo các văn bản hành chính như chiếu, biểu, sớ, dụ…), vòng ba thi thơ phú (sáng tác theo chủ đề của đề thi), vòng bốn thi văn sách (tương tự như thi tự luận).
Vòng thi kinh nghĩa tương đối dễ với thí sinh, chỉ cần thuộc lòng tứ thư, ngũ kinh và trình bày cho đúng ý của người xưa. Vòng thi chiếu biểu phải thuộc hàng trăm bài loại này rồi chắt lọc tinh hoa để viết thành bài thi. Dễ làm và khó đỗ nhất là kỳ thi thơ phú. Dễ vì suốt cả ngày chỉ cần sáng tác một bài thơ tối đa 16 câu và một bài phú tám câu, nhưng cái khó là phải hay, vì cái hay nó vô cùng.
Vòng bốn thi văn sách thì tự do trình bày theo kiến giải riêng của mình, tương tự như thi tự luận ngày nay. Muốn qua được vòng thi này, không những phải làu thông kinh sử mà còn phải biết vận dụng sở học của mình để trình bày những kiến giải mới lạ.
Đề thi thường hỏi đủ mọi lĩnh vực: thiên văn, địa lý, bói toán, y học…; đặc biệt là những câu hỏi về thời sự, đòi hỏi thí sinh phải có những kiến giải độc đáo và đưa ra giải pháp khả thi. Thi tứ trường nhưng phải học thiên kinh vạn quyển là thế!
Đậu kỳ thi hương, tân cử nhân về quê tiếp tục đèn sách đợi sang năm vào kinh đô dự kỳ thi hội, cùng với những cử nhân của các khoa trước đó, những thí sinh đã vượt qua một kỳ khảo hạch đặc biệt do triều đình, và một số ít quan lại muốn có học vị cao hơn.
Thi hội không có truyền lô (xướng danh) nhưng lễ yết bảng (công bố kết quả) rất long trọng. Bảng chính ghi tên những người đạt hạng trúng cách, bảng thứ ghi tên người hạng thứ trúng cách.
Chỉ những người trúng cách mới được tiếp tục tham gia thi đình, tổ chức trong cung đình, do đích thân nhà vua ra đề và là người chấm thi cuối cùng. Quyển thi và quyển nháp đều do bộ Lễ cấp, có rọc phách hẳn hoi. Vua chấm thi vẫn không biết bài đó của ai. Thi đình thực chất là cuộc phúc tra cuối cùng nhằm thẩm định và xếp hạng các tân tiến sĩ.
Về công tác tổ chức cán bộ ở hiện tại, sao những người đứng đầu Đảng không học ngay cha ông mình, đó là tổ chức thi tuyển một cách nghiêm túc, không chỉ với công chức mà với cả các vị trí lãnh đạo cấp chiến lược?
Ví như vị trí bộ trưởng, sao không để cho nhiều người tài, có năng lực phẩm chất thi tuyển. Ngược lại, với những gì đang diễn ra có tên gọi là “Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV nhiệm kỳ 2026 – 2031”, qua đó sắp các ghế quyền lực trong nội các chính phủ nhiệm kỳ mới, lại không những không thi, mà dựa vào nhận xét đánh giá chủ quan, thậm chí áp đặt của một số người ở nhiệm kỳ hiện tại.