Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chính quyền đô thị ở TP.HCM: vẫn còn là những bước đi dọ dẫm

Nguyễn Nam

(VNTB) – Vẫn chưa có văn bản pháp luật nào định nghĩa cụ thể khái niệm “chính quyền đô thị” ở Việt Nam hiện nay.

 

Vẫn chưa có văn bản pháp luật nào định nghĩa cụ thể khái niệm “chính quyền đô thị” ở Việt Nam hiện nay và chính quyền đô thị có cụ thể hành lang pháp lý ra sao vẫn là câu hỏi chưa biết tìm câu trả lời ở đâu.

“Bất hợp lý trong phân bổ biên chế, thiếu tính chủ động khi cấp ngân sách cho các nhiệm vụ phát sinh… vẫn còn nhiều rối ren sau 3 năm TP.HCM áp dụng mô hình chính quyền đô thị”. Đó là nhận xét mang tính tóm lược nhất mà người đứng đầu thành phố nhấn rõ ở văn bản báo cáo kết quả 3 năm thực hiện đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Về lập luận được viện dẫn làm căn cứ pháp lý cho việc quản trị theo cách chính quyền đô thị có định hướng từ Bộ Chính trị, đó là Điều 111 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do luật định”.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019), tại khoản 3, Điều 4 quy định: “Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc Trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, phường, thị trấn”.

Luật trên đã dành Chương III “Chính quyền địa phương ở đô thị” quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của mỗi cấp chính quyền đô thị. Và khi vận dụng, thường phía viên chức còn viện dẫn thêm Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục yêu cầu: “Hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt theo luật định”;

Đồng thời còn nhắc luôn như một cứu cánh về Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương (khóa XII) về đề ra nhiệm vụ tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế xây dựng chính quyền đô thị theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, chủ động thí điểm ở những nơi có đủ điều kiện.

Nôm na tất cả các vấn đề trên đều là các “biện minh” về pháp lý cho những công việc quản trị đô thị được cho là học hỏi từ những chính quyền đô thị ở các quốc gia đa đảng phái chính trị.

Theo diễn giải của văn bản báo cáo kết quả 3 năm thực hiện đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, thì khi thực hiện chính quyền đô thị, UBND quận, phường trở thành đơn vị dự toán ngân sách khiến các đơn vị khó chủ động trong công tác điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, các nhiệm vụ phát sinh đột xuất trong năm trên địa bàn.

Các địa phương cũng không còn nguồn tiền nào từ các nguồn ngân sách để làm các công tác khác phát sinh như mở rộng hẻm, xây thêm trường học… Muốn có ngân sách phải báo cáo Sở Tài chính trình UBND TP.HCM, hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM xem xét, giải quyết, khiến thời gian giải quyết kinh phí thiếu tính kịp thời và chủ động.

Không chỉ vậy, khi thực hiện chính quyền đô thị, dự toán ngân sách của các quận sẽ do HĐND TP quyết định. Tuy nhiên, nghị quyết 131 cũng như Luật Đầu tư công năm 2019 không quy định việc HĐND TP.HCM thực hiện việc quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của các quận. Điều này khiến UBND TP.HCM rất lúng túng, và trăn trở liệu HĐND TP.HCM có phải quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm sử dụng vốn ngân sách quận trên cơ sở dự toán ngân sách của quận hay không.

Rối ren hơn khi UBND TP.HCM là cơ quan “phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của UBND quận” nhưng hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục lập, thẩm định, trình UBND TP.HCM phê duyệt kế hoạch này.

Ở văn bản mang tính tổng kết 3 năm thực hiện chính quyền đô thị có một đề xuất cho thấy cần tinh gọn bộ máy quyền lực, đó là kiến nghị trung ương nghiên cứu, ban hành quy định, hướng dẫn thực hiện “chức năng, nhiệm vụ cấp ủy thành phố trong thành phố”, tức vai trò của Thành ủy TP.HCM trong chuyện chính quyền đô thị.


Tin bài liên quan:

VNTB – Lẩy Kiều

Phan Thanh Hung

VNTB – Chính quyền địa phương hiệu quả – chìa khóa cho nền dân chủ

Phan Thanh Hung

VNTB – Vì sao cần sớm thông qua sửa đổi quy định liên quan về đất ở?

Phan Thanh Hung

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 05.07.2023 7:36 at 07:36

Chính quyền đô thị là chính quyền Ngụy, giống như các bác gọi văn hóa Ngụy là văn hóa đô thị vậy . Chính quyền Tp Hồ Chí Minh muốn làm chính quyền Ngụy ? Có cần giải phóng như ngày xưa hông ?

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo