Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chợ ế mùa cuối năm

Hùng – Sơn

(VNTB) – Nhiều sạp treo biển sang nhượng hoặc cho thuê, nhưng mấy năm rồi cũng không ai đả động gì đến.

Chưa đến 3 tuần lễ nữa là bước sang năm 2024. Sức mua sắm cuối năm chung trên thị trường vẫn ì ạch đầy lo ngại.

Ghi nhận ở TP.HCM, đô thị có tiếng sầm uất nhất nước. “Lúc trước sạp không có mà sang còn bây giờ để mấy năm, ban quản lý kêu ai sang thì vào làm giấy tờ cho sang nhưng không sang được. Ở đây chỉ có người cố mà ngồi trụ thôi chứ người mới không dám vào”, một tiểu thương của ngôi chợ trung tâm quận 1 than thở. Nhiều sạp treo biển sang nhượng hoặc cho thuê, nhưng cả mấy năm rồi cũng không ai đả động gì đến.

“Tôi bán nước giải khát, đồ tạp hóa gia dụng và hàng lưu niệm đã nhiều năm. Số khách đến chợ dần đông đúc hơn trước nhưng sản phẩm tiêu thụ lại khá ít. Có khi doanh thu mỗi ngày chỉ vài trăm ngàn đồng, vừa đủ để trang trải chi phí duy trì sạp hàng”, một chủ sạp hàng ở chợ Bến Thành nói.

5 năm bán hàng giày dép tại chợ An Đông, bà Đông, kể: “Từ đợt dịch Covid-19 việc buôn bán luôn ế ẩm, sau đợt dịch căng thẳng đó chúng tôi vẫn hy vọng hoạt động buôn bán trở lại bình thường nhưng tình trạng này vẫn kéo dài suốt nhiều tháng nay. Vì đã mua lại quầy hàng, không mất tiền trả tiền thuê hằng tháng như nhiều chủ khác nên tôi vẫn cố gắng bán hàng, nếu phải đi thuê có lẽ cũng lao đao”.

Bà Tâm, tiểu thương kinh doanh mặt hàng quần áo ở chợ Tân Bình cho hay ba năm nay, nhất là sau dịch Covid-19, khách vắng hẳn. So với trước, lượng khách lẻ giảm đến 80%, nay chỉ duy trì khách sỉ. “Không mở quầy thì lo hàng tồn đọng, ẩm mốc. Mở thì không bán được, tốn thêm tiền điện, tiền thuế. Từ giờ đến Tết chắc cũng không khấm khá hơn bao nhiêu”, bà Tâm thở dài.

Bà Thúy, tiểu thương buôn bán quần áo tại chợ Bà Chiểu cho biết, lúc trước, khu chợ này chật kín các sạp kinh doanh đủ loại mặt hàng, khách ra vào nườm nượp. Thế nhưng, chợ bây giờ có nhiều sạp đóng cửa gần cả năm nay, cho thuê hay sang lại giá rẻ cũng không mấy ai quan tâm. Buôn bán thì thời gian gần đây có những ngày không bán được món đồ nào.

Sang sạp tại chợ Bà Chiều

“Tình hình chợ không có khách, nhiều khi chỉ bán được 1 hoặc 2 món, nhiều khi không mở hàng, nhiều khi ngồi nhìn không có 1 khách luôn, nhìn muốn khóc. Nên người ta đóng cửa nhiều lắm, sạp đóng rất là nhiều…”, bà Thúy buồn bã.

Đại diện ban quản lý chợ sỉ Bình Tây cho biết, số lượng sạp kinh doanh dao động hàng tháng từ 1.600 – 1.700 sạp, tạm ngừng kinh doanh trên 300 sạp.

Ghi nhận ở Cần Thơ, nơi từng mệnh danh Tây Đô của miền Nam Việt Nam.

Tên gọi trên giấy tờ của chợ Cái Khế là Trung tâm thương mại Cái Khế ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, là một trong những chợ truyền thống lớn nhất ở thành phố Cần Thơ. Chợ có hơn 900 ki-ốt chia thành 3 nhà lồng. Nhà lồng 1 kinh doanh bách hóa tổng hợp; nhà lồng 2 chuyên vật liệu may mặc, vải vóc, nhà lồng 3 là nhà lồng có sức mua bán sôi động nhất với các mặt hàng rau củ quả, thực phẩm tươi sống.

Bà Chính, sạp quần áo Kim Dung trải lòng, sau dịch Covid-19 việc kinh doanh có khởi sắc, nhưng từ năm 2022 sức mua sắm bắt đầu chững lại. Đặc biệt, qua Tết Nguyên đán 2023, tốc độ tiêu thụ mặt hàng thời trang giảm đáng kể. Những người không cầm cự được buộc phải tạm nghỉ, cho thuê hoặc sang nhượng sạp để tránh thua lỗ.

“Chi phí thuê mặt bằng, điện nước, vệ sinh khoảng 2-3 triệu đồng/tháng nhưng doanh thu mỗi ngày rất thấp, không đủ gồng gánh. Đây đang là sức ép khiến tiểu thương phân vân giữa việc đóng sạp hoặc gồng lỗ bán tiếp”, bà Chính cho hay.

Theo báo cáo của Ban Quản lý thì tại khu nhà lồng 2 có đến hơn 50% số ki-ốt đóng cửa. Còn khu nhà lồng 1, tiểu thương cắt giảm hơn 50% số hàng nhập mỗi ngày.


Tin bài liên quan:

VNTB – Khách du lịch lớn tuổi Trung Quốc… ồ ạt du lịch sang Móng Cái

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Xóa sổ Thành Bưởi

Do Van Tien

VNTB – Người lao động ‘tụ tập’ để đòi trả nợ lương

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo