VNTB – Chống dịch như chống giặc Tàu?

VNTB – Chống dịch như chống giặc Tàu?

Nguyễn Nam

(VNTB) – Nếu đúng việc thủ tướng Việt Nam ví chuyện ‘chống dịch’ như ‘chống giặc’, thì giặc ấy chỉ có thể là giặc Tàu, tức Trung Quốc.

Từ điển tiếng Việt, cho biết “giặc” là danh từ. Kẻ tổ chức thành lực lượng vũ trang, chuyên đi cướp phá, làm rối loạn an ninh, gây tai hoạ cho cả một vùng hoặc một nước. Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh (tục ngữ). Thù trong giặc ngoài. Đánh giặc. Diệt giặc dốt. Người nổi lên dùng bạo lực tìm cách lật đổ những người cầm quyền trong xã hội cũ (theo cách gọi của tầng lớp thống trị). Được làm vua, thua làm giặc (tục ngữ).

Giặc ở đây được hiểu là giặc ngoại xâm, vì con virus Vũ Hán bên Tàu đã lây lan sang Việt Nam, rồi sau đó bùng phát mạnh trên toàn cầu qua dòng di dân.

Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, Hội nghị trực tuyến các Bộ trưởng Y tế khu vực Tây Thái Bình Dương được tổ chức ngày 8-4 có chủ đề “Đoàn kết chống Covid-19”.

“Với quyết tâm chính trị cao, coi ‘chống dịch như chống giặc’, Chính phủ đã kiên quyết thực hiện đồng bộ, linh hoạt nhiều biện pháp, trong đó có cách ly tập trung người Việt Nam về nước, người nước ngoài vào Việt Nam và các đối tượng tiếp xúc với các ca dương tính đã được phát hiện; nhất là khoanh vùng, tập trung dập dịch tại các ổ dịch”, thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi tới các Bộ trưởng Y tế khu vực Tây Thái Bình Dương, nhấn mạnh như vậy. (1)

“Chống dịch như chống giặc” là mẫu câu thường hay nhắc tới trong các lần phát biểu của người đứng đầu chính phủ. Liên tưởng tới lời ca khúc “Gia tài của mẹ”: “Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu…” của Trịnh Công Sơn, kèm theo đó là động thái Việt Nam có thái độ rắn hơn, khi ‘lôi’ người anh em cùng là cộng sản ra diễn đàn Liên Hợp Quốc hôm cuối tháng ba vừa qua, cho thấy tâm thế hiện nay của chính phủ Việt Nam là chống cả giặc virus Vũ Hán đang hoành hành thành đại dịch Covid-19, và chống luôn giặc Tàu khi họ liên tục dùng sức mạnh vũ trang để tấn công ngư dân Việt Nam trên chính ngư trường biển của Việt Nam.

Chia sẻ tâm thế coi ‘chống giặc như chống dịch’, trong tuyên bố phát ngày 8-4, Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh rằng các ngư dân nước này cũng từng là nạn nhân của Trung Quốc và sẽ mãi ghi nhớ hành động nhân đạo của Việt Nam khi cứu vớt các ngư dân Philippines.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines đã mở đầu bằng việc nhắc lại tàu cá nước này từng bị đâm chìm trên Biển Đông nhưng may mắn được cứu vớt bởi các tàu cá Việt Nam gần đó.

“Kinh nghiệm tương tự của chúng tôi đã cho thấy niềm tin vào tình bạn đã bị mất như thế nào qua vụ việc như vậy; và niềm tin đã được tạo ra nhiều thế nào bởi hành động nhân văn của Việt Nam trực tiếp cứu mạng sống của ngư dân Philippines của chúng tôi”, tuyên bố có đoạn nêu rõ.

“Chúng tôi đã không ngừng và sẽ không ngừng cảm ơn Việt Nam về hành động đó. Và với suy nghĩ, chúng tôi đưa ra tuyên bố này để thể hiện tình đoàn kết”.

Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh rằng các sự cố như vừa xảy ra với tàu cá Việt Nam khiến quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc bị xói mòn trong bối cảnh hai bên đang đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

“Việc tiếp tục củng cố các mối quan hệ khu vực đặc biệt quan trọng trong bối cảnh ASEAN và Trung Quốc cùng cam kết nhằm hợp tác giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra bởi đại dịch Covid-19”, tuyên bố đặt vấn đề.

Cơ quan ngoại giao Philippines cũng nhắc lại thực tế rằng ASEAN, trong đó có cả Philippines, đã sát cánh cùng Trung Quốc khi nước này đang gồng mình chống đại dịch Covid-19, nhấn mạnh “cả thế giới đã chứng kiến điều đó”.

“Như chúng tôi đã nói, việc tạo ra các sự cố trên biển sẽ không bao giờ làm phát sinh quyền hợp pháp ở bất cứ đâu và vào bất kỳ thời điểm nào”, Bộ ngoại giao Philippines lập luận đồng thời kêu gọi sự kiên nhẫn ở Biển Đông.

Cuối tuyên bố, Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định Covid-19 là một mối đe dọa “rất thực tế đòi hỏi sự đoàn kết và tin tưởng lẫn nhau”, đồng thời cho rằng đừng nên bất chấp gây ra những sự cố tương tự để khẳng định “các tuyên bố lịch sử hư cấu và quyền khai thác cá”. (2)

Trước Philippines, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6-4 cũng ra thông cáo bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự việc. Người phát ngôn cơ quan này, bà Morgan Ortagus nhấn mạnh “thật đáng sợ khi Trung Quốc đang lợi dụng sự tập trung của thế giới vào đại dịch toàn cầu để áp đặt các tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông”. (3)

Từ quyết tâm ‘chống dịch như chống giặc’ sang tâm thế ‘chống giặc như chống dịch’, có lẽ đây chính là lúc mà Việt Nam “cần nói rõ” và có bước đi quyết định trong bối cảnh Trung Quốc đã làm thay đổi hiện trạng quá nhiều ở Biển Đông theo hướng quân sự hóa để chuẩn bị cho chiến tranh xâm lược.

_________________

Chú thích:

(1) https://baotintuc.vn/chinh-tri/thong-diep-cua-thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-gui-hoi-nghi-truc-tuyen-cac-bo-truong-y-te-khu-vuc-tay-thai-binh-duong-20200408160143693.htm

(2) https://www.dfa.gov.ph/dfa-news/statements-and-advisoriesupdate/26621-statement-on-the-sinking-of-a-vietnamese-fishing-vessel-in-the-south-china-sea

(3) https://www.voatiengviet.com/a/bo-ngoai-giao-my-het-suc-quan-ngai-vu-tq-dam-chim-tau-ca-vn/5361740.html

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)