Diên Vỹ
(VNTB) – Trong khi vẫn chờ quốc hội cãi nhau mỗi ngày chưa ngã ngũ theo chính sách nào, hôm nay vầy, ngày mai khác thì trái đất vẫn quay, tôi vẫn phải làm việc và tìm cách bảo vệ minh và gia đình tối đa trong mùa dịch bệnh vốn có thể còn kéo dài cho đến tận mùa thu.
Chưa bao giờ mà thành phố Amsterdam lại vắng lặng tới như vậy. Một thành phố chưa tới 800.000 dân mà mỗi năm đón hơn 20 triệu du khách, giờ lại vắng lặng không có mấy người qua lại. Thành phố đã ưu tiên cho nhân viên y tế được miễn phí tiền đậu xe mà thông thường phải trả 30 euro cho một ngày hay 5-6 euro một giờ.
Có khách sạn gần bệnh viện cũng đã ngỏ ý cho nhân viên y tế đến ở trong thời gian này. Nhân viên y tế đã được nhận thiệp cảm ơn, quà tặng là các thực phẩm như nước uống, trái cây và cả hoa. Tất cả cũng chỉ để động viên những người đang chiến đấu với con virus Vũ Hán đang làm mưa làm gió khắp nơi trên thế giới.
Ở Amsterdam hiệm có gần 200 người nhiễm bệnh (nhiều gấp hai lần Việt Nam) nhưng tôi không biết họ là ai và ở đâu. Nhà chức trách không loan báo cũng không có công an khu vực hay tổ dân phố phát thông báo về thông tin cá nhân của người nhiễm bệnh. Cũng không có khu phố hay toà nhà nào bị phong toả vì có người lây nhiễm.
Vậy thì tôi có sợ không vì không biết ai mang dịch bệnh để mà tránh? Tôi có sợ chứ cho nên tôi phòng ngừa cho mình bằng cách ở trong nhà, không sử dụng phương tiện giao thông công cộng và không đi đến chỗ đông người. Còn người Hà Lan họ có sợ không? Không phải ai cũng sợ đâu. Nhiều người vẫn tỉnh bơ đi tới chỗ đông người, không tìm cách giữ khoảng cách, mà cũng chẳng đeo khẩu trang.
Thực phẩm khô tôi đã trữ vừa đủ cho hai tuần, còn thực phẩm tươi và các đồ ăn vặt tôi có thể mua trên mạng để cho người ta giao tới tận nhà dù là sẽ được giao tới nhà lâu hơn thông thường. Làm việc tôi đã làm việc từ nhà nên chẳng có lý do gì để phải đi ra ngoài.
Phòng tập thể dục đóng cửa thì họ đã gởi đường link để theo dõi và tập cùng các hướng dẫn viên trực tiếp livestream trên Facebook. Có khu phố còn có các hướng dẫn viên đến tận nơi để kêu gọi mọi người ra ban công cũng nhau tập thể dục.
Những người có cha mẹ già cũng đã được yêu cầu không đến thăm cha mẹ để bảo vệ những người lớn tuổi trước dịch bệnh cũng như những nơi nuôi người tàn tật và viện dưỡng lão. Ngoài ra ông bà cũng không được giữ cháu trong mùa dịch này cũng vì lý do sợ lây lan dịch bệnh cho nhóm những người dễ tổn thương này.
Những người già trên 65 tuổi giờ đây lại càng cô đơn hơn lúc nào hết. Những người trẻ đã lập ra những nhóm đi giúp đỡ người lớn tuổi đi chợ, gởi thiệp, tặng hoa cho họ, hay giữ con cho những người phải đi làm.
Có mẩu chuyện cười ra nước mắt khi một cụ bà 95 tuổi hỏi bác sỹ làm cách nào để bà có thể nhiễm virus corona cho bà được gặp bác sỹ và điều dưỡng vì bà quá cô đơn.
Lúc này đây, con số người bị nhiễm virus ở Hà Lan đã là 4204 người, tăng thêm 753 người so với hôm qua. Nhà thương ở vùng có nhiều người nhiễm bệnh đã quá tải và họ đã phải di chuyển bệnh nhân đi các nhà thương ở tỉnh khác khác vì không đủ phòng chăm sóc đặc biệt.
Những người phải nghỉ việc thì hãng làm vẫn trả lương, chính phủ đã hứa sẽ trợ cấp tối đa 3 tháng giúp các chủ hãng xưởng cho những người phải nghỉ việc làm mỗi người 90% lương. Thuế được trả chậm, chính phủ sẽ mở hầu bao để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tất cả chỉ để giữ an toàn cho mọi người và tránh tình trạng hoản loạn.
Mỗi ngày quốc hội vẫn họp và bàn cãi nên sử dụng chính sách và chiến thuật nào để giảm thiểu lây lan bệnh. Ngoài ra còn có các buổi thảo luận, tranh luận với các nhà chuyên môn về dịch tễ, hồi sức cấp cứu… Tất cả được truyền trực tiếp trên internet và tivi để người dân cả nước theo dõi.
Nhiều người cho rằng Hà Lan đang theo chính sách miễn dịch cộng đồng làm cho nhiều người không rành tiếng Hà Lan phát hoảng. Hay thậm chí rằng bác sỹ Hà Lan đang bỏ mặc ba phần tư bệnh nhân lớn tuổi không cho họ vào phòng phòng chăm sóc đặc biệt chữa trị mà để mặc cho họ phải chết ở bệnh viện hay nhà dưỡng lão khiến cho số người tử vong ở Hà Lan cao hơn nước láng giềng Đức rất nhiều.
Thật ra những người tử vong là người lớn tuổi, đa phần không được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt vì chính bản thân họ và gia đình chấp nhận không có thêm các biện pháp chữa trị can thiệp nào khác khi biết rằng họ sẽ không khá thêm lên hơn là mấy và chấp nhận ra đi trong thanh thản. Điều này có vẻ quá lạ hay có phần bất nhẫn đối với người Á Đông vốn quen với chuyện “còn nước còn tát.”
Chính phủ chủ trương áp dụng chính sách kéo giãn thời gian lây lan dịch bệnh để các phòng chăm sóc đặc biệt không bị quá tải. Điều này không phải là không gây ra tranh cãi. Nhưng nếu không kiểm soát để dịch bệnh bùng phát quá nhanh thì sẽ bị vỡ trận như Ý vì vượt tầm kiểm soát. nếu chọn biện pháp cách ly triệt để như Trung Quốc đã thực hiện thì dù kiểm soát được dịch bệnh lúc đầu nhưng khi chấm dứt cách ly triệt để thì dịch bệnh lại có nguy cơ bùng phát trở lại.
Trong khi vẫn chờ quốc hội cãi nhau mỗi ngày chưa ngã ngũ theo chính sách nào, hôm nay vầy, ngày mai khác thì trái đất vẫn quay, tôi vẫn phải làm việc và tìm cách bảo vệ minh và gia đình tối đa trong mùa dịch bệnh vốn có thể còn kéo dài cho đến tận mùa thu.