Long Đức
(VNTB) – Trong xe đông lạnh có đến 15 người, 14 người lớn và 1 trẻ em, nhiều người vã mồ hôi, có dấu hiệu khó thở.
Sài Gòn lại thêm nửa tháng “ai đâu yên đó” và vẫn chưa rõ sau đó “thêm nửa tháng” hay không.
Lãnh đạo được báo chí dẫn lời: “Chúng tôi có niềm tin chúng ta sẽ kiểm soát được dịch”, trong lúc có người để lại ý kiến bên dưới một bản tin: “Mong chính quyền tạo điều kiện cho người dân lao động có giấy xét nghiệm được trở về quê. Chứ ở lại mất việc, giãn cách mấy tháng, không thể trụ nổi nữa, hết tiền trả tiền phòng trọ, tiền ăn, gia đình thì khó khăn. Làm sao sống nổi ở đây?”.
Một số người không có ý kiến thì đã leo lên container lạnh tự tìm đường về như trong vụ mới đây.
Báo chí đưa tin cảnh sát giao thông Bình Thuận phát hiện xe đông lạnh 51D-38214 đang đậu trong sân một quán cơm thuộc xã Tân Đức, Hàm Tân có dấu hiệu nghi vấn nên yêu cầu tài xế mở khóa thùng xe. Tất cả đều sững sờ khi trong đó có đến 15 người, 14 người lớn và 1 trẻ em. Lúc này có nhiều người vã mồ hôi, có dấu hiệu khó thở.
Những người này đã rời Long Khánh với giá 700 ngàn đồng/ người. Khi bị giữ, họ mới đi được 50 cây số. Rất khó để nói điều gì sẽ xảy ra nếu chiếc xe tiếp tục hành trình.
Một câu chuyện cũ.
Ngày 23-10-2019, vụ tai nạn liên quan đến việc buôn lậu người và vận chuyển người trái phép qua biên giới. Theo kết quả điều tra, quá trình vận chuyển người trên xe tải đã gây ra sự ngạt khí và làm nhiệt độ tăng cao trong không gian kín, là nguyên nhân trực tiếp khiến số người trên xe tử vong. Sự việc đã làm rúng động đến về những đường dây xuất khẩu lao động sang nước ngoài của thanh niên ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị… phải quanh quẩn với những thửa ruộng mảnh vườn.
Đó là những trai tráng muốn đổi đời nơi xứ người. Nhưng chưa đạt được những điều mà họ mong ước thì sự cố đã xảy ra. Từng giây từng phút, họ cảm nhận sự ngột ngạt, khó thở. Một cái chết được biết trước, nhưng không thể làm điều gì khác để thoát thân ngoài gào thét và chờ giây phút cuối cùng của cuộc đời.
Thế mà giờ đây lại diễn ra một sự việc với hình thức tương tự với chiếc xe đông lạnh xuất phát từ Long Khánh và “nhét” 15 người sinh sống ở TP.HCM để thông chốt kiểm soát với hy vọng được trở về quê nhà Hà Tĩnh, Nghệ An…
Đây là một trong nhiều hệ lụy mà dịch bệnh đợt 4 ở TP.HCM hoành hành khiến cho suốt 3 tháng liền liên tục giãn cách, đời sống của người dân lâm vào cảnh bế tắc. Cũng phải bất đắc dĩ lắm thì 15 con người nói trên mới chọn con đường cuối cùng là trở về quê nhà để tìm được bữa ăn qua ngày.
Không chỉ riêng 15 người trên mà còn nhiều người dân nhập cư khác vào đất thành phố lao động đủ thứ ngành nghề để cố gắng bám trụ lại, mong ước cuộc sống xa xứ sẽ dễ dàng hơn với quê nhà. Nhưng khổ nỗi, không ai có thể biết được trong đợt dịch này thành phố sẽ giãn cách đến mấy tháng liền nên nhiều người không nhanh chóng rời đi vào những ngày đầu dịch. Để rồi đây họ bị kẹt lại và đứng giữa 2 thế khó: lui không được mà tiến cũng không xong.
Còn nhớ hình ảnh hàng trăm xe máy ồ ạt về quê nhưng bị lực lượng chặn lại ở cửa ngõ phía Đông đã xảy ra khoảng một tháng trước. Họ được đưa quay trở lại thành phố và được chăm sóc trong thời gian ngắn về ăn uống, chỗ ở. Sau đó, có lẽ một số người đã trở về quê nhà nhờ đến sự trợ giúp của Hội đồng hương, nhưng vẫn còn số khác vẫn đang cầm chừng hàng ngày cho đến giờ phút này.
Mặc dù chính quyền TP.HCM đã chi hơn 5.000 tỉ đồng trong 2 đợt hỗ trợ vừa qua cho người dân lao động mất việc, lao động tự do và những người gặp khó khăn vì dịch Covid-19, nhưng phải đâu tất cả mọi người đang gặp khó đều nhận được.
Ở một góc khác, có thể thấy sự bí bách của người dân sau nhiều tháng giãn cách, phong toả. Tâm lý lẫn sinh kế và các nhu cầu tinh thần, vật chất khác như một chiếc lò xo, còn các biện pháp hạn chế như lực nén khiến chiếc lò xo có thể bung, gãy. Nó có khiến người ta hành xử vượt ra khỏi các quy định ngặt nghèo của nhà nước, vượt qua khỏi ý thức về sự cần thiết “ai ở đâu/ ở yên đấy” để phòng dịch mà giờ này mọi người đều thấu hiểu. Nó vượt qua khỏi nỗi sợ hãi nhiễm bệnh và sự an nguy cá nhân nếu bệnh trở nặng.