VNTB – Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược và dân lãnh đủ

VNTB – Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược và dân lãnh đủ

Trần Dzạ Dzũng

 

(VNTB) – Chưa đủ căn cứ bắt buộc tiêm vắc-xin Covid-19…

 

Liên quan đến việc có bắt buộc tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân hay không, tân Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại các vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc-xin, hoặc khi đến vùng có dịch phải sử dụng vắc xin và sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc-xin.

Năm 2020, Chính phủ đã ban hành quy định dịch Covid-19 là đại dịch nhóm A, có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, hiện Covid-19 chưa được cập nhật vào danh mục bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải sử dụng vắc-xin và sinh phẩm y tế bắt buộc, cũng như độ tuổi trẻ em trong chương trình tiêm chủng mở rộng, quy định độ tuổi và độ tuổi bắt buộc theo tình hình dịch.

Bà Hương cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng không khuyến cáo bắt buộc tiêm vắc-xin Covid-19. “Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19 tự nguyện hơn là bắt buộc. Bên cạnh đó, hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện cũng tiêm vắc-xin Covid-19 theo tinh thần tự nguyện, không bắt buộc (chỉ một số quốc gia bắt buộc với một số đối tượng như quân nhân, chưa bắt buộc với trẻ em). Ngoài ra, các loại vắc xin Covid-19 hiện vẫn đang nghiên cứu theo dõi các đối tượng sử dụng và hiệu quả của vắc-xin.

Căn cứ vào quy định hiện hành và những lý do trên, tại thời điểm hiện nay việc bắt buộc tiêm vắc-xin Covid-19, đặc biệt là nhóm trẻ 5-12 tuổi chưa có đủ cơ sở. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ làm việc với Bộ Tư pháp và các đơn vị khác, các chuyên gia để xem xét về việc bắt buộc tiêm vắc-xin Covid-19”, bà Hương nói.

Trước đó tin tức cho biết, gần một triệu liều vắc-xin Covid cho trẻ 5-11 tuổi do Chính phủ Úc tài trợ về đến Việt Nam vào ngày 9-4-2022.  Đây là lô đầu tiên trong số vắc-xin Covid tiêm cho trẻ ở độ tuổi từ 5 – dưới 12 tuổi của Việt Nam. Sau đó vài ngày công tác tiêm chủng sẽ được triển khai trước tiên cho trẻ khối tuổi lớp 6. Lô vắc-xin Covid thứ 2 về vào ngày 13-4-2022 và lô thứ 3 về trước ngày 18-4-2022.

Theo quy định của Bộ Y tế thì hiện có 2 loại vắc-xin phòng Covid-19 đã được đưa vào tiêm cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi là vắc-xin Pfizer dành tiêm cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi, và vắc-xin Moderna, tiêm cho nhóm từ 6 – dưới 12 tuổi. Trẻ có bệnh mạn tính hoặc các bệnh cấp tính tiến triển như đang có sốt, đang có tình trạng nhiễm trùng; trong đợt điều trị của bệnh mạn tính như đang hóa trị ung thư,… thì cần trì hoãn cho đến khi kết thúc tình trạng bệnh cấp tính, mạn tính, hoặc kết thúc đợt điều trị của bệnh mạn tính.

Tin tức cho biết, Chính phủ Australia đã cam kết viện trợ cho Việt Nam khoảng 13,7 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ em.

Trong các bài báo mang tính cổ đọng việc chích ngừa cho trẻ em thời điểm trước khi có phát biểu của tân Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, hầu hết đểu có những nội dung kêu gọi sự đồng thuận mà không hề phân tích về góc nhìn quản lý theo luật pháp – đại khái như “PGS. TS Trần Minh Điển – Giám đốc bệnh viện Nhi TW khuyên các ông bố bà mẹ nên đồng thuận cho con mình tiêm chủng. Trong xu hướng tới đây, Tổ chức Y tế Thế giới rất mong muốn chúng ta phủ được rộng hơn nữa ở nhóm tuổi thấp hơn nữa, nếu như có các nghiên cứu của các nhà sản xuất đưa ra các vắc-xin ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi.

“Bởi vì đây thực sự là nhóm trẻ yếu thế, hệ thống miễn dịch chưa đầy đủ. Biến chủng mới cũng chưa xác định rõ là như thế nào…” – PGS.TS Trần Minh Điển chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng – Giám đốc bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM nhấn mạnh: Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi là việc hết sức cần thiết, mang lại nhiều lợi ích để bảo vệ trẻ hơn là tác hại…”.

Thậm chí có ý kiến mang tính khẳng định hệt như đây là một nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu: Trước lo lắng của nhiều phụ huynh về việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sinh sản, di truyền hay các phản ứng lâu dài, PGS.TS Trần Minh Điển khẳng định vắc-xin phòng Covid-19 không gây ảnh hưởng đến di truyền hay hệ sinh sản của trẻ.

Giám đốc bệnh viện Nhi TW lý giải: Bản chất của vắc-xin này là các thành phần RNA thông tin – khi đi vào trong tế bào, tạo ra các protein, phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus. Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người. Đây là một cơ chế khoa học rất rõ ràng…”. [1]

Như vậy thì nếu như những lưu ý của tân Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương là vững chắc về cơ sở pháp lý, cho thấy những rủi ro trong tiêm chủng vắc-xin Covid cho trẻ em, về nguyên tắc thì phải chăng Cục trưởng Cục Quản lý Dược chịu mọi trách nhiệm? [2]

____________

Tham Khảo:

[1] https://dav.gov.vn/cong-van-so-2308qld-kd-ve-viec-mo-rong-chi-dinh-cho-tre-em-tu-6-tuoi-den-duoi-12-tuoi-cua-vac-xin-spikevax-n3406.html

[2] https://suckhoedoisong.vn/tiem-vaccine-phong-covid-19-cho-tre-tu-5-duoi-12-tuoi-the-nao-tre-tung-la-f0-co-nen-tiem-169220104194313897.htm


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)