VNTB – Có BKAV và Viettel mà lại có lỗi được à?

VNTB – Có BKAV và Viettel mà lại có lỗi được à?

Diệp Chi

(VNTB) – Lẽ nào dân IT  Việt Nam khi cộng tác với nhà nước lại là ‘phiên bản lỗi’?

Trước phản ánh của người dân với việc quá nhiều ứng dụng, hay còn gọi là ‘app’, liên quan đến khai báo Covid-19, tiến độ chích ngừa, quét mã đi đường…, từ ngày 30-9-2021, ứng dụng có tên “Phòng chống dịch Covid-19 quốc gia (PC- COVID)” đã chính thức ra mắt trên hệ thống kho ứng dụng Apple Store và Google Play. Đây là ứng dụng được nhà chức trách gọi là thống nhất hầu hết các ứng dụng hiện hành về yêu cầu phòng dịch Covid qua thủ tục hành chánh.

Với sự ra đời của PC-COVID, nhiều người dân chờ đợi. Họ chào đón ứng dụng mới này, vì nhiều người nghĩ, cuối cùng cũng đã có một ứng dụng thống nhất, rõ ràng, không còn phải băn khoăn mỗi khi qua trạm, liệu chốt này đồng ý ứng dụng nào, chốt kia thì xài ứng dụng nào? Hay vào cửa hàng, siêu thị, nơi nào Bluezone, nơi nào VNIED, nơi nào Sổ sức khỏe điện tử, nơi nào Y tế HCM, nơi nào NCovid… hay lại phải ngồi khai giấy?

Đêm 29-9, thấy nhiều người kêu ‘app’ đã có trong CH Play, mình cũng ‘down’ về sử dụng. Trước là xem có gì mới hay không, sau là nghiên cứu để chỉ gia đình sử dụng. Nhưng khi bấm vào sử dụng, thật sự thất vọng. Một ‘app’ mang tầm quốc gia, gọi là thống nhất chung cho cả nước, trình làng công khai là quá tệ. Đừng nói là mới đưa lên còn lỗi. Đầy lỗi luôn.

Khi anh đưa vào sử dụng, đưa vào hệ thống kho ứng dụng, lại mang tầm quốc gia, anh phải có sự chuẩn bị kỹ càng chứ. Đó còn là bộ mặt công nghệ của Việt Nam nữa. Giống như khi anh chuẩn bị trình bày một tiểu luận, khóa luận trước bàn dân thiên hạ, anh phải có sự chuẩn bị kỹ càng trước chứ. Sao lại còn đầy lỗi khi mới đưa lên hệ thống ứng dụng được?

Thời điểm đó, khai báo y tế gửi hoài không được, lại đòi hỏi cấp quyền điện thoại quá nhiều. Dù biết là ‘app’ cần thiết nhưng tôi vẫn chọn phương án là xóa. Vì sao? Vì nếu đem so sánh hiệu quả, nó không bằng app Y tế HCM hay Sổ sức khỏe điện tử. Nhất là nó vẫn không hiện lên tiến độ tiêm ngừa. Hôm 6-10, đã chích hai mũi nhưng vẫn hiện lên “vắc xin chưa có thông tin từ nền tảng tiêm chủng”. Trong khi tình hình đi lại, mua sắm, khám chữa bệnh, lại cần cái đó”, một ý kiến nhận xét.

“Nhiều người phản ánh lỗi, can thiệp sâu vào riêng tư trong máy, không phải là dân chuyên, nhưng tôi thắc mắc, có BKAV và Viettel trong danh sách, mà lại có lỗi được à? Sao lại như thế được? Những năm 2008, nếu tôi nhớ không lầm, tôi thường sử dụng phần mềm quét virus của BKAV. Tin tưởng BKAV, cũng như mạng Viettel, đó là chưa kể còn có ông Vũ Đức Đam. Mà sao ‘app’ lại có lỗi? Nhưng đúng là có lỗi thật”, một ý kiến thắc mắc.

Đồng ý là việc đưa ra một ứng dụng thống nhất là cần thiết. Nhưng câu hỏi đặt ra, có cần thiết để làm điều đó hay không? Đơn giản, việc viết một ứng dụng, dù là ẹ nhất, vẫn phải tốn tiền. Ngân sách đã chi quá nhiều vào mấy việc như mua kit xét nghiệm, rồi cả đống ứng dụng trước đó. Sao không dùng tiền đó để mua trang bị y tế như xe cấp cứu chẳng hạn? Hay dùng tiền đó mua vắc xin hữu hiệu cho dân đi, dĩ nhiên, không phải Trung Quốc hay UAE, Cuba.

Có ý kiến cho rằng, nếu không có ứng dụng thống nhất, sẽ tiếp tục tình trạng tùm lum ứng dụng. Đồng ý. Vậy thì đầu tiên, phải xét ra, để xảy ra như vậy, lỗi do ai? Trách nhiệm, vai trò quản lý ứng dụng là của ông phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia nào? Đem ông đó ra hỏi lý do, tại sao ông lại để tình trạng đó xảy ra, nhất là viết ứng dụng là tốn kém, rồi nhọc lòng người dân. Sau đó phải có biện pháp xử lý ổng.

Còn việc ứng dụng thống nhất, cá nhân tôi cho rằng không cần. Bây giờ, ai quen xài ứng dụng nào, xài cái đó đi, thông báo cho các chốt, các địa phương, chấp nhận hết tất cả ứng dụng. Hãy liệt kê ra người dân có thể xài ứng dụng này, ứng dụng kia. Ai quen Sổ sức khỏe điện tử thì xài nó, ai quen Y tế HCM thì xài y tế, ai quen VNIED thì xài VNIED…. Tất cả đều được chấp nhận hết, dù sao đi chăng nữa, cũng là khai báo, kiểm soát tiến độ chích ngừa thôi mà. Cách này tiện lợi cho người dân”, một ý kiến khác nhìn từ túi tiền ngân sách.

Tựu trung lại câu chuyện ứng dụng trong mùa dịch, có thể nói, nếu như mang tinh thần tiết kiệm và một cái đầu kinh nghiệm nhiều ở Tổng cục Bưu điện hồi thời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam còn công tác tại đây, có lẽ sẽ nhanh chóng đưa ra biện pháp hữu hiệu, tiện lợi, tiết kiệm nhất cho người dân cũng như ngân sách Nhà nước.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)