Lynn Huỳnh
(VNTB) – Quốc Hội sẽ bỏ phiếu kín miễn nhiệm Phó Thủ tướng với ông Vương Đình Huệ.
Báo chí Việt Nam đưa tin, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16-5 cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9 của Quốc hội. Theo dự kiến chương trình, cuối giờ chiều ngày 10-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, và trình Quốc hội miễn nhiệm ủy viên Ủy ban Thường vụ Nguyễn Thanh Hải (bà Hải nhận một chức vụ khác cũng trong Quốc hội). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Quốc hội sẽ phê chuẩn việc miễn nhiệm Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và miễn nhiệm ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải bằng hình thức bỏ phiếu kín. Lý do miễn nhiệm Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là vào ngày 7-2, Bộ Chính trị phân công ông Vương Đình Huệ – uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Giả dụ: nếu hình thức bỏ phiếu kín cho kết quả các đại biểu không đồng ý bãi nhiệm ông Vương Đình Huệ chức Phó Thủ tướng, liệu ông Huệ có được quyền tiếp tục ngồi lại ghế Phó Thủ tướng Chính phủ hay không?
Lẽ thường, đảng chính trị chỉ được quyền quản trị trong các công việc nội bộ của đảng. Đàng này vì sao đảng chính trị lại lấn cả quyền Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội, khi thay đổi cả chức danh Phó Thủ tướng?
Dĩ nhiên ở đây theo quy định tại Hiến pháp và luật Tổ chức Chính phủ, Thủ tướng có thẩm quyền trình Quốc hội đề nghị phê chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm nhân sự Phó Thủ tướng. Tuy nhiên trong trường hợp như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, xem ra Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở trong tình thế ‘sự đã rồi’, khi từ đầu tháng 2-2020, ông Huệ đã phải làm công việc chuyên trách của đảng chính trị, ngay khi ông đang giữ trọng trách là một phó thủ tướng chính phủ.
Khi ngồi vào ghế Bí thư Thành ủy Hà Nội, có nghĩa cũng đồng thời ông Vương Đình Huệ nhận hàng loạt chức vụ liên quan mà một người giữ vị trí Bí thư Thành ủy luôn phải kiêm nhiệm: Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021.
Liên quan về chuyện ‘điều động’ ông Vương Đình Huệ còn cho thấy lá phiếu của cử tri gần như chỉ mang tính hình thức.
Khi Bộ Chính trị công bố quyết định gọi là điều động ông Vương Đình Huệ – ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Thủ tướng thôi tham gia Ban Cán sự đảng Chính phủ, phân công ông Vương Đình Huệ tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, thì các cơ quan còn lại chỉ phải làm mỗi động tác về thủ tục hành chính để hợp thức hóa các chức danh, như Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết 891 về việc chuyển sinh hoạt đối với ông Vương Đình Huệ từ đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh về đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, bất chấp việc hỏi ý kiến ra sao của cử tri nơi đã bỏ phiếu bầu ông Vương Đình Huệ.
Ở nhiệm kỳ mới sắp tới đây của đảng chính trị, nếu như vẫn giữ nguyên thói quen can thiệp vào nhân sự của Chính phủ, của Quốc hội thì cách tiết kiệm ngân sách nhanh nhất, là cần thiết hợp nhất về mặt quản lý bộ máy hành chính điều hành của đảng chính trị với Quốc hội và Chính phủ. Và tất cả mọi chức danh liên quan cùng lúc giữa ba bên, giờ đây sẽ chỉ nhận một đầu lương theo khung lương của đảng chính trị.