Việt Nam Thời Báo

VNTB – Có dầu thô, có nhà máy lọc mà vẫn thiếu xăng?

Định Tường

 

(VNTB) – Cùng tập đoàn dầu khí mà đơn vị này khai thác, xuất khẩu dầu thô, đơn vị khác lại đi nhập khẩu dầu thô để chế biến…

 

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2021 Việt Nam xuất khẩu hơn 3,1 triệu tấn dầu thô, với giá trị xuất khẩu là trên 1,76 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu hơn 9,9 triệu tấn dầu thô với giá trị nhập khẩu là trên 5,15 tỷ USD.

Như vậy, Việt Nam nhập khẩu dầu thô lớn hơn nhiều so với lượng dầu thô xuất khẩu đi. Lượng dầu thô nhập khẩu chủ yếu phục vụ cho hai nhà máy lọc hóa dầu là Nghi Sơn và Dung Quất.

“Xuất khẩu dầu thô có lời là đương nhiên vì giá dầu tăng cao, doanh nghiệp nhập khẩu dầu thô để lọc, sản xuất rồi bán giá cao cũng có lời vì chính sách định mức lợi nhuận và các kiểu ưu đãi khác đã cam kết. Duy chỉ có người dân và nền kinh tế thiệt hại bởi phần lợi thì chia cho nước ngoài trong khi người dân và doanh nghiệp sản xuất trong nước hưởng trọn phần thiệt khi phải mua xăng dầu với giá rất cao” – ý kiến của ông Bùi Trinh, một chuyên gia thống kê.

Giá dầu thô trên thị trường thế giới ở mức cao, trên 100 USD/thùng. Việt Nam đang xuất khẩu phần lớn dầu thô, nhưng lại phải nhập khẩu chủng loại khác để chế biến.

Giải thích về tình trạng trên, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, phần lớn dầu thô xuất khẩu là khai thác của từ mỏ Bạch Hổ – đây là mỏ có hàm lượng lưu huỳnh cao – nên có thể xuất bán với giá cao. Bối cảnh giá dầu thế giới tăng vọt, việc xuất khẩu dầu thô đem lại hiệu quả kinh tế, nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Hai tháng đầu năm nay, khoản thu từ dầu thô tăng hơn 57%, đóng góp gần 29% vào dự toán thu ngân sách.

Về việc nhập dầu về lọc, PVN giải thích, với công nghệ hiện tại có thể pha dầu thô nhập từ nước ngoài với giá thấp (tỷ lệ pha 20%), nhà máy lọc dầu trong nước vẫn cho ra sản phẩm tốt. Điển hình, nhà máy Nghi Sơn thường lọc dầu vùng Vịnh, chủ yếu khai thác từ sa mạc và đá phiến. Nhà máy Dung Quất lại dùng loại dầu khác có giá rẻ hơn loại từ mỏ Bạch Hổ để có hiệu quả hơn về kinh tế.

Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cũng cho biết, tháng 2, tập đoàn này khai thác 0,84 triệu tấn dầu, vượt 24% kế hoạch. Lũy kế 2 tháng đầu năm, PVN khai thác 1,78 triệu tấn. Nhờ đó, tập đoàn ghi nhận doanh thu 118.730 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ 2021. Mức nộp ngân sách của PVN tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái, hơn 18.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên ý kiến khác cho rằng để hạn chế bán thô thì chính chính phủ phải có những chính sách tầm cao, ví dụ khuyến khích cho lọc hóa dầu phát triển, hay chí ít là ưu tiên cho nhà máy nội như lọc dầu Dung Quất được mua. Và lời giải sự nghịch lý nếu có thì ở thượng tầng chính sách, chứ không chỉ riêng PVN hay Tổng công ty khai thác thăm dò dầu khí.

Ghi nhận dù Nhà máy lọc dầu Dung Quất có công suất lọc 6,5 triệu tấn dầu thô mỗi năm, trong khi sản lượng dầu PVN khai thác hằng năm hơn 10 triệu tấn, song nhà máy này vẫn nhập khẩu khoảng 20% nhu cầu dầu thô về để chế biến.

Lý giải nghịch lý trên, phía PVN thừa nhận trong 5 năm lại đây, lượng nhập khẩu dầu thô của Nhà máy Dung Quất trung bình khoảng 20% năm, còn lại 80% là từ nguồn trong nước. “Mấy năm gần đây, việc thăm dò, khai thác dầu của PVN khó khăn hơn, nếu cứ phải phụ thuộc vào một nguồn trong nước thì nhà máy rất dễ bị động” – phía PVN nói.

Từ thực tế trên nên tuy thiết kế ban đầu là Nhà máy Dung Quất dùng dầu mỏ Bạch Hổ, nhưng trong bối cảnh nguồn từ mỏ này giảm nhanh, nhà máy đã cải tiến kỹ thuật để lọc thêm một số chủng dầu ngọt tương tự.


Tin bài liên quan:

VNTB – Trung Quốc đang tung lượng lớn tiền giả vào Việt Nam?

Trương Thế Tử

VNTB – Học phí trường Y Dược sẽ tăng cao

Do Van Tien

VNTB – Lạc Đà Vàng sẽ lại rảo bước?

Trương Thế Tử

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 16.03.2022 5:36 at 05:36

Thấy chưa, tiền hết . Cái quan trọng là ngân sách nhà nước-Đảng, có thể nói đây là quan tâm hàng đầu của trí thức Việt & báo đài hải ngoại . Nếu tổng cty dầu khí có làm điều này để có thể đóng góp thiết thực cho ngân sách của Đảng cũng tốt lắm đó muh

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo