Việt Nam Thời Báo

VNTB- Công an Đắk Nông khép ông Trần Minh Lợi vào tội danh ‘đưa hối lộ’ để làm gì?

Trần Thành – Thảo Vy

(VNTB) – Một số đồng nghiệp với luật sư Phạm Công Út cho rằng với việc họp báo công bố kết luận điều tra diễn ra sáng 29-9 của Công an tỉnh Đắk Nông, cho thấy việc đưa ông Trần Minh Lợi vào vòng tố tụng với tội danh ‘đưa hối lộ’ không phải để nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật, mà có thể xem đó là dùng bạo lực đế trấn áp người khiếu nại, tố cáo.
Kết quả hình ảnh cho hinh anh ông Trần Minh Lợi
Người nổi tiếng chống tham nhũng ở Đắk Lắk bị bắt: 

Nhìn từ quy định của luật pháp
Ngày 29-9, Công an tỉnh Đắk Nông tổ chức họp báo công bố kết luận điều tra trong vụ án gây xôn xao dư luận trong thời gian qua liên quan đến ông Trần Minh Lợi (SN 1968, ngụ huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk). Theo kết luận điều tra, ông Trần Minh Lợi – người tố cáo đình đám nhất Tây Nguyên – đã 2 lần đưa hối lộ cho cán bộ công an và giám đốc ngân hàng.
Theo kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra: ngày 15-1, Công an huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) bắt được sáu người đang đánh bài ăn tiền tại xã Thuận An (Đắk Mil).
Sau khi được biết người nhà các con bạc có ý định muốn cho các con bạc trong vụ án được tại ngoại, với tư cách là cán bộ đội CSHS huyện Đắk Mil và có tham gia vụ bắt con bạc, bị can Lãnh Thanh Bình gợi ý người nhà chung tiền thì sẽ cho các con bạc được tại ngoại. Sau đó Bình đã nhận của người nhà con bạc tổng cộng 60 triệu đồng.
Sự việc này được người nhà con bạc thông tin đến ông Trần Minh Lợi (trú xã Ea B’hốk, Cư Kuin, Đắk Lắk) và nhờ ông này “giúp đỡ”. Ông Lợi đã hướng dẫn các bị can khác sử dụng thiết bị ghi lại quá trình chung chi – nhận tiền.
CQĐT xác định sau khi có bằng chứng về việc nhận hối lộ, bị can Trần Minh Lợi đã trực tiếp gọi điện và đe doạ Lãnh Thanh Bình buộc Bình phải đưa tiền để được bỏ qua. Tuy nhiên, cũng tại buổi họp báo, CQĐT cho biết về lời khai của bị can Lãnh Thanh Bình nói rằng bị Trần Minh Lợi khống chế, yêu cầu đưa 220 triệu đồng để được “bỏ qua”, cơ quan điều tra xác định quá trình điều tra không đủ căn cứ để xác định hành vi cưỡng đoạt tài sản như lời khai của Bình.
Như vậy, ở đây về mặt tố tụng, cần xem xét mục đích của cái gọi là hành vi “đưa hối lộ” của ông Lợi, đồng thời quay ngược lại hành trình, cách thức, phương pháp đấu tranh chống tiêu cực ở Đắc Lắc và Đắc Nông của ông Lợi trước đây có giống như lần bị bắt này hay không?…
Từ báo chí cho thấy với 50 vụ mà ông Trần Minh Lợi chủ động “trinh sát”, “giăng bẫy”, “thu thập chứng cứ” và tố cáo hoặc trình báo tội phạm đều có cách thức giống nhau là cải trang, giả danh, đặt vấn đề hối lộ, ghi âm, ghi hình… cuối cùng là tổng hợp các chứng cứ để tố giác tội phạm, hoàn toàn không thấy ông ta có mục đích, ý đồ lợi dụng việc đấu tranh chống tiêu cực để tiêu cực.
“Nếu nhà nước xem tội phạm tham nhũng hiện đang là quốc nạn thì tại sao chấp nhận những “hiệp sĩ đường phố” tự phát trấn áp tội phạm cướp giật lại không chấp nhận những “hiệp sĩ” chống tham nhũng một cách có hiệu quả. Vì suy cho cùng, phía công an khởi tố ông Lợi về hành vi “đưa hối lộ” thì tôi cho là quy chụp, do mục đích của ông ta không nhằm vụ lợi mà nhằm thu thập chứng cứ về hành vi nhận hối lộ. Chỉ cần xét riêng về yếu tố đó thì cũng có thể thấy ông ta đang bị hàm oan” – Luật sư Phạm Công Út, nhận xét.
Một số đồng nghiệp với luật sư Phạm Công Út cho rằng với việc họp báo công bố kết luận điều tra diễn ra sáng 29-9 của Công an tỉnh Đắk Nông, cho thấy việc đưa ông Trần Minh Lợi vào vòng tố tụng với tội danh ‘đưa hối lộ’ không phải để nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật, mà có thể xem đó là dùng bạo lực đế trấn áp người khiếu nại, tố cáo.

Đừng để đứt tay vì… chơi dao
Tổng thư ký tòa soạn báo Pháp luật TP.HCM, nhà báo Nguyễn Đức Hiển nhìn nhận ở vụ án này có bốn vấn đề cần lưu ý, bởi chống tham nhũng bằng điều tra nhập vai, thì cần phải học cách chơi dao thuần thục.
Thứ nhất, ông Trần Minh Lợi nhiệt tình và có một số kỹ năng trong việc ghi âm, quay lén và thu thập thông tin. Tuy nhiên một nghiệp vụ xuyên suốt được ông Lợi sử dụng là điều tra nhập vai và cài bẫy.
Nhập vai là một thủ pháp đặc biệt, nhưng không nên lạm dụng. Bởi để “hóa thân”, người nhập vai cần biết rõ đó là vai diễn và rút ra trước khi nó gây hậu quả cho cá nhân và xã hội. Việc thu thập chứng cứ với việc tạo ra tình huống, thúc đẩy người khác vi phạm nhằm thu thập chứng cứ là hai việc khác nhau, và giữa chúng là một khoảng cách cực kỳ mong manh.
Một nguyên tắc khi nhập vai điều tra là không tác động vào sự vật hiện tượng khiến nó thay đổi bản chất. Ngay cả những người dày dạn kinh nghiệm về trinh sát lẫn tố tụng, với sự trợ lực của đồng đội và tổ chức cũng có thể vướng cái bẫy do mình cài, như thợ săn chết vì đạp trúng bẫy thú, do vượt qua những giới hạn.
Trên facebook của ông Trần Minh Lợi, nhiều người cũng đã bình luận/ comment cảnh báo điều này. Tuy nhiên ông ta cho rằng khi bắt ma túy hay bắt tội phạm, công an cũng gài bẫy. Chuyện công an gài ai và gài tới đâu không biết, nhưng ông nào cài đặc tình mà rút ra không kịp để đặc tình vướng vào tố tụng thì ông đó chết chắc. Hơn nữa cơ quan tố tụng có những thẩm quyền điều tra mà nhà báo và công dân không có, vì vậy đừng so sánh.
Thứ hai, ông Trần Minh Lợi cùng lúc tạo ra quá nhiều kẻ thù. Trong một thời gian ngắn, ông Lợi đụng quá nhiều người. Một trong các nguyên tắc điều tra là cô lập các đối tượng, thì cách làm của ông Lợi lại có thể khiến các “kẻ thù” đồng cảm và đoàn kết với nhau. Và như thế, khi nào người điều tra cũng ở thế tứ diện thọ địch. Điều đó sẽ phân tán quá nhiều công sức đối phó.
Thứ ba là ông Lợi có vẻ quá khoa trương và chủ quan về khả năng. Trong một thời gian ngắn, ông ta biến nhà riêng của mình thành một văn phòng không chính thức và mở rộng số lượng, quy mô vụ việc lẫn địa bàn “đánh” tham nhũng ra cả hai tỉnh Đắc Lắk và Đắk Nông.
Một bộ máy hùng hậu cũng khó có thể làm điều đó. Nhiều cuộc “điều tra” mà ông Lợi chỉ dựa vào tư liệu từ một phía và trong vài ngày đã “công bố kết quả” trên facebook, mà ở đó có thể tìm thấy rất nhiều những sơ hở về cả chứng cứ và lập luận.
Đơn cử, trả lời một số lời khuyên của mọi người qua các comments trên facebook cá nhân, ông Lợi cho rằng Nguyễn Hoài Nam (đã nghỉ làm việc tại báo Thanh Niên) không bị xử lý vì gài bẫy, thì ông ta cũng không bị xử lý. Điều này cho thấy ông Trần Minh Lợi thiếu thông tin. Phóng viên Hoài Nam có kinh nghiệm, kiến thức và những liên hệ mật thiết với Thanh tra công an trước, trong và sau cuộc điều tra. Hoài Nam được ban biên tập bảo vệ khi đối diện với Thanh tra Cục báo chí. Về nguồn lực lẫn quy trình, Nam chặt chẽ hơn nhiều nhưng cuối cùng thì Hoài Nam vẫn từng bị hệ lụy.
Thứ tư, cách làm của ông Trần Minh Lợi vô hình trung tự cô lập mình. Ông gây lo ngại cho nhiều người do sợ liên lụy. Với những gì ông Lợi công bố trên facebook, có vẻ như bất kỳ cuộc giao tiếp nào cũng bị ông đặt máy quay lén hoặc ghi âm. Điều đó sẽ hạn chế các giao tiếp và các mối quan hệ xã hội để trợ lực khi cần thiết. Người ta ngại hớ hênh, và cảm thấy mất tự do khi trước mặt mình là một người luôn tận dụng mọi cơ hội để quay lén, ghi lén làm bằng chứng.
Dĩ nhiên làm điều tra chống tiêu cực thì phải chấp nhận trả giá. Nhưng những tiếng tôn vinh (lẫn tung hô) dễ khiến người điều tra chủ quan; vài thắng lợi có thể khiến họ vượt qua những ranh giới cần thiết.

“Án lệ” Hoàng Khương
Ngày 2/1/2012 nhà báo Nguyễn Văn Khương, bút danh Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ, một nhà báo có nhiều bài viết chống tham nhũng bị Cơ quan điều tra Bộ Công An khởi tố và bắt tạm giam để phục vụ điều tra tội “đưa hối lộ”.
Trước khi bị đình chỉ nghề nghiệp và bị bắt giam, Hoàng Khương đã tường trình rằng để có được những bài phóng sự đó anh đã ‘áp dụng’ nghiệp vụ điều tra ‘Hóa thân nhân vật’ (undercover reporting) – đóng vai người bị tạm giữ phương tiện – làm việc, chung chi cho cảnh sát giao thông để lấy xe ra khỏi kho giữ. Loạt bài đăng báo đã gây được sự chú ý của dư luận.
Công an TP.HCM cũng đã vào cuộc điều tra. Kết quả là một cảnh sát giao thông liên quan bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “nhận hối lộ”; hai người liên quan khác trong “nghiệp vụ hóa thân” của Hoàng Khương cũng bị bắt về tội “Môi giới hối lộ” và “Đưa hối lộ”.
Tuy nhiên, điều tra của cơ quan công an cũng cho thấy Hoàng Khương đã có hành vi vi phạm pháp luật khi thực hiện loạt bài trên. Hoàng Khương bị cho rằng đã tiếp tay hối lộ cho cảnh sát giao thông để giải cứu xe gắn máy vi phạm ra khỏi trạm giữ xe. Anh bị báo Tuổi Trẻ đình chỉ công việc. Vào ngày 2/1/2012 anh bị khởi tố và bắt tạm giam, liền sau đó, em vợ anh là Nguyễn Đức Đông Anh cũng bị khởi tố, bắt tạm giam phục vụ điều tra tội ‘đưa hối lộ’ này.
Trên thế giới nghiệp vụ điều tra bằng cách nhập vai, giả dạng gài bẫy, hay hóa thân nhân vật không phải là điều xa lạ. Theo bà Trần Lệ Thùy, nghiên cứu báo chí tại Đại học Oxford, Anh Quốc thì “Nhập vai để viết điều tra là thủ pháp báo chí phổ biến ở Anh, nhưng không phổ biến ở Mỹ và nhiều nước khác vì thường bị coi là không đạo đức.”
Còn theo ông David Tomlin, một trong những luật sư chính của hãng tin Associated Press- AP thì quan điểm của mỗi tờ báo có thể khác nhau đối với các hình thức gài bẫy đó. Có trường hợp là chấp nhận được, có trường hợp là không. 

“Có rất nhiều tiền lệ ở Mỹ phóng viên gài bẫy để lật tẩy các hành vi bất hợp pháp. Ví dụ, có thể đóng giả làm khách hàng ở một cửa hàng hay một hoạt động kinh doanh “có vấn đề” để tìm bằng chứng. Khi hành động của phóng viên về cơ bản là giống hành vi của những “người dân thông thường” thì hành động đó là chấp nhận được – dù phóng viên lúc đó chỉ mạo danh khách hàng. Tuy nhiên, AP và rất nhiều tờ báo khác cấm việc phóng viên hành động phi pháp ví dụ như bỏ tiền cho một hành vi bất hợp pháp của ai đó. Hay như hối lộ là bất hợp pháp thì nhiều biên tập viên cũng sẽ không chấp nhận – dù một số toà báo có thể có quan điểm khác”, David Tomlin cho biết.

Tin bài liên quan:

VNTB- Bình Định: Nhiều dấu hiệu công an vừa đánh chết người vừa xâm phạm quyền tự do báo chí

Phan Thanh Hung

VNTB- Có thể bỏ tù ông chủ đường ống xả thải dưới biển Vũng Áng?

Phan Thanh Hung

VNTB – Không có “chống lưng”, chủ đầu tư đâu dám lộng quyền

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo