Anh Khoa dịch
(VNTB) – Với dấu ấn toàn cầu của Trung Quốc mở rộng khắp mọi nơi, Đảng Cộng sản cũng vậy — không phải lúc nào cũng công khai
23 tháng 6 năm 2021
“Xây dựng Đảng không có biên giới”. Vì vậy, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khuyến khích các công ty Trung Quốc thành lập các chi bộ đảng ở nước ngoài. “Bất kể dự án ở quốc gia nào, ở đó sẽ có một tổ chức đảng,” là một khẩu hiệu khác. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng của ĐCSTQ ra nước ngoài. Khi công dân Trung Quốc ra nước ngoài để làm việc và học tập, các chi bộ đảng cũng đang lan rộng.
Đe dọa để buộc phương Tây tôn trọng Trung Quốc hơn là nhiệm vụ của các cơ quan đảng ở Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao thực hiện công việc, nhưng Ủy ban Đối ngoại của ĐCSTQ, do ông Tập đứng đầu là nơi đưa ra chính sách. Cục Xuất bản tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông nhà nước như đài truyền hình CGTN và hãng thông tấn Tân Hoa xã. Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD) kiểm soát các tổ chức đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng của ĐCSTQ ở nước ngoài, đặc biệt là đối với người gốc Hoa. Trung tâm nghiên cứu ASPI của Úc cho biết UFWD giám sát các Viện Khổng Tử, các trung tâm văn hóa do chính phủ hỗ trợ tại các trường đại học ở nước ngoài.
Các quan chức biết ĐCSTQ không phải là một thương hiệu hấp dẫn ở phương Tây. Vì vậy, những cơ quan này không để tên ĐCSTQ khi hoạt động ở nước ngoài. Trong nước ông Tập nói rằng phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc “phải được mang họ là ‘Đảng’”, để phục vụ lợi ích của đảng. Nhưng chương trình phát sóng CGTN không quảng bá mối liên hệ giữa họ và ĐCSTQ. Đài này đôi khi sử dụng các phát ngôn viên không phải là người Hoa, đã từng làm việc cho các hãng truyền thông phương Tây như BBC hoặc CNN. (Mỹ đã chỉ định CGTN và Tân Hoa xã là “tổ chức làm việc cho nước ngoài”; Anh đã cấm các chương trình phát sóng của CGTN.)
Các đại sứ Trung Quốc cũng là bí thư đảng, mặc dù họ hiếm khi quảng bá điều này. Vị trí này giúp họ có quyền đối với các bí thư đảng trong các công ty nhà nước Trung Quốc ở nước họ công tác. Họ có thể là đại sư khi gặp người dân địa phương, nhưng đội mũ của đảng để nói chuyện với những người Hoa xa xứ. Chen Yonglin, một nhà ngoại giao đào tẩu năm 2005, cho biết các công ty Trung Quốc thường tổ chức các cuộc họp đảng tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Trung Quốc. Và ĐCSTQ muốn phát triển thêm các cơ sở đảng ở nước ngoài. Mục đích dường như là giữ cho các đảng viên gắn bó và đảm bảo họ không bị tư duy chính trị phương Tây quyến rũ. Đảng chống lại sự lệch lạc tư tưởng, vì vậy việc thâu nhận lại dảng viên trở về nước tùy thuộc vào bằng chứng về lòng trung thành của họ.
Trước đại dịch, có 1,6 triệu người Hoa đi du học và 1,5 triệu người làm việc ở nước ngoài cho các công ty đa quốc gia của Trung Quốc. Tỷ lệ sinh viên trong đảng thấp: nhiều sinh viên đã đi nước ngoài từ trung học ở độ tuổi không có mấy người là đảng viên. Nhưng nhiều sinh viên trên đại học và và sinh viên trong các chương trình trao đổi tham gia ĐCSTQ trước khi rời Hoa Lục. Và tỷ lệ đảng viên trong các doanh nghiệp nhà nước cao: hơn 40% cán bộ của các doanh nghiệp thuộc sở hữu trung ương là đảng viên. Vì vậy, có thể có hàng chục nghìn đảng viên ở nước ngoài.
Đảng vẫn muốn giữ kín những chuyện này. Năm 2017, một tờ báo tiết lộ rằng các công ty Trung Quốc ở nước ngoài thực hiện nguyên tắc “năm điều cần giữ kín”: họ không tiết lộ sự tồn tại của tổ chức đảng tại công ty họ làm việc cũng như các hoạt động của tổ chức này, không tiết lộ vai trò của nhân viên trong đảng. hoặc thậm chí không tiết lộ mối liên hệ của họ với đảng, và không công khai bất kỳ tài liệu nào của đảng. Nhưng dưới thời ông Tập, các công ty quốc doanh ở nước ngoài phải thành lập chi bộ đảng. Họ dường như đang tuân thủ. Đề cập đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu của Trung Quốc truyền thông nhà nước tuyên bố: “Cờ đảng tung bay dọc theo vành đai và con đường.”
Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại toàn Trung Quốc cũng đã kêu gọi thành lập các tổ chức đảng trong các hoạt động ở nước ngoài của các công ty tư nhân. Huawei, đại công ty công nghệ đã khiến các nước phương Tây lo ngại rằng Trung Quốc có thể khai thác thiết bị mạng của họ cho các hoạt động gián điệp, sử dụng hàng nghìn đảng viên. Chính sách của công ty này là thành lập các chi bộ đảng trong các doanh nghiệp ở nước ngoài “tùy theo điều kiện địa phương”.
Ở các cơ sở nước ngoài, để tránh xúc phạm phương Tây, đảng dường như không cố gắng tạo ra các chi bộ rõ ràng trong giới sinh viên và học giả Trung Quốc. Tuy nhiên, sinh viên đến từ Hoa Lục thường mong muốn duy trì sinh hoạt đảng ở nước ngoài để có thể khôi phục khi trở về. Một cách để thể hiện cam kết chính trị là tổ chức các cuộc họp về nghiên cứu các bài phát biểu của ông Tập. Một số sinh viên ở nước ngoài đã thành lập các tổ chức cho mục đích này. Các trang web đại học và phương tiện truyền thông xã hội ở Trung Quốc đã đưa tin điều này tại Đại học Nottingham ở Anh, Đại học Kyung Hee của Hàn Quốc và Đại học Bang Missouri ở Mỹ. Vào năm 2017, các học giả Trung Quốc đã thành lập một chi bộ tại Đại học California, Davis, nhưng sớm giải thể vì luật pháp Mỹ yêu cầu những người hoạt động cho một đảng chính trị nước ngoài phải đăng ký với chính phủ.
Nếu các đảng viên thành lập các tổ chức rõ ràng trong trường đại học, họ có thể cảm thấy các quyền tự do bị hạn chế vì phải tố cáo lẫn nhau. Nhưng Trung Quốc có thể giám sát hành vi ở nước ngoài của các đảng viên và những người ngoài đảng ngay cả khi không có sự hiện diện của đảng. Các Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc được thành lập với sự hậu thuẫn của chính phủ ở hầu hết các trường có nhiều sinh viên Trung Quốc không có liên kết rõ ràng với ĐCSTQ, nhưng các lãnh đạo hiệp hội nằm dưới quyền các cơ quan ngoại giao của Bắc Kinh.
Cánh tay toàn cầu đáng sợ nhất của đảng này là bộ máy an ninh. Không giống như quân đội, cảnh sát và cơ quan tình báo dân sự không chính thức thuộc cơ cấu đảng. Nhưng họ tuân lệnh đảng. Điệp viên Trung Quốc ra nước ngoài để theo dõi những người bất đồng chính kiến phiền toái. Dù ở bất cứ đâu, họ cũng đọc tin nhắn của công dân trên mạng xã hội. Những người Trung Quốc ở nước ngoài lên tiếng chống lại đảng sẽ gặp rủi ro: gia đình họ ở Trung Quốc có thể gặp rủi ro. Không cần phải có sự hiện diện của đảng để gây ra nỗi sợ hãi. Các phương pháp do các nhà độc tài trên toàn thế giới thử nghiệm và sử dụng phục vụ tốt cho đảng.
Nguồn: The Economist