Hiền Vương
(VNTB) – Nếu có báo chí tư nhân, có lẽ sẽ khách quan hơn nhiều so báo chí quốc doanh ve vuốt đảng cầm quyền.
Việt Nam đứng thứ 175 trong số 180 quốc gia trong Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2021 của RSF, với tổng cộng 44 người hiện đang bị giam giữ, theo số liệu của RSF.
Tổ chức Nhà báo Không biên giới, tức Reporters Sans Frontière (RSF) đã đưa ra những cáo buộc về quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam, theo đó, “bản án gây sốc 5 năm tù của Lê Trọng Hùng một lần nữa cho thấy hệ thống tư pháp Việt Nam hoàn toàn thiếu độc lập và làm thế nào tòa chỉ giới hạn ở việc thực hiện mệnh lệnh của Đảng Cộng sản cầm quyền”, ông Daniel Bastard, người phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của RSF, tuyên bố.
Theo RSF thì ông Lê Trọng Hùng thường xuyên đưa tin về các vụ việc tham nhũng và trưng dụng bất hợp pháp và cung cấp thông tin pháp lý để giúp đỡ các nạn nhân. Ông Hùng là nhà đồng sáng lập kênh CHTV (Chấn Hưng ti-vi) thứ hai trở thành nạn nhân bị đàn áp ở Việt Nam. Trước đó, người dẫn chương trình của kênh là ông Lê Văn Dũng đã bị bắt vào tháng 6 năm 2020.
Với hàng loạt những hiệp định thương mại đa phương và song phương mà Việt Nam đã ký kết, có lẽ đã đến lúc Bộ Chính trị cần tự tin trong việc cứ hãy tiếp tục nghi ngờ, nhưng chớ nghi kỵ vào chuyện tư nhân làm báo sẽ khiến chính trị đơn nguyên của Việt Nam bị đe dọa của yêu cầu cần cạnh tranh.
Hơn nữa, trong khuôn khổ hiến định, một khi có báo chí tư nhân bình đẳng với báo chí nhà nước, tạm gọi là ‘báo chí quốc doanh’, thì trường hợp mà Đảng ‘khó ăn, khó nói’ về phương diện ngoại giao, thì xem chừng chủ nghĩa dân túy sẽ là mượn đường tốt nhất của báo chí tư nhân.
Ngày 13-12-2021, báo Khmer Times có bài viết nhận định: “Mỹ là nước đòi dân chủ từ Campuchia nhưng lại có quan hệ cực kỳ thân thiết với Việt Nam cộng sản… Mỹ thúc giục Campuchia giảm quan hệ với Trung Quốc, nhưng không đưa ra phương án thay thế tương xứng nào”.
Sự chỉ trích tại sao Mỹ cấm vận vũ khí nước này, vì những vi phạm nhân quyền và thiếu dân chủ, trong khi Việt Nam còn thiếu dân chủ hơn Campuchia nhiều, mà Mỹ vẫn o bế,.. đúng là thực sự gây sốc, và hệ thống báo chí quốc doanh của Việt Nam đành phải chọn im lặng vì sau đó là chuyến công du của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Nam Vang.
Nếu Việt Nam có báo chí tư nhân, dĩ nhiên rất có thể bên cạnh tuyến bài kiểu “lươn ngắn chê chạch dài”, thì khi báo chí tư nhân lên tiếng về các cởi mở đường lối đối ngoại của Hà Nội với Washington, có lẽ sẽ khách quan hơn nhiều so báo chí quốc doanh ve vuốt đảng cầm quyền.
Một giả dụ khác mà tin chắc báo chí quốc doanh không dám thẳng thừng đề cập, dù đó đang là ‘ẩn tình’ ít nhất cũng từ nhiệm kỳ chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về quân cảng Cam Ranh.
Nếu có báo chí tư nhân, chắc chắn sẽ đa chiều về những phân tích rằng khi các căn cứ hải quân Hun Sen cho Trung Quốc xây dựng ở Campuchia ảnh hưởng đến quân bình lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc, thì biết đâu, một lúc nào đó, Việt Nam và các nước, đặc biệt là những nước Việt Nam có quan hệ “đối tác chiến lược” hay “toàn diện”, sẽ cùng nhau bàn thảo để mở cảng Cam Ranh cho tàu hải quân nước ngoài, và xây dựng cơ sở này thành Trung tâm cảng dịch vụ tổng hợp.
Mở cửa Cam Ranh là bài toán “tối ưu hoá toàn cục”, có thể là chiến lược mới dưới vỏ bọc thương mại. Căn cứ Hải quân ở Ream đe doạ Mỹ một, thì đe doạ Việt Nam hai, ba. Vậy thì Việt Nam đâu có ngu dại gì mà cứ “án binh bất động”, “ngậm bồ hòn làm ngọt” trước đe dọa của gã hàng xóm xấu bụng…