Lâm Viên
(VNTB) – “Ai không làm thì đứng sang một bên để người khác làm!”
Tương tự, nếu như vị đứng đầu thành phố Đà Lạt không làm tốt, hãy thử tổ chức một cuộc tranh cử sòng phẳng cho chức thị trưởng Đà Lạt chẳng hạn.
Trong đoạn video được công bố trước đêm thứ 3 của Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ hôm 19-8, ông Obama đưa ra những lời chỉ trích gay gắt nhất của ông về người kế nhiệm sau khi tránh xung đột trong gần 3 năm qua.
Cựu Tổng thống Obama lặp lại lời của cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama, người có bài phát biểu trong đêm đầu tiên của đại hội đảng Dân chủ hôm 17-8, rằng ông Trump đã chứng minh rằng ông ấy không có khả năng xử lý những khó khăn trong thời điểm này và “đơn giản là không thể trở thành người mà chúng ta cần”.
Phản ứng trước tuyên bố của ông Obama, Tổng thống Trump cho rằng lý do ông có mặt ở Nhà Trắng vì ông Obama và Biden không làm tốt công việc của mình.
Trong cuộc họp báo tối 19-8 (giờ địa phương), Tổng thống Trump cho hay nếu hai ông Obama và Biden làm tốt nhiệm vụ của mình thì ông đã không ra tranh cử tổng thống vào năm 2016. “Trước đó tôi đã sống rất vui vẻ. Tôi tận hưởng cuộc sống của mình trước kia biết bao nhiêu” – ông chủ Nhà Trắng nói.
Dẫu biết so sánh là không tương xứng, song một phạm vi hẹp hơn rất nhiều, trong chuyện gìn giữ và phát huy những giá trị của thành phố Đà Lạt, nếu như các vị lãnh đạo hiện tại chưa có khả năng làm tốt, thì tại sao ở đây không tổ chức một cuộc tranh cử sòng phẳng, không có sự can thiệp của đảng cộng sản, cho chức danh người đứng đầu quản lý đô thị Đà Lạt – nơi từng được ví là tiểu Paris tại xứ Đông Dương.
Trước tiên và cũng rất sòng phẳng để nhìn nhận rằng lỗi lớn nhất trong chuyện quản lý Đà Lạt, thuộc về chính quyền và đảng bộ thành phố Đà Lạt.
Theo thống kê do chính quyền sở tại công bố, thì thành phố Đà Lạt có hơn 1.900 biệt thự, trong đó hơn 1.500 biệt thự được xây dựng trước năm 1975. Những biệt thự này đều được xây dựng theo kiểu kiến trúc của Pháp, do những kiến trúc sư tài hoa như E.Hébrard, Pineau, Mondet, Lagisquet…
Chính quyền thành phố Đà Lạt đã lập đề án sử dụng hợp lý quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước với nhiều căn ở trung tâm các trục đường lớn như Trần Hưng Đạo, Cô Giang, Quang Trung, Nguyễn Du, Hùng Vương, Trần Bình Trọng… Nhưng rồi sau đó, số biệt thự thực sự đưa vào kinh doanh du lịch lại rất hạn hữu, dẫn đến những ngôi biệt thự cổ này đang bị bỏ hoang.
Đa số biệt thự cổ cho các hộ dân thuê ở, doanh nghiệp thuê để kinh doanh cũng đều bị biến tướng, hoang phế hoặc bị cơi nới tạo nên những hình ảnh nhếch nhác. Gần 50 biệt thự dùng làm trụ sở của các cơ quan nhưng sau khi trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng đi vào hoạt động từ tháng 4-2014, những cơ quan nhà nước đóng tại các biệt thự công được chuyển vào làm việc tập trung, danh sách biệt thự bỏ hoang tiếp tục nối dài.
Từ khi hình thành năm 1893, Đà Lạt được xây dựng với các tiêu chí về kiến trúc, giao thông và phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng đô thị du lịch, nghỉ dưỡng. Trải qua 127 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt có rất nhiều bản quy hoạch đô thị với đặc trưng với những mỹ từ: “Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”, “Thành phố ngàn hoa”, “Thành phố tình yêu”, hay “tiểu Paris”…, và từng được công nhận là “Thành phố Festival Hoa Việt Nam”, “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN”…
Thế nhưng tâm thế hiện tại của lãnh đạo thành phố Đà Lạt là “ký ức, hoài niệm, chúng ta cần vượt qua để phát triển Đà Lạt” (*).
Trong bài báo đăng trên Người Lao Động Online hôm 20-8, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) Võ Ngọc Trình, nói rằng, “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX và X đã xác định xây dựng Trung tâm Hòa Bình theo quy hoạch Trung tâm thương mại, dịch vụ cấp vùng tập trung khu vực di sản và khu vực chợ Hòa Bình có tổng diện tích 75 ha”.
Vì là Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, nên theo ông Võ Ngọc Trình, cứ vậy mà thi hành.
Giả dụ như ông Võ Ngọc Trình nói đúng, thì cần phải giải thích sau đây khi có quá nhiều phản biện từ giới chuyên môn, về năng lực quản trị đô thị của chính quyền Đà Lạt?
Tại sao người dân bản địa, cũng như với bất kỳ ai đã từng gắn bó với miền đất này, lại không thể có lá phiếu để bầu chọn công khai về những ứng viên cho yêu cầu quản trị đô thị Đà Lạt?
Đề toán đặt ra cho ứng cử viên của ê-kíp lãnh đạo ‘toàn quyền’ Đà Lạt như sau theo gợi ý của kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, cựu phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; Chuyên gia hàng đầu về bảo tồn, trùng tu di tích, nghiên cứu di sản kiến trúc đô thị và lý luận kiến trúc:
“Đà Lạt đứng trước nguy cơ nhãn tiền trở thành đô thị có di sản đô thị (urban heritage, chứ không phải city-heritage) bởi nó đang phát triển nhanh và mạnh để trở thành một thành phố – trung tâm của cả tỉnh và thậm chí, của cả khu vực. Thành phố hiện đại: đa chức năng, quy mô, hạ tầng, dân số, kiến trúc đồ sộ và hiện đại.
Thành phố cũ, có vốn liếng – di sản, chỉ còn lại có thế, không nhân lên, chỉ tàn tạ và tàn phai đi. Thành phố mới, nhu cầu mới, sức sống mới, đầu tư lớn, dứt khoát chỉ mở mang, chỉ bành trướng ra, áp đảo. Một cuộc đọ sức sinh tử, phần thắng chắc chắn thuộc về thành phố hiện đại và có tương lai.
Với những gì nhận ra, quan sát thấy, đô thị – di sản chỉ có cơ may là di sản đô thị, có một không hai và vẫn có sức hút mãnh liệt. Hễ ta vẫn đủ tỉnh táo, đủ tầm nhìn, đủ kiên quyết và, cần hơn cả, sự ân cần! Với cả hai: di sản đô thị và di sản thiên nhiên (đô thị hóa)…”.
Vậy, tương tự như bầu cử ở Mỹ hiện tại, ê-kíp nào ứng thí vào vị trí lãnh đạo ‘toàn quyền’ Đà Lạt, đưa ra được hướng giải quyết mang tính thuyết phục, khả thi cho ‘đề bài’ ở trên, nhóm ấy sẽ ‘đắc cử’.
Sở dĩ gọi là ‘lãnh đạo toàn quyền’, vì ở đây sẽ không còn chuyện phía chính quyền phải răm rắp thực thi theo Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh/ thành như lâu nay.
Thay lời kết, nói theo khẩu khí của ngài thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm thị sát vùng dự án sân bay Long Thành hôm 21-7-2020 là, “Ai không làm thì đứng sang một bên để người khác làm!”, thì với đô thị Đà Lạt cũng vậy, “ai không làm được chuyện đô thị di sản với Đà Lạt thì về vườn luôn đi để người khác làm!” – bởi khi đã không làm được, lại cứ chàng ràng sẽ càng thêm vướng víu, chưa kể sẽ có chuyện đâm bị thóc, thọt bị gạo…
_________________
Chú thích: