Việt Nam Thời Báo

VNTB- Đàn áp và hiện tượng dân chửi

Anh Văn

(VNTB) – Con đường đấu tranh dân chủ quá dài và đầy khó khăn , nó nảy sinh một bộ phận “dân chửi” như một lực lượng tiên phong và nổi trội trên mạng internet – vốn là mặt trận tuyên truyền chính yếu hiện nay. Làm thoái hóa phần nào mục đích đấu tranh tốt đẹp của sự vận động nhân quyền trong lòng Việt Nam.

Kết quả hình ảnh cho hinh anh côn đồ chức năng
Những “côn đồ chức năng” ngăn chặn Linh mục PhanVăn Lợi (Huế) ra khỏi nhà

Nguồn cơn “dân chửi”

Thực trạng xuất hiện những nhà “dân chửi” không phải ngẫu nhiên xuất hiện, mà chỉ nổi trong hiện trạng: sự đàn áp ngày càng tinh vi và mạnh của chính quyền khiến không ít những nhà đấu tranh rơi vào trạng thái bất lực.

Diễn tiến càng trầm trọng hơn khi mà các mạng xã hội ra đời, thúc đẩy tự do ngôn  luận và sự dễ dàng trong kết nối – chia sẻ một thông điệp gắn với sự thái quá vô nguyên tắc khiến ngôn ngữ tranh luận trở nên hiếm hoi hơn, thay vì đó là việc xả sự tức giận và dồn nén về những bức xúc xã hội trên mạng. Tâm lý đám đông của người Việt là điều đáng chú ý, khi nó dễ dàng bộc phát và lan tỏa. Chính điều này khiến cho hiệu ứng chửi lan rộng.

Nó có liên quan đến học thức? Có. Một khi vấn đề không được nhận thức bởi trình độ nhận thức, trong đó bị chi phối nhiều bởi học vấn thì vấn đề dễ dàng bị suy diễn bởi sự hạn chế trong cách nhìn tổng quát ngôn từ và khả năng ngôn ngữ.

Nhưng có một vấn đề khác, đó là quá trình “dân chửi” đang lan qua cả những người đã có trình độ học vấn nhất định (như cao đẳng, đại học). Thậm chí, họ đã là những nhà đấu tranh có tiếng. Và vấn đề mà họ gặp phải chính là tâm lý chán nản, nảy sinh sau hàng loạt những lần đấu tranh trong thế “châu chấu đá xe”, sự “trao đổi quyền lợi nhân quyền” giữa Việt Nam và một quốc gia như Mỹ (vốn ủng hộ phong trào đấu tranh dân chủ Việt Nam) càng khiến cho tình hình càng nghiêm trọng hơn.

Người viết bài từng tiếp xúc với một nhà đấu tranh nhân quyền nổi tiếng tại Hà Nội. Và cô ấy chia sẻ rằng, cuộc đấu tranh dài, sự đàn áp khắc nghiệt của công an nhắm vào phong trào khiến cho tâm lý chán nản nảy sinh. Điều này hoàn toàn có thực. Và tâm lý này ở một mức độ nào đó khiến cho sự “trung kiên” đối với phong trào lung lay. Một số người có khả năng tranh luận và kiềm chế, nhưng sau khi đối mặt với sự tấn công về mặt nhân phẩm, danh dự của dư luận viên; sự hoài nghi trong giới đấu tranh dân chủ; sự bóc tách phong trào từ phía chính quyền đã sớm “vỡ” ra, họ vô tình chửi chính quyền, chửi dư luận viên không thương tiếc – đả kích cá nhân dựa trên tuổi tác, quan hệ, chuyên môn, bằng cấp, bề dày hoạt động liên tục được sử dụng. Áp đặt nhanh chóng lên các luận điểm của người khác, và dần trở thành một bài viết công kích thay vì chia sẻ.


Hệ quả “dân chửi”

“Dân chửi” trở thành xu hướng, và càng nở rộ thì nó tác động tiêu cực đến phong trào nhân quyền Việt Nam. Trong hệ thức của xây dựng một giá trị dân chủ tại Việt Nam, nếu không làm tốt được ý thức dân chủ, thì sự “thay đổi” nếu có của dân chủ trong tương lai trên cơ sở “chửi” bới tổng hợp sẽ là sự thay đổi bạo lực, mà một trong số đó là bạo lực về mặt ngôn ngữ. Mà sự tồn tại về ngôn ngữ sẽ chuyển đổi nhanh chóng đến hành vi bạo lực.

Blogger – đồng thời là nhà hoạt động nhân quyền Phạm Lê Vương Các trong một chia sẻ vào ngày 6/12 trên facebook cá nhân đã có một nhận định đáng chú ý. Theo đó, anh lo ngại sự giận dữ bằng ngôn ngữ của cộng đồng khi xem video ghi lại cảnh thanh niên bạo hành một đứa bé. Anh cho biết, anh không dành nhiều sự giận dữ đối với “một hành vi tàn bạo của cá nhân nào đó mà chắc chắn rằng người thực hiện hành vi ấy sẽ bị pháp luật trừng phạt.” Mà anh chỉ giận dữ cho hành vi tàn bạo chà đạp nhân phẩm và quyền con người mà theo anh là họ đã “nhân danh công lý hoặc thi hành pháp luật nhằm thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật một cách có hệ thống.” Điều này nếu không được ngăn chặn, thì nó sẽ đẩy đến một xã hội bạo lực, bắt nguồn từ thiếu hiểu biết, khinh miệt nhân phẩm và xem thường nhân quyền.

Những nhận định đầy lý trí và tinh thần luật pháp của blogger Phạm Lê Vương Các đối với đám đông xỉ vả người thanh niên bạo hành đứa trẻ sẽ không quá sai lệch khi áp vào đám đông người đang ngày đêm nguyền rủa những nhân vật, sự kiện trong thể chế nước CHXHVN. Nó là nguồn cơn của bạo lực ngôn ngữ nhân danh “đấu tranh nhân quyền”. Vì thế, ở góc độ nào đó – nó là phi nhân quyền một cách trắng trợn nhất.

Cũng liên quan đến vấn đề này, nhà hoạt động, đồng thời là luật sư Trịnh Hữu Long khi nhìn về phong trào dân chủ Việt Nam đã từng chia sẻ: Đã qua rồi cái thời chửi bới chính quyền, mà cái cần nhất là tìm ra giải pháp và phản biện. Không có con đường ra nào cho chửi bới, ngay cả chửi bới về mặt báo chí mà một số trang tin đang tiến hành hay cách mà cộng đồng ưa “dân chửi” Việt Nam.

Cần thừa nhận, đặc tính “chửi bới” có sức hút kỳ lạ. Và người Việt Nam dễ dàng bị thu hút bởi những “hiện tượng cá nhân” – những cá nhân nổi tiếng của phong trào. Khi những cá nhân này sử dụng ngôn từ bạo lực, nó lôi cuốn phần lớn đám đông ưa bạo lực. Sự phản ánh về một tình trạng thương tích nhưng thiếu kiềm chế ngôn ngữ của một nhà hoạt động nhân quyền sẽ nhanh chóng lôi kéo cả đám đông đi vào bôi nhọ, đánh phá, kích động đầy cuồng loạn. Mục đích của những nhà dân chửi không chỉ nằm ở việc giải tỏa căng thẳng trong cuộc đấu tranh, những bất mãn trong thời cuộc. Mà ở chừng mực nào đó, họ cố gắng gây ra sự chú ý của cộng đồng, và nó sẽ giúp họ có một vị trí nhất định trong cuộc đấu tranh. Cuộc đấu tranh đó, có thể đưa lại cho họ những quyền lợi nhất định về kinh tế sau này. Tôn thờ một một nhân vật có tên là “Bà ngoại xì tin Trang Lê” với các video chửi bới là một biểu hiện đặc trưng đó.

Nếu được khoanh vùng lại toàn bộ quá trình đấu tranh dân chủ Việt Nam, có thể nói một bộ phận không nhỏ đang phản ánh một thái cực tưởng tượng đến hoang tưởng trong tâm lý học đám đông. Nơi mà tưởng tượng là tính mạnh mẽ, dễ bị gây ấn tượng và khiến đám đông bị ngưng lý trí tạm thời, chiếm hữu tâm trí và khiến tập thể hoặc cá nhân đó mất đi sự suy nghĩ và biến họ trở thành một kẻ đao phủ, tử vì đạo. Sự dễ tác động của đám đông cũng dẫn đến hệ quả hoang tưởng trong tâm lý, nơi mà những “kẻ ngu dốt và nhà bác học đều không có khả năng nhận xét”.

Và cùng với sự bốc đồng, tính hoang tưởng áp đặt hoàn toàn quan điểm, tư tưởng lên người khác. Nghĩa là, họ biến thành những con người “dã man” nhất, không chấp nhận bất kỳ thứ gì xen vào ham muốn tâm lý (tưởng tượng, hoang tưởng) và việc thực hiện niềm mong muốn ấy.  Thế nên, trong tâm lý học đám đông cũng dẫn dụ lại trường hợp, năm 1870, chỉ cần công bố một bức điện đơn giản về một lời sỉ nhục được giả định dành cho một vị đại sứ, cũng đủ làm bùng lên cơn cuồng nộ và thành một cuộc chiến tranh. Một người đấu tranh nổi tiếng nếu đăng một bài “truy nã” tên “ác ôn côn an” lập tức có thể kéo hàng trăm lượt chia sẻ, hàng ngàn lượt phản hồi và thích.


Tự phê phán và theo đuổi “ôn hòa”

Nếu dựa vào chủ nghĩa hiện sinh, thì một số nhà đấu tranh cho nhân quyền hoặc tự xưng là nhà đấu tranh dân chủ đang trở thành thế lực của chính mình, tách mình ra khỏi thực tại, sống theo những tiêu chuẩn cao cả của nhân quyền phổ quát. Chính điều đó, khiến cho sự phản biện, phản tỉnh của nguồn cơn hiện sinh – vốn duy trì một quan điểm đa nguyên biến mất. Ở khía cạnh đó, có thể thấy, một số nhà hoạt động hiện nay không kiềm chế được sự bộc phát ngôn từ phi nhân quyền, thì họ đều chưa sẵn sàng cho một hệ thống dân chủ cơ sở thực sự.

Đám đông nhẹ dạ, sự tưởng tượng thậm chí hoang tưởng là một hiện tượng chỉ có thể ngăn chặn lại được, và một trong những biện pháp đó là tinh thần phê phán. Phê phán trong nội bộ lẫn nhau mà vẫn giữ quyền được nói mà Voltaire từng nhấn mạnh: “Tôi không đồng ý điều anh nói, nhưng tôi sẽ chiến đấu cho đến chết để bảo vệ quyền anh được nói điều đó”.

Điều cần thiết, là vẫn còn một số đông người đấu tranh vẫn giữ một thái độ ôn hòa trước sự đàn áp khốc liệt từ phía hệ thống an ninh nhà nước. Cụ thể, chỉ trong hơn hai tháng trở lại đây, nhân quyền Việt Nam liên tục bị bôi bẩn bởi phía chính quyền khi mà những nhà hoạt động bị ngăn cản quyền đi lại như ông Nguyễn Tường Thụy (Phó chủ tịch Hội nhà báo Độc lập), thậm chí là quyền thực hành tôn giáo (Lm. Phan Văn Lợi). Thậm chí, nhà của blogger Nguyễn Tường Thụy và LM Lợi còn bị tấn công bằng chất thải bẩn – ném đá vỡ cửa sổ, phá hỏng ổ khóa nhằm uy hiếm tinh thần và chặn quyền tự do đi lại của những người đấu tranh nhân quyền. Gần đây nhất, vào hai ngày 07 và 08/12, trang IJAVN đưa tin nóng, “giáo hội Tin lành Mennonite liên tục bị côn đồ chức năng đến khủng bố”. Theo đó, khoảng 15 người đàn ông đập ổ khóa cửa vào tận giường ngũ của ông và 5 giáo dân Mennonite sau một ngày làm việc, ném đá cũng như đổ sơn đỏ vào nhà.

Điều đó cho thấy rằng, con đường đấu tranh dân chủ quá dài và đầy khó khăn , mà ở đó, không chỉ bằng lòng nhiệt huyết đối với phong trào trong giai đoạn đầu, mà cả sự nhiệt tâm – hy sinh nhiều thứ về mặt cá nhân lẫn gia đình để mở rộng quyền tự do con người tại Việt Nam ở những nhà đấu tranh nhân quyền từ trước đến nay. Họ chống chọi lại với áp bức bức con bằng tiếng nói lương tri, chống lại sự tàn bạo của chính thể bằng tiếng nói và hành vi ôn hòa. Và điều đó, phần nào góp phần làm nên vẻ đẹp của cuộc đấu tranh, cũng là yếu tố lấn át và xóa bỏ một số thành phần “dân chửi” như hiện nay. Tạo ra một ấn lực, giúp tránh hiện trạng “bát nháo” trong hệ thống đấu tranh dân chủ.

Tin bài liên quan:

VNTB- VTV và cần khinh bỉ mạnh nền chính trị!

Phan Thanh Hung

VNTB – Cuộc chiến thảm họa FORMOSA tại Đài Loan: không hồi kết

Phan Thanh Hung

VNTB – Bế tắc ngôn ngữ hay thách thức thời công an trị?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.