Ánh Liên
(VNTB) – Cùng là trộm cướp vàng, nhưng án dành cho dân và án dành cho cán bộ chiến sĩ công an lại khác nhau.
Ngày 6-8-2024, TAND TP.Đà Nẵng tuyên phạt 5 cựu công an Hà Nội từ 9 tháng tù treo cho tới 3 năm 6 tháng tù treo vì các tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ người trái pháp luật và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.”
Nhóm 5 công an này đã tự ý giam giữ 3 người dân bị tình nghi tham gia lừa đảo trên mạng tại một số khách sạn ở Đà Nẵng từ ngày 4.12.2022 đến 8.12.2022. 3 trong số 5 công an được điều “đi công tác” ở Đà Nẵng đã thu giữ vàng của nạn nhân tên Nguyễn Tạ Phi Long và bán được 361,78 triệu đồng. 3 cán bộ công an đã bỏ túi mỗi người 100 triệu, số tiền còn lại được dùng để chi xài chung. Tính bình quân, thì mỗi cán bộ công an đã ăn chia khoảng 120 triệu đồng.
TAND Đà Nẵng đã tuyên phạt các cán bộ cướp vàng của dân rồi chia cho nhau với mức án nhẹ hều. Hà Ngọc Sơn lãnh 3 năm tù, Nguyễn Hoàng Anh 3 năm 6 tháng tù, Đào Hải Sơn 2 năm 6 tháng tù.
Tòa án nhân dân TP. Hải Dương tuyên phạt Ngô Thị Quỳnh Anh 28 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản, quy định tại điểm g khoản 2 Điều 173 Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, khoảng 11h ngày 28.3.2024, Ngô Thị Quỳnh Anh đã trộm 2 sợi dây chuyền bạc tại cửa hàng vàng bạc ở phường Trần Hưng Đạo, TP. Hải Dương). Tổng trị giá tài sản mà Ngô Thị Quỳnh Anh ăn trộm là 4.901.862 ( gần 5 triệu đồng)
Ngày 15-12-2022, Nguyễn Văn Năm bị Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) khởi tố về tội “Trộm cắp tài sản”. Nguyễn Văn Năm bán hết số vàng trộm cắp được 900 triệu đồng. Chỉ riêng vụ trộm này, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên Nguyễn Văn Năm 13 năm tù.
Cùng là vàng, nhưng án dành cho dân và án dành cho cán bộ chiến sĩ công an lại khác nhau.
So về giá trị, 120 triệu đồng mà mỗi công an thu lợi nhiều hơn gấp 24 lần số 5 triệu đồng dân nữ Ngô Thị Quỳnh Anh trộm được. Dân nữ nhận án 28 tháng tù, các chiến sĩ công an nhận từ 28 – 42 tháng tù. Dân nam Nguyễn Văn Năm, chỉ một vụ trộm vàng bán được 900 triệu bị xử 13 năm tù, số tiền mà dân nam thu về nhiều hơn gần gấp 3 lần. Dân nam, dân nữ lén lút trộm cắp vàng, còn các cán bộ công an thì ngang nhiên trấn lột, cướp trắng số vàng của người bị họ bắt giam trái phép.
Đó là chỉ nói tới tội trộm cướp vàng.
Điều 355 Bộ luật Hình sự 2015 (bổ sung bởi điểm r khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) có quy định khung hình phạt với Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản như sau:
– Khung 2: Phạt tù từ 06 – 13 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp
+ Có tổ chức;
+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
Các công an từ Hà Nội đã nằm 3 trong số 4 trường hợp nêu trên nên đúng ra phải nhận án từ 6-13 năm tù mới đúng tội.
Tại khung 3 điều 173 BLHS quy định nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Còn quy về tội cướp tài sản có giá trị trên 200 triệu đồng, thì phải nhận án từ 12-20 năm tù theo điều 133 BLHS về tội Cướp tài sản.
Điều 133 BLHS cũng quy nêu rõ cướp tài sản là “dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản”. Nếu là đúng người đúng tội thì toà phải xử các cán bộ công an này theo điều 133. Tuy nhiên toà lại ưu ái, chọn điều 355 để có khung hình phạt nhẹ hơn.
Ngoài ra tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn để giam giữ người tuỳ tiện thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm theo điều 157 BLHS 2015.
Điều đáng nói ở đây, 5 công an là người thực thi pháp luật, biết luật nhưng lại cố tình phạm luật, thêm vào đó là phạm tội có tổ chức nhưng chỉ bị phạt có vài ba năm tù. Nếu là dân, sẽ bị phạt kịch khung hoặc gần như vậy vì hết đường cứu chữa.
Cán bộ công an vốn phải là người có nhân thân tốt, 3 đời lý lịch trong sạch lại hầu hết đều là con em của cán bộ đảng viên nên chắc vì vậy mà họ được toà án ưu ái cho hưởng cái án có như không có, không đủ tính răn đe. Thụ án rồi, họ vẫn có thể quay lại làm chiến sĩ ngành sau khi đã ăn năn hối cải đủ. Qua đó có thể thấy rõ ràng được tính nhân văn của viện kiểm soát, của thẩm phán và tính ưu việt hệ thống pháp quyền xã hội chủ nghĩa dành cho cán bộ đảng viên với kim bài miễn tử, miễn tội.