Hiền Vương
(VNTB) – “Cứ đi khắp miền Nam mà xem, đâu đâu cũng thấy nghi ngút miếu thờ Lê Văn Duyệt. Mà một khi dân đã thờ, đã tôn như thánh suốt bao nhiêu năm thì con người ấy nhất quyết không thể là người sai trái!” Đạo diễn Doãn Hoàng Giang, từng chia sẻ như vậy với báo chí Sài Gòn khi ông dựng vở Tả quân Lê Văn Duyệt vào tháng 7-2008.
Đạo diễn Doãn Hoàng Giang được Nhà nước Việt Nam phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 1997. Tiêu chuẩn đầu tiên để được Nhà nước trao tặng danh hiệu này là “Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương”.
Giải thích lý do nhận lời làm đạo diễn vở Tả quân Lê Văn Duyệt, ông nói hoàn toàn không phải vì tiền bạc, mà đó là sự thôi thúc: “Tôi nhận thấy cuộc đấu tranh chống áp bức, cường quyền, tham nhũng ở ông – trong cái thời vua tôi ấy – lại rất mạnh mẽ và quyết liệt. Hành động táo bạo của ông: xử chém bố vợ của vua theo kiểu tiền trảm hậu tấu để trừ sâu mọt hại dân hại nước là một cách chứng tỏ quân pháp bất vị thân – coi pháp luật là ngọn cờ cao nhất, không bị tác động bởi bất cứ một mối quan hệ thân thích nào. Chẳng ích gì khi sinh ra đủ thứ luật lệ nhưng không áp dụng triệt để chúng.
Nhưng Lê Văn Duyệt lại là một tội đồ của triều Nguyễn. Thôi thúc nhất trong tôi là nỗi oan khiên mà tả quân đã gánh chịu. Một ngày trong tù bằng 1.000 năm ở bên ngoài, đau đớn lắm. Cùng với các nhà sử học, tôi muốn góp một tiếng nói minh oan cho ông. Chúng ta có thể chậm ca ngợi một vị anh hùng, nhưng không thể trì hoãn việc minh oan cho một con người.
Hơn nữa, con người ấy lại là một vị anh hùng trong lòng dân. Cứ đi khắp miền Nam mà xem, đâu đâu cũng thấy nghi ngút miếu thờ Lê Văn Duyệt. Mà một khi dân đã thờ, đã tôn như thánh suốt bao nhiêu năm thì con người ấy nhất quyết không thể là người sai trái!”.
Cuối tháng 9-2019, một lần nữa câu đúc kết “Dân không chọn thờ nhầm người bao giờ” lại đến báo chí nhắc tới khi tường thuật buổi tiễn đưa hương linh đại tá phi công anh hùng Nguyễn Văn Bảy ở thị trấn Lai Vung nhỏ bé của xứ Đồng Tháp.
Lễ tất, những người Lai Vung nắm bắt chặt tay những đồng đội của ông Bảy hẹn gặp lại và sẽ lại kể tiếp chuyện ông Bảy vào lễ thất tuần, bách nhật, giỗ đầu. Không phải lời đẩy đưa bằng bia rượu, đây là những lời hẹn, lời hứa sẽ trở thành sự thật. Đường về từ Lai Vung, những người khách ai cũng hiểu rõ, người dân khi đã chọn để một ai đó vào lòng mình, sẽ không bao giờ quên.
Ông Bảy được chọn không chỉ vì chiến công lẫy lừng huyền thoại, hay tính cách nông dân gắn chặt với ruộng đồng. Ông được chọn chính nhờ nhân cách trọng nghĩa khinh tài, cái phẩy tay khoái hoạt buông bỏ công danh, nhường đường rộng cho lớp trẻ, cống hiến, đóng góp, giữ gìn cái tốt cái đẹp bằng nụ cười sảng khoái…
Chợt liên tưởng đến chuyện rất đông người dân ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội đã quấn khăn tang để cùng nhau đưa tiễn hương linh cụ Lê Đình Kình hôm 13-1-2020.
“Nhân dân không quên và cũng không chọn thờ nhầm người bao giờ”, những người dân Đồng Tâm hôm 13-1 chắc hẳn cũng không ngoại lệ; vì đây dường như là một chân lý đã được rút ra từ chính hiện thực cuộc đời, kinh nghiệm lịch sử trăm năm. Sự lựa chọn qua chứng thực của lòng dân, của thời gian, nghiêm khắc mà chính xác, đòi hỏi mà giản dị.
“Sẽ có chín con thuyền chở quân lao về trong dông bão, tơi tả, ngã lòng nhưng cứ vang mãi lời nói của tả quân: “Lòng dân đang đợi!”… Tôi từng mơ đến cảnh tượng hùng vĩ ấy…”. Đạo diễn Doãn Hoàng Giang đã chia sẻ như vậy về một thành Gia Định, trong câu chuyện kể lúc ông làm đạo diễn vở Tả quân Lê Văn Duyệt.