Hoàng Lan Mộc Châu
(VNTB) – Khoảng trống thông tin ở cơ sở có thể gây nhiễu loạn lòng dân, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, dần dần chuyển hóa, làm giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, gây ra mối nguy đối với Đảng và chế độ từ cơ sở.
Mạng nói thế! Đó là một phần trong cái tựa đề của một bài báo trên trang web qdnd.vn nói về mối nguy của đảng, “Khoảng trống thông tin ở cơ sở – mối nguy của Đảng”(1) Kể ra thì cái đảng CSVN này đang bị nguy thật như trong bài viết nói ra. Nguy thật! Đảng có thể mất mạng như chơi.
Lời tòa soạn trích từ bài báo này là “Chưa kịp thời, thiếu hấp dẫn từ những kênh thông tin, tuyên truyền chính thống đã tạo khoảng trống thông tin ở cơ sở. Đây là mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng lừa đảo nhân dân; xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước…” Hệ quả trước mắt là gây nhiễu loạn lòng dân, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, dần dần chuyển hóa, làm giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, gây ra mối nguy đối với Đảng và chế độ từ cơ sở nếu không kịp thời điều chỉnh.
Bài báo này kết luận “nguy cho đảng” sau khi khảo sát việc tiếp nhận thông tin trong công nhân, nông dân, sinh viên, đồng bào công giáo và đồng bào dân tộc thiểu số tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước.
Nguy thật chứ chẳng chơi khi các chàng phóng viên của báo Quân Đội Nhân Dân cất công đi nhiều tỉnh thành trong nước, từ vùng nông thôn Thanh Hóa, đến Nghệ An, qua Quảng Bình .. đến vùng đồng bằng, đô thị và vùng biên giới chỉ thấy người dân từ chị nông dân, anh công nhân đến các chú học sinh không xem TV, không nghe báo đảng phát qua loa làng xã, mà chỉ toàn nghe, toàn xem tin xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng.
Rất chi là đau lòng cho đảng ta phải không? Nhưng đó chẳng qua là cái quả đắng đảng phải chịu sau bao nhiêu năm gieo cái nhân lừa dối người dân.
Thời vàng son độc quyền thông tin của báo đảng, đài phát thanh, loa phường xã và bảng tin trên tường nhà hàng xóm qua rồi.
Câu cửa miệng khi gặp nhau “xem báo đảng chưa?” bắt đầu chuyện hàng ngày của mọi người thời bao cấp, cơm áo gạo tiền đong từng bữa, nghèo xác sơ chỉ sống bằng tin giả và những lời hứa cho muôn đời con cháu mai sau để hy vọng, nay khá hơn một chút, chuyển sang, “Này biết gì chưa? Mạng nói thế”
Hết cái thời người dân chỉ được nghe, được thấy những gì đảng cho thấy cho nghe.
Lỗi tại Tây mọi đàng! Tội lớn nhất là tại Mỹ. Tại bọn Mỹ làm ra internet, làm ra facebook! Tại những gió độc của Mỹ, của Tây lọt vào khi đảng ta chẳng đặng đừng phải mở cửa. Nếu không mở cửa ngửa tay xin bọn tư bản Mỹ, phương tây giúp thì chết cả lũ.
Tại những thứ gió độc tư bản đó cho nên nay người dân mới hết ngộ độc công sản, tỉnh ngộ để biết và không còn tin tưởng hoặc mặn mà với những loại thông tin sai lệch, thiếu chính xác, hoặc thông tin bị lồng ghép vào một thông điệp nào đó của chính phủ để hòng tạo nên tác động xã hội nhất định, hay cố tình bóp méo, chọn lọc để phục vụ cho một số lợi ích riêng tư hoặc chính trị. Những cái, kể cả tin báo đài đến lời lãnh tụ nói, mà ngày bao cấp người dân và tất cả đảng viên ”tin sái cổ”, thì ngày nay họ đã biết rõ trắng đen.
Ông chính phủ, ông đảng đã từng dấu nhẹm nhiều thông tin quan trọng đến vận mệnh quốc gia dân tộc, chỉ khi bọn phản động bật mí thì dân và hầu hết đảng viên mới biết đến cái bí mật xấu hổ của đảng. Thí dụ nếu không có tin tức của “bọn thù địch phản động” thì dân, kể cả đảng viên họp chi bộ, đảng bộ hàng ngày, hàng tuần suốt bao nhiêu năm trời, chẳng thể biết được đảng đã dâng đất, dâng biển cho Tàu cộng như thế nào.
Dân chán ngán hệ thống thông tin độc quyền, cúc cung vâng theo các quy trình và thủ tục phức tạp của ban tuyên giáo trước khi công bố thông tin, cho phép thông tin hay không, thông tin bị bóp méo hay bị kiểm duyệt. Sự lề mề, lười biếng là đặc tính cố hữu của báo chí bị ĐCSVN kiểm soát, sợ loan tin sai ý đảng, chờ đèn xanh mời rụt rè đưa tin theo chỉ đạo cho nó lành. Hệ thống báo chí của đảng, kể cả báo mạng lẫn báo giấy, chỉ nhanh với các tin đảng cần nhanh có lợi cho đảng, hay các tin hình sự cướp, hiếp, giết, tống tình, tống tiền câu độc giả. Trong khi với tốc độ phát tán nhanh chóng trên mạng xã hội, những thông tin mới có thể được chia sẻ và lan truyền cấp kỳ trên các nền tảng này. Những tin này có thể lầm lẫn vì vô tình chứ không cố ý.
Hầu hết các phương tiện truyền thông độc lập trên mạng có thể đưa ra thông tin đáng tin cậy, nhiều chi tiết và chính xác hơn so với các thông tin do chính quyền cung cấp. Mạng xã hội cung cấp đa dạng thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, cho phép người đọc có thể tiếp cận với nhiều quan điểm khác nhau. Trong khi đó, tin của nhà nước thường bị giới hạn bởi các quy định về thông tin công khai và các nội dung được kiểm duyệt trước khi công bố. Mạng xã hội cho phép thông tin được phân phối và lan truyền nhanh chóng, thường chỉ trong vài giây sau khi tin đăng tải. Trong khi đó, việc công bố tin tức từ chính quyền có thể mất nhiều giờ, thậm chí cả ngày để được phát sóng trên các phương tiện truyền thông chính thống sau khi bị kiểm duyệt.
Sự tỉnh thức sau nhiều năm bị đảng và chính phủ che mắt, cho ăn bánh vẽ khiến người muốn tìm hiểu thông tin càng khôn ngoan hơn. Mạng xã hội cho phép người đọc tự do lựa chọn và tùy chỉnh nội dung tin tức theo sở thích và sự quan tâm của họ. Điều này tạo ra một cảm giác tương tác và sự thỏa mãn cá nhân mà các phương tiện truyền thông chính thống, khô khan, một chiều đầy tính tuyên truyền, xuyên tạc của cộng sản không đáp ứng được.
Trong thời gian gần đây, không ít quan chức chính phủ phải nhìn nhận nhiều vụ việc được đưa trên mạng xã hội là chính xác, và nhiều vụ báo chí chỉ biết sau khi xem mạng xã hội.
Những bài báo “kể xấu” hay bất lợi cho chính phủ và ĐCSVN bị đảng, nhà nước đổ tội do bọn “phản động” tạo ra. Trên thực tế, các tin tức xấu hoặc tin tức sai lệch có thể xuất hiện từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả những người không hề biết gì về truyền thông và tin tức, họ chỉ thấy bức xúc, không muốn thấy những sai lầm, những hành động xấu của chính quyền thì đưa lên. Không loại trừ những người có ý định đánh bóng hình ảnh hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhà nước, hoặc những người muốn tạo ra những động thái đánh lừa để đạt được mục đích, kiếm tiền, riêng của họ.
Việc tin vào các tin tức không lợi cho chính phủ hoặc các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không phải do dân thiếu hiểu biết. Có nhiều yếu tố khác nhau góp phần vào việc này, bao gồm:
Mọi người có thể truy cập dễ dàng đến các nền tảng truyền thông xã hội và các trang web độc lập, không chính thống.
Sự tò mò và khát khao biết của con người, đặc biệt là trong môi trường kỹ thuật số. Hơn thế họ đã không tin vào truyền thông của chính phủ. Các phương tiện truyền thông chính thống có thể bị kiểm duyệt và kiểm soát bởi chính phủ hoặc các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông.
Qua những trải nghiệm bị thông tin nhà nước lừa đảo xuyên tạc, người dân không còn tin vào những tin tức được loan truyền bởi hệ thống thông tin của chính phủ, không nghe, không tin lãnh đạo, quan chức chính phủ hay đảng. Hệ quả trước mắt mà chính phủ và đảng đã gây trong quá khứ đã gây nhiễu loạn lòng dân, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Người dân và nhiều đảng viên dần dần chuyển hóa, nhạt đoàn, khô đảng không tin đảng như TBT Trọng phải than thở
Tại các nước độc tài như Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Hàn tự do báo chí đều bị hạn chế nghiêm ngặt.
Tại các nước này, đảng cộng sản và chính phủ kiểm soát chặt chẽ các phương tiện truyền thông và các nội dung được phát sóng hoặc xuất bản. Các tờ báo, trang web và mạng xã hội đều bị kiểm duyệt nghiêm ngặt và bị cấm đăng tải những nội dung không được phép như thông tin chính trị nhạy cảm, những tuyên truyền của các nhóm phản động hoặc các tổ chức đòi độc lập. Các nhà báo hoạt động trong một môi trường áp lực lớn, đặc biệt là những người viết về các chủ đề nhạy cảm. Tờ Việt Nam Thời Báo bị chính phủ Việt Nam rất sợ và ra sức dựng tường lửa che chắn không cho người trong nước đọc.
Bắc Hàn còn tệ hơn, ở đó thông tin bị kiểm soát nghiêm ngặt. Tất cả các phương tiện truyền thông đều do chính phủ kiểm soát và giám sát chặt chẽ. Chính phủ cấm các trang web và mạng xã hội nước ngoài, và chỉ cho phép một số ít người dân sử dụng Internet trong nước. Các nhà báo hoạt động trong một môi trường rất khắc nghiệt, không được phép viết bất cứ điều gì tiêu cực về chính phủ hoặc lãnh đạo. Người đọc tin, hay chỉ xem phim giải trí của nước ngoài bị kết án nặng nề, thậm chí bị tử hình.
Đánh giá của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) năm 2023 (2) về tự do báo chí ở Việt Nam mới đây đưa Việt Nam xuống vị trí thứ 178 trên tổng số 180 quốc gia được xếp hạng, chỉ trên Trung quốc và Bắc Hàn cho thấy tình trạng đáng chê trách của tự do báo chí, truyền thông. Họ vẫn liệt ông Nguyễn Phú Trọng và danh sách đồ tể của tự do báo chí.
Việc báo chí độc lập, như tờ VNTB, gặp nhiều trở ngại, bị chính quyền ngăn chặn trong việc thu thập thông tin, đăng tin và phân phối tin tức đúng, chính xác đã được bàn luận nhiều trong các báo cáo của các tổ chức độc lập và các nhà báo trên thế giới. Nhiều trường hợp nhà báo bị cấm hoạt động, bị truy tố hoặc bị xử lý hình sự vì các bài viết vi phạm pháp luật hay chỉ trích chính quyền. Điều này khiến cho tự do báo chí và tự do ngôn luận gặp nhiều khó khăn và bị giới hạn. Liên Hiệp Quốc cũng nhiều lần phản đối về chuyện này.
Nhưng cũng chính sự hy sinh của các người viết tự do trên mạng tích cực đưa tin thật, và chính xác khiến người dân Việt Nam càng ngày càng hiểu rõ sự gian trá, phản dân chủ của đảng cộng sản hơn và việc nhắc nhau, “Mạng nói thế” là lẽ đương nhiên của những người không còn tin vào thông tin và lời nói của lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam.
_______________
Tham khảo:
(2) https://rsf.org/en/region/asia-pacific
(2)https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-65468349
1 comment
Là lãnh đạo cộng sản mà nói câu ấy thì không phù hợp, lẽ ra ông ta phải nói “ta không tàn ác thì ta tự lật đổ thôi” mới đúng với bản chất của đảng mình