VNTB – Nhân bản án 8 năm tù đối với ông Trần Văn Bang: Đảng có đáng bị chê trách không?

VNTB – Nhân bản án 8 năm tù đối với ông Trần Văn Bang: Đảng có đáng bị chê trách không?

Cát Tường

 

(VNTB) – Ông Trần Bang “thể hiện thái độ thù ghét, bất mãn đối với Đảng, Nhà nước và các vị lãnh đạo…”

 

Thù ghét Đảng để được lợi ích gì?

“Xuyên tạc, kêu gọi tẩy chay việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội Việt Nam để nhiều người khác có thể thấy, đọc được nội dung các bài viết này, từ đó tác động đến suy nghĩ, quan điểm, tư tưởng của người đọc dẫn đến hành vi tiêu cực, bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ và cổ súy đối với quan điểm mà bị cáo Bang đưa ra. Đồng thời, thể hiện thái độ thù ghét, bất mãn đối với Đảng, Nhà nước và các vị lãnh đạo”.

Đoạn cáo buộc trên được trích từ nhận xét của Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM, ghi ở cáo trạng đối với bị cáo Trần Văn Bang (62 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Phiên tòa hình sự sơ thẩm hôm 12-5-2023 tuyên ông Trần Văn Bang 8 năm tù.

Không bàn đúng – sai về các cáo buộc, chỉ xin dừng ở lập luận “thể hiện thái độ thù ghét, bất mãn đối với Đảng, Nhà nước và các vị lãnh đạo”.

Nếu cho rằng ông Trần Văn Bang đã “thù ghét, bất mãn” và thể hiện qua các bài viết đăng trên các tài khoản cá nhân mạng xã hội facebook, vậy thì những nội dung tiếp theo đây liệu có đối mặt cáo buộc tương tự?

Đảng thích mật ngọt hay chấp nhận thuốc đắng cho giả tật?

Các lập luận tiếp theo đây xin được ẩn danh tác giả, qua đó cho thấy có lẽ nếu suy diễn thì vẫn không khó để áp đặt tác giả đó đã “thù ghét, bất mãn” tương tự như ông Trần Văn Bang:

“Nếu quyền lực, theo nghĩa rộng lớn nhất, là quyền định đoạt mọi công việc quan trọng trước hết về mặt chính trị và sức mạnh toàn diện để bảo đảm việc thực hiện quyền ấy trong công việc tổ chức và dẫn dắt xã hội một cách chính danh, chính pháp thì thẩm quyền là sự biểu hiện tập trung và cụ thể trên thực tế của quyền lực về mặt thực tiễn.

Thực chất quyền lực là năng lực, khả năng của một cá nhân hay tổ chức tác động đến những cá nhân, tổ chức khác phải thực hiện ý chí của mình thông qua các phương thức, phương tiện hay công cụ có thể trên phương diện chính trị, lập pháp, hành chính, tư pháp, hay kinh tế, thông tin…, trong đó, quyền lực chính trị là quan trọng nhất, bao trùm, chi phối mọi hoạt động của đời sống xã hội, trên nền tảng pháp lý và đạo lý.

Nếu sự lãnh đạo có nghĩa là một nhóm người, dù lớn hay nhỏ, sẵn lòng ủy quyền, trao thẩm quyền cho người khi họ thể hiện được tài phán đoán, trí khôn, sức lôi cuốn cá nhân, dẫn dắt cộng đồng thì thẩm quyền tự thân đã trở thành trách nhiệm và là trách nhiệm đối với người trao thẩm quyền hoặc ủy quyền của cộng đồng, của quốc gia, theo pháp luật.

Do vậy, theo nghĩa nào đó, nếu thẩm quyền không song trùng và gắn với với trách nhiệm, thì thẩm quyền trở nên không giới hạn và trách nhiệm trở nên vô nghĩa, thậm chí trở thành hư vô đối với thẩm quyền.

Và khi đó, quyền lực tuyệt đối nhất định sẽ dẫn tới tha hóa tuyệt đối, nếu thẩm quyền không được khắc chế và kiểm soát bằng đạo đức, bằng pháp luật và các công cụ kiểm soát khác thông qua sự định vị, định lượng và định chế trách nhiệm.

Nói khái lược, khi thẩm quyền không gắn với trách nhiệm và được kiểm soát lập tức quyền lực có nguy cơ bị tha hóa, thoái hóa, chuyển hóa thành độc quyền, bạo quyền, quyền lực bị “đánh cắp”, thậm chí thoán đoạt quyền lực… Nghĩa là lúc quyền lực không được khắc chế, không bị kiểm soát theo trách nhiệm, trên nền tảng pháp lý và đạo lý.

Quyền lực của Tổng bí thư liệu có đối mặt với tha hóa?

Vẫn theo tác giả tạm thời ẩn danh, thì, “Thực tiễn đã và đang cảnh báo, mọi sự tha hóa, thoái hóa quyền lực vừa qua bị xử lý đều nhằm trục lợi – tức là tham nhũng dưới mọi thủ đoạn, hình thức và mức độ: từ tham nhũng kinh tế, chính trị tới tham nhũng chính sách, lòng tin – chúng cấu kết rất tinh vi, chặt chẽ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ, lợi dụng các khoảng trống pháp luật, thiếu công khai, minh bạch, thiếu cơ chế và chế tài kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, chúng bất chấp các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chà đạp lên cả luân thường đạo lý, cốt chiếm đoạt mọi thứ vì cá nhân và phe nhóm, phá vỡ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, chia cắt giữa Đảng với Nhà nước, gây xáo trộn, thậm chí làm rối loạn kỷ cương và xã hội.

Quyền lực bị xâm hại, phá vỡ ở những địa hạt kể trên.

Mặt khác, sự tha hóa, thoái hóa quyền lực, “ăn trộm” và buôn bán quyền lực dưới mọi hình thức và cấp độ làm xuất hiện những lợi ích nhóm, nhóm lợi ích trong các “liên minh ma quỷ”…

Có thể hình dung, từ việc dùng thẩm quyền của mình để tác động không đúng, không phù hợp cho đến sự “ưu ái” đối với các lĩnh vực nhằm trục lợi cho mình và nhóm lợi ích tới việc quyết định chủ trương, chính sách, cấp phép, cấp vốn, quy hoạch, tư túng bổ nhiệm cán bộ… đều là hậu quả của sự tha hóa, thoái hóa quyền lực, thậm chí là sở hữu quyền lực.

Đặc biệt, như đã nhiều lần cảnh báo, sự tha hóa, thoái hóa quyền lực vừa trắng trợn vừa tinh vi, câu kết chặt chẽ ngang – dọc, trên – dưới, trong – ngoài… bằng những “luật ngầm” đã xuất hiện trong thực tiễn lãnh đạo, quản lý trên các phương diện kinh tế – xã hội ở nhiều nơi đã và đang gây nên những hậu họa khôn lường.

Đáng lo ngại là, sự tha hóa, thoái hóa quyền lực của không ít người đứng đầu rất đa dạng, tinh vi và thường xoay chung quanh một số cá nhân “trung tâm” hoặc “liên minh” đa trung tâm, liên kết vùng, thậm chí cả ở ngoài nước nhưng núp sau tấm bình phong tập thể, cộng đồng, thậm chí “nhân danh” quốc gia dân tộc để mưu đoạt chính trị, thậm chí thoán đoạt quyền lực, phản bội tổ quốc, như lịch sử từng cảnh báo.

Mặt khác, thực tiễn cũng đang cho thấy, cả tổ chức quyền lực vi phạm quyền lực. Do đó, việc phát hiện và xử lý các vụ việc có liên quan đến tha hóa, thoái hóa quyền lực thường rất khó khăn, phức tạp, vì nó gắn với người có chức vụ, có quyền lực lớn nên có mối quan hệ chằng chịt, đa dạng, có không ít trường hợp được bao che, thậm chí họ dùng cả tổ chức quyền lực phản kích quyết liệt lại các lực lượng kiểm tra, thanh tra, giám sát và các cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền lực, làm cho tình hình không ít nơi rất phức tạp và rối ren…”.

“Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”

Vẫn theo đánh giá của tác giả tạm ẩn danh, “Thực tiễn đang trở nên phổ biến, tình trạng thừa quyền lực nhưng thiếu năng lực, trước hết là năng lực chính trị và pháp luật, trong điều kiện Đảng lãnh đạo, cầm quyền bằng pháp luật đang trở thành hậu họa nhãn tiền.

Không ít sự rối loạn, thậm chí phá vỡ những ranh giới giữa khuôn khổ thẩm quyền được giao với sự năng động, sáng tạo vốn rất mong manh nhưng rất đa dạng, phong phú… dẫn tới sự rối loạn hệ giá trị trong đánh giá, thẩm định, vượt ngoài khuôn khổ cho phép và làm rối loạn kỷ cương, kỷ luật ở không ít nơi.

Họ thường ẩn nấp sau tấm bình phong nhân danh, chính danh, chính pháp nhưng kỳ thực để vứt bỏ chính danh, chính pháp và thay bằng thực thi sự mạo danh, đạo danh, thậm chí cả mượn danh, ẩn danh âm mưu sở hữu quyền lực một cách vô pháp vô thiên, rắp mưu hoành hành quyền lợi cá nhân, phe nhóm.

Quan – doanh liên thủ, phe nhóm liên danh đã và đang lũng đoạn Nhà nước nguy cơ Đảng bị thao túng và Nhà nước bị lũng đoạn đang cận kề. Tất cả vô hình dẫn tới nạn rũ bỏ, trốn tránh trách nhiệm theo thẩm quyền, chia cắt kỷ luật và khoanh vùng kỷ luật và pháp luật, nguy cơ biến pháp kỷ luật và pháp luật thành những “thanh kiếm phường chèo”(!)…”.

…Với những lập luận trên, tin rằng nếu đây là hội viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, ắt hẳn tác giả này sẽ được ‘mời cà phê’ miễn phí dài dài từ nhà chức trách như đã từng xảy ra với nhiều thành viên khác cũng của hội đoàn dân sự độc lập đó.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)