Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đảng viên dễ hư hỏng vì nể nang bà con quyến thuộc?

Nguyễn Huyền

 

(VNTB) – Đảng viên Nguyễn Phú Trọng từng là Bí thư Hà Nội. Đảng viên Nguyễn Minh Triết là Bí thư Sông Bé. Đảng viên Nguyễn Bá Thanh là Bí thư Đà Nẵng…

 

Truy ngược thời gian mà các chính khách trên là người đứng đầu bộ máy Đảng và chính quyền ở địa phương, về mặt công khai, quả tình người ta chưa nghe nói đến những bê bối kiểu tham nhũng kết bè, kéo phái.

Vậy thì nhận xét: “Đến nay, số bí thư cấp tỉnh không là người địa phương ngày càng nhiều, được lựa chọn kỹ lưỡng và chất lượng. Việc này đã mang đến luồng gió mới, góp phần đổi mới và tạo nhiều chuyển biến cho địa phương.

Trong bức tranh phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương hiện nay có “bóng dáng” đậm nét của nhiều bí thư tỉnh ủy không là người địa phương. Đồng thời, nhiều cán bộ qua luân chuyển về địa phương đã trưởng thành và trở về giữ chức vụ quan trọng ở Trung ương” – trích nhận xét về Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị lần thứ 7 khóa 12 về “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 cơ bản bố trí bí thư cấp tỉnh không là người địa phương.

Theo nội dung của tổng kết về thực thi Nghị quyết 26-NQ/TW, thì cụm từ “Bí thư địa phương” thường được dùng để chỉ những lãnh đạo là người sinh ra, lớn lên và làm việc lâu dài ở địa phương, phân biệt với cán bộ lãnh đạo sinh ra và trưởng thành từ nơi khác hay các bộ, ngành, đơn vị.

Lãnh đạo gắn bó với địa bàn lãnh thổ cụ thể là một thực tế phổ biến tại các nền chính trị trên thế giới, giúp cá nhân tích lũy được “vốn chính trị”, từng bước bồi đắp được uy tín chính trị. Thành công tại “địa bàn chính trị của mình” chính là bàn đạp để cá nhân vươn tới các cương vị cao hơn trong chính quyền trung ương, hay chính quyền liên bang.

Theo logic tâm lý-chính trị-xã hội, khi gắn bó lâu dài với một địa bàn cụ thể, những ê kíp làm việc quen thuộc sẽ dần hình thành xoay quanh mỗi nhà lãnh đạo. Các “ê kíp thân hữu”, hiểu theo nghĩa tích cực, bảo đảm độ tin cậy chính trị giữa các thành viên, duy trì cam kết hợp tác trong nhóm, góp phần mở rộng sự ủng hộ chính trị cho nhà lãnh đạo, gia tăng sự nhất quán, thông suốt cho quá trình ban hành và thực thi các quyết định lãnh đạo, quản lý.

Ở Việt Nam, làm cán bộ là một “sự nghiệp đời người”, cá nhân thường vẫn gắn bó với vị trí đảm nhiệm kể cả khi nhân sự lãnh đạo chủ chốt kết thúc nhiệm kỳ. Vì thế, khi một ê kíp thân hữu nào đó, dựa trên các quan hệ gia đình, dòng họ, quê quán, nghề nghiệp… chiếm thế áp đảo tại cấu trúc chính trị địa phương thì sẽ tạo ra nguy cơ “thân hữu hóa quan chức”.

Không chịu nhiều sự ràng buộc trong các quan hệ tại địa phương, cán bộ luân chuyển trong vị thế người đứng đầu được cho là có thể tư duy và hành động khách quan, quyết liệt hơn trong lãnh đạo, quản lý.

Tuy nhiên với hàng loạt trường hợp khởi từ Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng trở đi, cứ mỗi buổi chiều nào đó mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra thông cáo báo chí là người ta lại thấy có nhiều bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy được cho là vi phạm quy định của Đảng, kết bè phái tạo những ê-kíp thân hữu gây lũng đoạn đời sống kinh tế – chính trị ở địa phương đó.

Trước mắt, người viết cho rằng để củng cố tính chính danh cho vị thế lãnh đạo chính trị, cần quy định cán bộ luân chuyển sẽ được bầu vào vị trí bí thư tại Đại hội Đảng bộ địa phương. Quy định này tránh nguy cơ luân chuyển theo tình huống nhất thời kiểu như Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng trước đây ở TP.HCM.

Về bản chất, quyền lực công bị tha hóa khi nó được sử dụng để phục vụ cho lợi ích vị kỷ của cá nhân, nhóm, xâm phạm lợi ích chung của các thành viên trong xã hội. Như vậy xem ra vấn đề của Đảng trong quản trị là giảm thiểu nguy cơ lạm quyền, ngăn chặn sự tha hóa quyền lực là để hướng đến xóa bỏ tình trạng đặc quyền, đặc lợi cho thiểu số, bảo vệ lợi ích chung cho cộng đồng.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Bàn Về Tiêu Chuẩn Làm Tổng Bí Thư ĐCSVN

Do Van Tien

VNTB – Nhân bản án 8 năm tù đối với ông Trần Văn Bang: Đảng có đáng bị chê trách không?

Do Van Tien

VNTB – Võ Kim Cự có đáng bị tịch biên nhà cửa để khắc phục hậu quả Formosa?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo