VNTB – Đấu tranh nhân quyền không phải là cái nghề

Hiền Nghi (VNTB) – Câu chuyện của KS Nguyễn Văn Thạnh được xem là quan điểm, nhưng với tác giả bài viết, nó là một quan điểm sai lầm nghiêm trọng vì tính thiếu bền vững của nó đối với phong trào đấu tranh đòi quyền làm người tại Việt Nam.

Đấu tranh nhân quyền: không kể công, không đòi quyền lợi
Chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) người vừa được tổ chức Civil Rights Defenders trao tặng giải thưởng “Người bảo vệ nhân quyền của năm”, theo chị, “đấu tranh để đòi quyền làm người của mình tại Việt Nam, không phải là tội phạm theo định nghĩa của nhà nước. Và người Việt – xứng đáng được hưởng trọn vẹn các quyền làm người như mọi dân tộc trên thế giới.”
Cái xứng đáng hưởng trọn vẹn quyền làm người chính là đi từ đấu tranh đòi hỏi chặt cây xanh cần phải hỏi ý dân, đòi hỏi giá sữa phải ngang bằng giá thị trường thế giới, xăng dầu phải theo biên độ thị trường thực sự, vào đồn công an làm việc không bị bức cung, nhục mạ… cho đến vấn đề to tát hơn là ý dân trong xử lý vấn đề chủ quyền biển đảo.

Thế nhưng, tiến trình đòi quyền dân tại Việt Nam rất dài, nó không thể nhận thức một cách chắc nịch là trong 10-20 năm nữa sẽ hoàn tất quá trình đấu tranh dân chủ mà chỉ có thể nhận ra, quá trình đấu tranh đã gúp cho xã hội không rơi vào trạng thái lạm quyền và bất ổn, cũng như quá trình nhận thức trong dân đã thay đổi như thế nào. Chính vì quá trình dài và gần như vô định đó, nên bản thân mỗi người tham gia vào việc thúc đẩy và phổ biến quyền con người (từ những việc nhỏ nhất như quyền được bảo vệ phẩm giá trước nhân viên công lực) cần phải mang tính tự nguyện.

Bởi sự tự nguyện cho thấy tinh thần bất vụ lợi và điều đó gúp cho con người kiên trì xả thân, theo đuổi được con đường, lý tưởng của mình trong mọi hoàn cảnh khốn khó nhất. Tôi đang ám chỉ về những con người ngày đêm mệt mài tham gia các hoạt động thiết thực trong đời sống dân sự xã hội để nhằm phổ biến về quyền con người và giúp cho quyền con người được mở rộng tại Việt Nam. Hay đúng hơn là góp sức chống sự tha hóa quyền lực nhà nước.
Những biến cố tác động đến những những người đấu tranh là tất yếu, nhất là trong môi trường độc tài, trong khi nền dân trí về nhận thức quyền con người còn rất nhiều hạn chế như hiện nay. Và thực tế cho thấy, rất nhiều nhà đấu tranh đã và đang chịu cảnh sách nhiễu, gia đình gây áp lực, hàng xóm kỳ thị, công việc bị tước đoạt hay kể cả đe dọa về tính mạng, xúc phạm về nhân phẩm, danh dự… 
Nhưng như đã đề cập, mảng tối trong hoàn cảnh đó là gần như ai cũng phải trải qua, do đó, ngay từ khi tham gia đấu tranh, bản thân mỗi người đều xác định tư tưởng cốt lõi nhất là dấn thân vì quyền lợi số động, và có thể chịu mất mát về quyền lợi cá nhân…

Bởi, xã hội Việt Nam cũng không bắt buộc hay chỉ định bất cứ người nào phải gánh vác và trả tiền cho sự gánh vác đó như một cái nghề. Đơn giản, nó được xem là lựa chọn con đường của một cá nhân. Và như thế, nếu sự lựa chọn đó phục vụ quyền lợi số đông (thực sự) mà trả giá quá đắt thì hẳn sẽ có sự vinh danh và ủng hộ của cộng đồng xã hội đối với cá nhân, tổ chức đấu tranh vì quyền làm người ở Việt Nam, chứ không phải từ phía cá nhân, tổ chức đòi hỏi cộng đồng xã hội phải như vậy.
Bởi, một cá nhân tham gia đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam phải xác định sự trả giá gấp 10 lần, thậm chí 100 lần về khó khăn cuộc sống so với người thường, nhưng cố nhiên, phải luôn lấy tinh thần tự lực cánh sinh lên hàng đầu. Đến như cụ Phan Châu Trinh, khi ra tù (1917), cũng phải tự học nghề rửa ảnh rồi làm thuê cho các hiệu chụp ảnh để kiếm sống mà không phải cậy nhờ bất kỳ ai, Nguyễn Tất Thành cũng phải có lúc làm công nhân cào tuyết tại Anh Quốc để tự chu cấp trong hoạt động của mình…
Bởi, mỗi người xác định con đường đứng lên nói lẽ phải, đều phải chọn cho mình một phương pháp tối ưu nhất, dung dưỡng được trạng thái đấu tranh lâu dài nhất, từ việc đấu tranh pháp lý cho đến viêc làm sao để không bị kiềm kẹp về mặt kinh tế, tự lo được cho chính bản thân mình. Đó cũng được xem như một kỹ năng mềm cho chính bản thân mỗi người đấu tranh, trên con đường vốn dĩ đã không rải bằng hoa hồng.
Điều đó cho thấy, việc bắt hay kêu gọi cộng đồng phải trả lương cho hoạt động của mình, kể lể công trạng để lấy sự thương hại thì đó là hành vi không làm nên tính lâu dài trong tư tưởng, mục tiêu đấu tranh của chính cá nhân đó. Phong trào đấu tranh cho quyền làm người tại Việt Nam – có lẽ – không cần – những con người như vậy. 
Riêng việc đòi trả công xứng đáng cho việc “đấu tranh”, nếu hành vi này được ủng hộ, sẽ dẫn đến tiền lệ xấu vì nó sẽ khiến cá nhân đó dễ dàng “Du hí để thỏa mãn cái lòng tự tôn” hay tìm cách “treo đầu dê bán thịt chó” (cách dùng từ của nhà ăn Dương Thu Hương) nhằm tìm kiếm quyền lợi cá nhân (thay vì quyền lợi cộng đồng) trong quá trình “đấu tranh” của mình.
Trong một bài viết “Lại thêm mấy “trò nhố nhăng” trong làng “dân chủ”!” đăng trên báo Nhân Dân, có trích dẫn ý kiến đáng chú ý của facebooker Hồng Đạt. Dù lời lẽ có chua chát, phũ phàng nhưng quả thực, nó cũng cho thấy một mảng vấn đề mà khiến cho các cá nhân, các nhóm hội đoàn dân sự hiện nay vẫn còn yếu (chứ không phải là thiếu tổ chức).

Đó là, “Hầu hết tư tưởng đấu tranh không nhằm đoàn kết hướng đến lý tưởng chung mà chỉ nhằm cái mục đích quái gì chả hiểu. Kẻ vì tiền, người vì tình, kẻ thích nổi tiếng, người thích thể hiện đẳng cấp, kẻ ham ăn nhậu, người thích phô trương, kẻ ngồi đếm like, người nằm soi mói dìm hàng nhau, xúm lại là mang anh phản động A, chị dân chủ B ra bàn luận mổ xẻ”.

Mà hiện trạng như facebooker Hồng Đạt chỉ ra là nhiều vô kể, vấn đề là cá nhân nào, tổ chức nào nhận ra để sửa sai hay tránh rơi vào hiện trạng trên thì cá nhân đó, tổ chức đó đã thành công bước đầu về mặt tồn tại. Bởi đã có những hiện tượng, một số người đấu tranh dân chủ sau một thời gian tự tách mình ra khỏi cộng đồng, tự đặt cho mình một vai vế, một đẳng cấp, hình thành thói bề trên và đòi hỏi cộng đồng xã hội phải dung dưỡng nó…
Đấu tranh là cả một quá trình dài, tại Việt Nam, những cá nhân thích nổi trội ban đầu, tự gắn cho mình nhãn “sinh mạng/ vai vế chính trị” sẽ dần bị loại bỏ.
Và điều này là hoàn toàn tốt, và cần thiết cho một môi trường đấu tranh cho các quyền lợi của người dân được vững mạnh tại Việt Nam. Bởi đấu tranh cho quyền làm người tại Việt Nam không phải là cái nghề! Và có hằng sa con người ngày đêm miệt mài đấu tranh trong sự im lặng lẫn công khai từ chối “cái nghề đấu tranh dân chủ/ nhân quyền” ấy.
Cốt lõi đấu tranh nhân quyền là gì?
Tác giả bài viết rất ngại sử dụng cụm từ “đấu tranh dân chủ”, bởi nó rộng và cao quá, thay vì đó, chỉ muốn sử dụng cụm từ thay thế là “đấu tranh vì quyền làm người tại Việt Nam” bởi tính gần gũi, thực tiễn của nó.
Thực tế cho thấy, đấu tranh cho quyền làm người chính tìm cách phản ánh các trường hợp bị xâm hại về nhân quyền, sau đó đi dần đến việc thay đổi căn bản về mặt chính sách, nhận thức của người dân về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, cuối cùng thể chế mới là giai đoạn sau cùng.
Chính quá trình vận động ngừng chặt cây xanh, ngừng san lấp sông Đồng Nai là một bước tiến lớn trong quá trình đấu tranh đòi hỏi quyền làm người tại Việt Nam. Và một trong số đó, như đã đề cập trên là thay đổi nhận thức về quyền cá nhân, nghĩa vụ chính quyền, và sự lên tiếng cho các hành vi mờ ám từ phía công lực.
Hàm nghĩa rằng, quá trình đấu tranh xã hội, hình thành một dân sự xã hội thực sự đầy đủ tại Việt Nam là quá trình tác động số nhân nhiều cá nhân, tổ chức dám đứng lên chống lại cái xấu trong chính quyền (sự phi lý hay lạm dụng chính sách), cái xấu trong xã hội (thói quen, văn hóa gây nguy hại cộng đồng) và trong chính bản thân chúng ta.

Như vậy, cốt lõi của đấu tranh nhân quyền tại Việt Nam chính là từng bước làm thay đổi nhận thức xã hội một cách toàn diện, toàn thể chứ không thể chỉ đặt các mục tiêu tách biệt như chống lại thể chế chính trị hiện tại. Và thành công trong đấu tranh tại Việt Nam chính là dựa vào chuyển biến trong chính sách và nhận thức người dân chứ không phải là dựa vào sự sụp đổ, biến động của thể chế để gán cho nó là “sự thành công” của đấu tranh. 

Một số cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước khi tìm cách “giương cờ” đấu tranh thường rơi vào nhầm lẫn này. Và điều đó, vô tình khiến họ rơi vào trạng thái cuồng chống cộng, khích nhau để chờ đợi tự phát sinh hay vẽ ra những dự án trên trời (bởi thiếu tính thực tế (nếu không muốn nói là không tưởng) với điều mà người dân trong nước đòi hỏi.
Do vậy mà, xã hội Việt Nam ngoài việc cần những cá nhân, tổ chức can trường, bền bỉ và bình tâm trên con đường mình lựa chọn, thay vì những cá nhân, tổ chức chỉ suốt ngày tìm cách xách động người dân đi vào con đường bộc phát về mặt quan điểm đến hành vi đấu tranh.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)