Việt Nam Thời Báo

VNTB – Dịch sốt xuất huyết bùng phát không theo chu kỳ là hệ lụy của cách… trị tham nhũng?

Thới Bình

 

(VNTB) – Mọi năm, phải 5 năm dịch sốt xuất huyết mới bùng 1 lần theo chu kỳ.

 

Thế nhưng năm ngoái và năm nay liên tiếp có dịch, cho thấy sự bất thường, xuất phát từ việc phòng dịch. Rõ ràng, “bão tố ngành y” đã không chỉ đánh một đòn cực lớn vào vấn đề nhân sự, mà còn tác động dữ dội vào vấn đề phòng, chống dịch, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Ghi nhận ở những ngày này tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), các phòng điều trị chật cứng người nằm, các giường đều phải nằm ghép 2, thậm chí ghép 3. Bệnh nhân sốt xuất huyết hiện chiếm 1/3 tổng số bệnh nhân của Trung tâm. Mà đã vào đây, đều là bệnh nhân nặng, nhiều người ngấp nghé “cửa tử”.

“Về mặt điều trị, đúng là có lo ngại vì nhiều cơ sở y tế có thể thiếu thuốc, vật tư, dịch truyền, dung dịch cao phân tử, các chế phẩm của máu như hồng cầu, tiểu cầu, hoặc không đủ thiết bị hồi sức, kít xét nghiệm…

Cùng với đó, nguồn nhân lực cũng cần được quan tâm. Vì sau 2 năm chống dịch dịch Covid-19, nhân lực cho chuyên ngành truyền nhiễm còn rất mỏng, nên cần được bổ sung, tập huấn, nâng cao chất lượng đội ngũ thầy thuốc chống dịch cả về đời sống vật chất và tinh thần.

Một vấn đề nữa đó là việc phun thuốc muỗi ngay từ đầu mùa. Một số nơi, do vướng mắc thủ tục hành chính, chỉ đạo, đấu thầu thuốc diệt muỗi, … kèm tâm lý đùn đẩy do sợ làm sai trong bối cảnh hiện nay cũng tác động đến việc phòng, chống dịch” – PGS.TS. Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết như vậy.

Tâm lý sợ sai ở đây xuất phát từ pháp luật liên quan đến y tế vẫn còn quá nhiều bất cập và người ta có thể dễ dàng tùy nghi diễn giải cho cáo buộc về đe dọa của sai phạm.

Đơn cử, chỉ riêng thủ tục gọi là đấu thầu, các bệnh viện lâu nay vẫn gặp khó khăn do nhiều đơn vị đăng công khai kết quả đấu thầu trên website thường không đăng chi tiết những tính năng kỹ thuật mà đăng chung chung.

Do đó, để xây dựng cấu hình tính năng kỹ thuật khác nhau ở các đơn vị, chỉ dựa vào thông tin đó thì không thể nào lập được giá sát thực tế. Nhưng nếu không sát thực tế thì các cơ quan chức năng sau này sẽ chất vấn vì sao cùng chủng loại mà bệnh viện này mua giá cao, bệnh viện khác lại mua giá thấp, vậy là nhiều khu nhằm năm xui tháng hạn, tự nhiên thành án hình sự tham nhũng.

Thực tế, bệnh viện mua giá cao thì máy có nhiều chức năng trong khi máy mua giá thấp có ít chức năng.

Các hàng hóa phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân cũng rất đa dạng về chủng loại, xuất xứ, chất lượng và kèm theo đó là giá cả sẽ tương đương. Do đó, nếu Nhà nước chỉ cho phép chọn giá rẻ nhất khi mua sắm sẽ khó có hàng hóa tốt, phù hợp với mô hình, tính chất khám và điều trị bệnh của từng bệnh viện nhằm phục vụ người bệnh tốt hơn.

Một vấn đề khác là đến tận lúc này mà người ta vẫn nghe Bộ trưởng Y tế – bà Đào Hồng Lan đọc thành tích tại Quốc hội vừa qua, rằng: “Về chính sách y tế cơ sở và y tế dự phòng, năm 2018, WHO đã nhận định Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế cơ sở hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản”.

Nếu quả thật WHO có nói vậy, thì trách nhiệm để xảy ra dịch sốt xuất huyết liên tục mấy năm liền ở nhiều tỉnh, thành Việt Nam cần biện giải ra sao?

“Năm nay, do nhiều nơi không phun muỗi phòng bệnh ngay từ đầu dịch, nên khó trừ hết các ổ dịch. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý khi thời tiết năm nay thay đổi bất thường, rất nóng, mưa nhiều. Dự kiến đỉnh dịch có thể vào tháng 10-11” – PGS.TS. Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) nhận định. Và đó là với Hà Nội, nơi tập trung cơ quan đầu não chính trị của quốc gia.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Ông Trịnh Văn Quyết sẽ dự diễn đàn trực tuyến?

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam dừng đón khách đến từ Nga

Phan Thanh Hung

VNTB – ‘Tẩu tán’ tài sản tham nhũng… ‘hợp pháp’

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo