Việt Nam Thời Báo

VNTB – Điều 4, Hiến pháp 2013: đảng tự lấy đá ghè chân mình?

Định Tường

 

(VNTB) – “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” – trích Điều 4.2, Hiến pháp 2013.

 

Với hiến định trên cho thấy trong trường hợp những quyết định của đảng cộng sản Việt Nam là chưa đúng/ không đúng/ sai lầm… đều có thể quy mọi trách nhiệm đối với 18 vị Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, mà đặc biệt với người đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, bởi người Việt vẫn hay nhắc nhở, “con dại cái mang”, hay “nhà dột từ nóc”.

Xin dẫn chứng ra đây vài quyết định rất cần ai đó trong danh sách Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, dũng cảm lên tiếng chịu trách nhiệm với mức kỷ luật tương xứng.

Chồng chéo luật

Mới đây (ngày 4-8), Bộ Giáo dục & Đào tạo, và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hội nghị “Tự chủ đại học năm 2022”. Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì với sự tham dự của hơn 900 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; các chủ tịch hội đồng trường, giám đốc/hiệu trưởng của các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.

Tại hội nghị, GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên nêu lên khó khăn trong vấn đề quản lý, phân cấp, tài chính, tài sản trong quá trình thực hiện tự chủ đại học. Theo ông Quang, tự chủ đại học không chỉ thực hiện theo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) mà còn chịu sự chi phối của các luật khác như Luật Tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Công chức – Viên chức… song nhiều điểm chưa đồng bộ, khó để phát triển. Do đó, trong nhiều việc, muốn thực hiện Luật Giáo dục đại học phải “chờ” nhiều Luật khác và quy định của nhà nước.

“Hiện nay, các luật chồng chéo, khó để phát triển đại học tự chủ. Sự chưa đồng bộ, tương thích giữa các Luật có liên quan đến Luật Giáo dục đại học và nhiều quy định của nhà nước, rồi việc kết nối doanh nghiệp và đầu tư theo các phương thức xã hội hóa; công tác bổ nhiệm cán bộ theo Luật viên chức…”, ông Quang nói.

Ông Quang cũng cho rằng, cần thống nhất khái niệm về tự chủ đại học. “Bởi tự chủ không cẩn thận sẽ hiểu là tự trị, tự o bế, tự xây lên một hàng rào để tự trị. Nhưng tự chủ cũng không phải là tự túc, tự lo. Trong nhiều khái niệm về kiểm toán, tôi thấy có khi nói về trường nào đó tự chủ được nhiều vì không tiêu tiền ngân sách nhà nước. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Nhà nước vẫn cần đầu tư ngân sách, vẫn phải hỗ trợ trường tư dưới dạng hỗ trợ thuế, đất; hỗ trợ trường công dạng đầu tư ban đầu.

Nhiều nước trên thế giới như Anh, Mỹ, Úc… có nguồn thu rất lớn nhưng chính phủ các nước này vẫn hỗ trợ các trường vì nó mang lại lợi ích công, mang lại nguồn nhân lực chất lượng cao có lợi cho quốc gia”, ông Quang nói.

Câu hỏi đặt ra: với những khúc mắc mang tính hệ thống như trên, nếu Điều 4.2 của Hiến pháp 2013 vẫn còn giá trị thực thi thì ngoài người đứng đầu đảng ở hiện tại là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong danh sách 17 người còn lại của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, ai buộc phải xướng tên về “chịu trách nhiệm”?

Độc quyền đất đai qua tổ chức đại diện?

Một vấn đề khác hiện vẫn loay hoay vì tuân thủ chuyện toàn dân thực hiện quyền năng chủ sở hữu đất đai thông qua tổ chức đại diện do họ lập ra là Nhà nước, được nhấn mạnh là hiến định tại Điều 53, Hiến pháp năm 2013.

Luật Đất đai đang được lấy ý kiến sửa đổi. Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp nêu ý kiến, điều 130 dự thảo luật quy định về bảng giá đất có điểm tiến bộ so với Luật Đất đai hiện hành, là đã bãi bỏ quy định về hệ thống khung giá đất và hệ số biến động 5 năm 1 lần, thay vào đó là quy định về bảng giá đất và điều chỉnh biến động mỗi năm 1 lần.

Nhưng, cần làm rõ một số nội dung như thế nào được cho là giá đất phổ biến trên thị trường có sự biến động để làm căn cứ điều chỉnh bảng giá đất. Vì thực tế giá đất luôn biến động từng ngày, thậm chí có tình trạng thổi giá. Nếu nhà nước chỉ căn cứ vào sự biến động giá đất trên thị trường để làm căn cứ điều chỉnh bảng giá đất trong năm, bảng giá sẽ được điều chỉnh liên tục. Điều đó có thể gây ra thiếu tính ổn định, gây ra nhiều ý kiến tranh cãi.

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội, với nội dung của khoản 1 điều 131 thì dự thảo luật chưa có sự đổi mới về cơ chế xác định giá đất cụ thể.

Về cơ bản, quy định về xác định giá đất cụ thể vẫn kế thừa khoản 3 điều 114 của Luật Đất đai năm 2013. Trong khi tổng kết thực tiễn gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy quy định về giá đất cụ thể là điểm không thành công của đạo luật này.

Giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định được sử dụng làm căn cứ tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất theo Điều 61 và Điều 62 của Luật Đất đai 2013 không nhận được sự đồng thuận của nhiều người bị thu hồi đất; tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn chiếm tỷ lệ do giá đất cụ thể được xác định thấp hơn giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường.

Nguyên nhân, theo PGS.TS Phạm Quang Tuyến, Luật Đất đai 2013 trao cho UBND cấp tỉnh nhiều quyền: Quyền giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; có quyền chuyển mục đích sử dụng đất; có quyền thu hồi đất và có quyền quyết định giá đất cụ thể làm căn cứ để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất… Điều này khó tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong thu hồi đất và xác định giá đất cụ thể để bồi thường cho người bị thu hồi đất.

Trong khi đó, Hội đồng thẩm định giá chưa đảm bảo sự độc lập. Bởi với quy định như tại khoản 1 điều 131 của dự thảo luật thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh là Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá; thành viên là đại diện của cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất. Nhìn vào thành phần của Hội đồng thẩm định giá cho thấy phần lớn là đại diện của các cơ quan, tổ chức công; chỉ có một cơ quan có hiểu biết chuyên sâu về xác định giá đất là tổ chức tư vấn xác định giá đất.

“Một nguyên tắc chung của bất kỳ lại hội đồng nào là làm việc tập thể, quyết định theo đa số. Vậy với cơ cấu và thành phần nêu trên thì liệu có đảm bảo tính độc lập của Hội đồng thẩm định giá hay không?”, ông Tuyến nói.

Ông cho rằng, cơ quan quản lý giá đất cấp tỉnh cần độc lập với UBND cấp tỉnh; cơ quan quản lý giá đất cấp tỉnh được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể.

Việc xác định giá đất cụ thể phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai; áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp.

………..

Chỉ với hai dẫn chứng như trên đã cho thấy dường như vì thiếu sự cạnh tranh của các ghế quyền lực của đảng phái chính trị ở nhiệm kỳ Quốc hội nên nội dung của Điều 4, Hiến pháp vẫn chưa được làm rõ bằng một phiên tòa bảo hiến, trong bản án tuyên về quyền giám sát của nhân dân trong yêu cầu đảng phải chịu trách nhiệm cụ thể ra sao trước nhân dân về những quyết định của mình?


Tin bài liên quan:

VNTB – Việt Nam đang có hai nhà nước trong một đất nước?

Phan Thanh Hung

VNTB – Nên thành lập hội đoàn dân sự các cựu quan chức

Do Van Tien

VNTB – Kêu oan

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo