Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ lần thứ 26

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Đây là đợt đối thoại nhân quyền đầu tiên giữa Mỹ và Việt Nam sau khi Việt Nam đắc cử tư cách thành viên Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 11/10/2022.

 

Dự kiến sẽ lại tái diễn cảnh nhân viên an ninh thường phục thay phiên nhau ‘ngồi canh’ trước nhà của một số cá nhân có người thân đang là tù nhân chính trị, các nhà bất đồng chính kiến, một vài nhà báo tự do hay lên tiếng phản biện chính trị…

Nhân quyền đóng vai trò chủ chốt trong việc Hoa Kỳ hợp tác với Việt Nam

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, quan chức cấp cao của Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Hoa Kỳ, bà Erin Barclay, và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Đỗ Hùng Việt, sẽ là trưởng đoàn của hai bên trong cuộc đối thoại.

Trong phái đoàn Hoa Kỳ tới Việt Nam còn bao gồm Đại sứ Tự do Tôn giáo Quốc tế Rashad Hussain, Đại diện Đặc biệt về Công lý và Công bằng chủng tộc Desirée Cormier Smith, Cố vấn Cấp cao về Chiến lược và Quyền Bản địa Michael Orona thuộc Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, và Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Đông Nam Á lục địa Robert Ogburn thuộc Vụ Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Đối thoại Nhân quyền năm nay 2/11/2022 sẽ đề cập một loạt vấn đề liên quan đến nhân quyền và quyền lao động, bao gồm quyền tự do ngôn luận và lập hội, tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, pháp quyền và cải cách luật pháp, quyền của các thành viên thuộc các nhóm dân số bị thiệt thòi, bao gồm các nhóm dân tộc thiểu số, người thuộc cộng đồng LGBTQI+ và người khuyết tật, cũng như các trường hợp cá nhân cần quan tâm.

Phái đoàn Hoa Kỳ cũng sẽ tổ chức các cuộc thảo luận với các quan chức chính phủ và thành viên của xã hội dân sự tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

“Thúc đẩy nhân quyền là một yếu tố thiết yếu trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và đóng vai trò chủ chốt trong hoạt động hợp tác của chúng tôi với Việt Nam trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam”, thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói, đồng thời khẳng định sẽ giữ cam kết “tiếp tục các cuộc thảo luận thẳng thắn và hiệu quả với chính phủ Việt Nam về các vấn đề này”.

Đây là đợt đối thoại nhân quyền đầu tiên giữa Mỹ và Việt Nam sau khi Việt Nam đắc cử tư cách thành viên Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 11/10/2022.

Thể chế chính trị khác nhau nên nhân quyền cũng tương ứng

Theo ông Cao Đức Thái, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, thì, “Việt Nam không coi những nước khác hệ tư tưởng là thù địch, mà chúng ta đưa ra quan điểm về đối tác, đối tượng một cách cởi mở, rộng rãi và rất minh bạch.

Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước, không phân biệt chế độ xã hội, trình độ phát triển. Với Việt Nam bây giờ chỉ có đối tác, đối tượng. Những ai chống Việt Nam là đối tượng. Còn những ai ủng hộ Việt Nam là đối tác. Như vậy, Việt Nam đã thoát khỏi tư duy của thời kỳ chiến tranh lạnh, tiếp cận những giá trị chung, giá trị toàn cầu”.

Ông Thái khẳng định, “Việt Nam đang phấn đấu, nỗ lực về vấn đề nhân quyền, không phải chỉ trong đối nội mà cả trong đối ngoại”.

Tuy nhiên ở đây, theo lưu ý của nhóm nhà báo tự do đang cộng tác với trang Việt Nam Thời Báo, vấn đề nhân quyền của Việt Nam dù là đối nội hay đối ngoại đều đặt trong nội hàm của thể chế chính trị duy nhất một đảng cầm quyền, trong Quốc hội không có sự cạnh tranh đảng phái chính trị.

Từ góc nhìn trên sẽ thấy các quy định kéo theo là đương nhiên của yêu cầu về tính đồng bộ chính trị, như tổ chức tôn giáo được quy định phải là thành viên của tổ chức Đảng là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc trung ương. Các hội đoàn xã hội dân sự phải có một cơ quan hành chính tương ứng là “chủ quản”, và cũng phải là thành viên bắt buộc của tổ chức Mặt trận Tổ quốc tại các địa phương mà hội đoàn dân sự ấy đăng ký hoạt động.

Báo chí, dù thuộc chủ quản nào thì vẫn phải trong khuôn phép mang tính định hướng của cơ quan Tuyên giáo Đảng cấp trung ương lẫn địa phương. Không chỉ vậy, báo chí đang được “quy hoạch” theo lộ trình giảm mạnh số lượng tòa soạn báo chí trên toàn quốc. Và dĩ nhiên trong loạt hạn chế đó, khó thể mong có được tòa soạn của báo chí tư nhân.

Như vậy nếu đặt cách vận hành nhân quyền trong thực thể một đảng chính trị cầm quyền xuyên suốt mà không vấp sự cạnh tranh quyền lực nào, và người dân cũng không có lựa chọn nào khác trong lá phiếu cử tri, thì đúng như nhận xét ở trên của cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong nhân quyền “với Việt Nam bây giờ chỉ có đối tác, đối tượng. Những ai chống Việt Nam là đối tượng. Còn những ai ủng hộ Việt Nam là đối tác”.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Phóng sự ảnh: Người dân có vẻ không ‘mặn mà’ khi chọn chích vắc xin Trung Quốc

Phan Thanh Hung

VNTB – Báo chí tư nhân sẽ được cạnh tranh với báo chí quốc doanh?

Phan Thanh Hung

VNTB – “Quyền” của người bệnh ở Việt Nam!?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo