Việt Nam Thời Báo

VNTB – ‘Đồng phục’ lá cờ ở Hà Nội

Đông Đô

 

(VNTB) – Liệu sẽ có đấu thầu hay chỉ định thầu với số lượng 2,2 triệu lá cờ cùng kích cỡ này ở Hà Nội?

 

Cổng thông tin trang Thủ đô Hà Nội trong bản tin cuối giờ chiều ngày 10-5-2024 cho biết, “theo Thông báo của Văn phòng UBND TP. Hà Nội về kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh, Trưởng ban tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) tại phiên họp lần thứ nhất, thì UBND Thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tặng mỗi hộ gia đình 1 lá cờ tổ quốc theo mẫu chung toàn Thành phố. Sở Văn hóa và Thể thao có nhiệm vụ hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã tặng cờ tổ quốc theo mẫu, kích thước chung toàn Thành phố, hoàn thành xong trước 20/9/2024”.

Nội dung trên sau đó được các báo đăng lại, và đều không cho biết cụ thể số cờ được tặng, tổng dự toán ra sao, mà báo chí tự chỉ dẫn số liệu tổng điều tra dân số năm 2029 là ước lượng Hà Nội có trên 2,2 triệu hộ với hơn 8 triệu người.

Nguồn tin chung cũng không cụ thể kích thước lá cờ mà chỉ chung chung là “Sở Văn hóa và Thể thao hướng dẫn các quận, huyện, thị xã tặng cờ Tổ quốc theo mẫu, kích thước chung toàn thành phố, hoàn thành trước ngày 20/9/2024”.

Ghi nhận từ các công ty chuyên may cờ Việt Nam thì có các kích thước phổ biến trên thị trường, là: 60×90 cm, 80×120 cm, 70×105 cm, 90×140 cm, 140×210 cm, 120×180 cm, 200×300 cm, 400×600 cm.

Đơn giá của lá cờ 60×90 cm, may bằng vải kate cao cấp được chào với khung giá khuyến mãi là 185.000 ngàn đồng/lá cờ. Và tất cả các cơ sở may cờ đều không cụ thể giá bỏ sỉ, mà chỉ thông báo kiểu chung chung là “giá rẻ nhất”.

Đi cùng với lá cờ là cán cờ, và cũng tùy thuộc kích thước lá cờ mà cán cờ phù hợp. Trong mặt hàng này, lưu ý là còn tùy vào từng cụ thể nhà dân cư để chọn cách thức nơi treo cờ, loại cán gỗ hay sắt.

Ngoài ra về môi trường, cán cờ gỗ thường làm bằng trúc, vậy để đáp ứng số lượng tính theo đơn vị hàng triệu cán cờ được cung ứng cùng lúc, thì có lẽ phải khai thác cả một rừng trúc lớn mới đáp ứng.

Cũng chuyện môi trường, khi thay lá cờ mới được chính quyền tặng và buộc treo, có nghĩa lá cờ sẵn có ở mỗi gia đình Hà Nội, dù nghèo khó hay giàu nứt đố đổ vách, buộc phải thành… ‘nùi giẻ’. Và không khéo lại bị ghép tội hủy hoại cờ tổ quốc (!?)…

Có ý kiến nhắc lại sự kiện UBND TP Hải Phòng từng có kế hoạch về việc chi 269 tỷ đồng để mua tặng mỗi hộ dân 1 bộ ấm chén và 1 lá cờ tổ quốc nhân kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Hải Phòng 13/5. Lúc đó chủ đề này gây khen chê trong dư luận. Không ít người cảm động về món quà trong khi nhiều người chê trách, can ngăn. Cuối cùng với lý do để dành cho công tác phòng chống dịch Covid, chính quyền Hải Phòng đã hủy kế hoạch tặng ấm chén và cờ tổ quốc này.

Giờ xem ra cũng tương tự với Hà Nội trong nghi thức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Có thể chính quyền Hà Nội đưa ra lời giải thích: đây là khoản tiền từ nguồn ngân sách tự cân đối của Hà Nội, nhưng dù giải thích theo nghĩa nào thì tiền ngân sách cũng là từ tiền đóng thuế của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Ngân sách không phải là tiền túi cá nhân. Mọi chi tiêu đều cần phải cân nhắc đến sự hợp lý và thiết thực với mỗi người dân.

Về mỹ quan đô thị, thì với nhà lớn, nhỏ, từng căn hộ đô thị giàu có hay nghèo khốn sẽ cùng ‘đồng phục’ treo cờ ra sao? Và cái màu đỏ dày đặc, sẽ mang đến thông điệp gì đến du khách; hay là người ta lại phải nhắc đến những câu thơ để đời của Trần Dần:

Những ngày ấy bao nhiêu thương xót

Tôi bước đi

không thấy phố

không thấy nhà

Chỉ thấy mưa sa

trên màu cờ đỏ…

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Kiến trúc Hà Nội sau ba cuộc cải tạo tư sản

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Sùng bái bút lông

Do Van Tien

VNTB – Tin ảnh: Hà Nội huy động sinh viên các trường ĐH… chống khủng bố

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo