Việt Nam Thời Báo

VNTB – Dưa hấu cho trâu bò ăn – vì đâu nên nỗi?

(VNTB) – Sau thanh long (Bình Thuận), cà chua (Đà Lạt), khoai lang (Daklak), giờ đây dưa hấu tiếp tục đi vào cái vòng luẩn quẩn của điệp khúc được mùa mất giá, đi từ Quảng Nam lan dần đến tỉnh Quảng Ngãi (một trong những tỉnh trồng dưa trọng điểm).

Việc nông sản thừa ế được gắn nguyên nhân là từ chủ trương liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân) thiếu hiệu quả dù được cảnh báo từ hàng chục năm trời, khiến cho vòng xoay không an tâm đầu tư, sản xuất tiếp diễn đều đặn mỗi năm.

Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến liên kết 4 nhà lỏng lẻo có phần không nhỏ từ phía người nông dân, khi mà sự hạn chế về thị trường tiêu thụ, cũng như hạn chế về trình độ học vấn khiến đa số nông dân chưa gạt bỏ được tư tưởng hám lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài.

Nhiều chuyên gia khẳng định rằng, thực trạng “được mùa mất giá” đi từ chính quy trình ngược, bởi thay vì bắt đầu tìm hiểu nhu cầu thị trường cần gì, hay nghe lời khuyến cao từ phía các bộ ngành liên quan về giống cây trồng, thì hầu hết các hộ nông dân chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt, nhắm mắt nhắm mũi đua nhau sản xuất. Năm 2014, tại vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, nhiều nông dân khi thấy giá cao su, cà phê xuống thấp liền chặt bỏ, chuyển sang hồ tiêu, theo số liệu của Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, diện tích cây cao su bị nông dân chặt bỏ trong 6 tháng đầu năm 2014 của cả nước khoảng 3.850 héc-ta. Còn tại Vĩnh Long, từng có thời điểm giá khoai lang lên đến 1,2 triệu đồng/tạ, khiến nhiều nông dân “sốt hàng”, ồ ạt bỏ lúa hoặc hoa màu khác chuyển sang trồng. Nhưng chẳng bao lâu, giá khoai lang rớt giá trầm trọng, chỉ còn10.000-30.000 đồng/tạ, khiến nông dân méo mặt vì không đủ chi phí trả tiền thuê đất và trồng khoai…Chưa kể, việc chuyển đổi tự phát sẽ khiến cho chất lượng nông sản không được đảm bảo ổn định, làm giảm thương hiệu đầu ra.

Ngay việc dưa hấu tại vùng Quảng Ngãi rớt giá thê thảm, phải cho trâu bò ăn cũng một phần từ chính việc bà con không chịu nghe lời khuyến cáo của ngành nông nghiệp, mà tự ý trồng tràn lan, như ông Đào Minh Hường – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi cho hay.

Việc thiếu liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân khiến khâu tổ chức tiêu thụ, điều phối hàng hóa trong nước cũng như lên biên giới gặp nhiều vấn đề, khiến lượng nông sản không được trải đều ra bán tại các vùng miền mà tập trung tại cửa khẩu Tân Thanh và chính tại địa phương trồng dưa, dẫn đến cung vượt cầu.

Cùng với việc cán bộ các ban ngành không có quy hoạch nông sản cụ thể, tư thương thì chỉ thừa cơ hội làm ăn chộp giật, trục lợi. Chưa kể hệ thống kho bãi trên cửa khẩu kém, hệ thống điều phối thông qua lâu (400/800 xe chờ thông qua), thậm chí là việc bảo quản nông sản quá kém do người nông dân lẫn doanh nghiệp chưa chú trọng khiến cho dưa ở cửa khẩu thì dồn ứ, bị trả về do úng thối trong thời điểm chờ thông quan.

Trong khi, nông dân trồng dưa miền trung thì bán giá rẻ mạt, trong khi hai vùng ở đầu cầu (Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội) lại mua giá cao với giá từ 8.000 – 10.000/ kg.

Dưa hấu rớt giá thê thảm – người nông dân vô can?

Tin liên quan: Giá dưa liên tiếp tuột dốc từ 5.000 đồng xuống chỉ còn 500 đồng trong vòng hai tuần qua khiến hàng nghìn nông dân Quảng Ngãi lâm cảnh khốn khó.

Dưa hấu rẻ bèo, nông dân xã Tịnh Hiệp (huyện Sơn Tịnh) buồn chán bỏ mặc cho trâu ăn. Ảnh: Trí Tín.

Chưa kịp vui mừng thoát đợt mưa lũ bất thường tháng trước, vợ chồng anh Nguyễn Tấn Hội (ngụ xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh) lại lo giá dưa hấu giảm mạnh. Năm nay, gia đình anh đầu tư 60 triệu đồng trồng 20 sào dưa.

“Dưa của tôi đang đơm trái thì lũ tràn về tàn phá. Suốt nhiều ngày bơm nước, cứu sống được nửa diện tích, ai ngờ đến ngày thu hoạch thì giá chỉ còn 500 đồng mỗi ký. Nản quá nên tôi bỏ mặc dưa ngoài đồng cho trâu ăn”, anh Hội nói.

Đứng bên bờ ruộng chứng kiến đàn trâu ngoạm từng quả dưa hấu ăn ngon lành mà anh Hội xót xa. Ba tháng thức khuya dậy sớm chăm sóc dưa cần mẫn trên đồng, công sức của vợ chồng anh giờ thành số 0.

Theo nhiều nông dân huyện Sơn Tịnh, ruộng dưa đã đến ngày thu hoạch, nếu thương lái không mua thì đành để chín rục ngoài đồng hoặc cho trâu, bò ăn.

Dọc theo các cánh đồng từ xã Tịnh Hiệp sang Tịnh Trà, đến nơi đâu cũng nghe người dân than thở vì giá rẻ bèo. Ôm từng quả dưa lớn nặng hơn 4kg chuyển lên xe tải mà ông Phạm Văn Trung buồn rũ rượi. Năm nay, gia đình ông trồng ba sào, thế nhưng lũ ập đến tháng trước gây hư hại hết nửa diện tích. Số còn lại cho thu hoạch 3,5 tấn, gia đình ông bán tháo chỉ có 2 triệu đồng.

“Thương lái cho rằng những ngày qua dưa bị kẹt ở cửa khẩu Tân Thanh úng thối hết. Họ lấy cớ ép bà con giảm giá liên tục, giờ chỉ còn 500 đồng mỗi ký. Thôi thì bán đổ, bán tháo gỡ gạc chừng nào hay chừng ấy chứ biết làm sao”, ông Trung trần tình.

Hàng nghìn người trồng dưa Quảng Ngãi hy vọng sau đợt mưa lũ bất thường vừa qua giá sẽ trở nên đắt đỏ, nhưng giờ đây đều thất vọng.

Ông Đào Minh Hường – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi – cho biết, nguyên nhân khiến dưa hấu rớt giá là do lượng tiêu thụ phía Trung Quốc giảm mạnh.

“Nhiều xe tải chở dưa ùn ứ, ách tắc tại cửa khẩu Tân Thanh vài ngày qua. Nếu tình hình này kéo dài, bà con trồng dưa sẽ còn gặp khó khăn. Nhiều lần ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con không nên trồng dưa hấu tự phát tràn lan, thế nhưng họ cứ lặp đi, lặp lại tình trạng này”, ông Hường nói.

Trong khi đó, trước thông tin nông dân miền Trung đang phải bán tháo dưa hấu với giá chỉ 1.000 đồng mỗi kg, ngày 10/4, đại diện Bộ Công Thương khẳng định “việc tiêu thụ vẫn diễn ra bình thường với mức giá tương đối khả quan”.

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, theo Sở Công Thương các tỉnh, lượng dưa hấu thu hoạch ở nhiều nơi đã bán gần hết. “Dưa chủ yếu tập trung 4 tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên, với sản lượng khoảng 100.000 tấn, trong đó Bình Định đã bán gần hết, các tỉnh khác được 70-80%. Quảng Nam khó khăn nhất do trúng đợt lũ nhưng tình hình cũng đã khả quan”, ông Quyền nói.

Đối với dưa hấu xuất khẩu, đại diện Bộ Công Thương thừa nhận vì lượng hàng đổ về qua cửa khẩu Tân Thanh khá lớn, dẫn đến ùn tắc trong mấy ngày qua nhưng tình trạng này đã nhanh chóng giảm xuống. Giá dưa xuất khẩu sang Trung Quốc cũng dao động ở mức trên dưới 10.000 đồng một kg, tùy chất lượng quả.

Vụ trưởng cho biết thêm, trong những ngày qua, phía Việt Nam đã có nhiều cuộc thảo luận với Trung Quốc và đạt được thỏa thuận có một kho bãi riêng cho mặt hàng dưa ở bên kia biên giới. Ngoài ra, số liệu về khả năng thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh cũng được cơ quan chức năng thông tin liên tục đến doanh nghiệp, địa phương để giảm thiểu tình trạng thương lái ồ ạt đưa dưa hấu lên cửa khẩu.

Đối với kênh phân phối lớn trong nước, đại diện Bộ Công Thương khẳng định các siêu thị như Co.opmart, Hapro, Metro, Big C… vừa qua cũng đã tích cực thu mua. “Điều này cho thấy, những giải pháp kết nối cung cầu đã thu được những kết quả khả quan”, ông Quyền nhận định.

Theo Trí Tín/ Vnexpress

Tin bài liên quan:

VNTB – Thả gà ra đuổi?

Phan Thanh Hung

VNTB – Chuyện lạ Quảng Ngãi

Phan Thanh Hung

VNTB – Khi đảng viên chức sắc nhúng chàm, lẽ nào Bí thư ‘bề trên’ phủi tay?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo