Loan Thảo
(VNTB) – “Dựng lại người, dựng lại nhà” của Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1969 cho người miền Nam sau cái tết Mậu Thân tang thương với vành khăn sô muôn đời cho Huế. Chợt ngẫm nghĩ lại có thể thấy rằng quả là trong dòng nhạc được gọi là phản chiến đó, nếu giờ ‘bắt chước’, cầm chắc chủ nhân sáng tác ấy sẽ phải đi tù về tội danh theo Điều 117, Bộ Luật hình sự.
“Dựng lại người”, điều đó xem ra cần thiết trong tình hình đang được cho là vào hồi gay cấn của “Hoa Sơn luận kiếm” trong định đoạt ngôi vị minh chủ. Cái khác là trong tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình, bước lên đỉnh Hoa Sơn ở hồi chung cuộc có tất cả 5 đại bang phái võ lâm, thì nay Hoa Sơn chỉ có một bang phái duy nhất; và cuộc tỉ thí đó nói theo ngôn ngữ thời Tam Quốc bên xứ Tàu, là ‘củi đậu nấu hạt đậu’ mà Tào Thực ứng tác qua 7 bước chân.
Liên quan chuyện thế sự hiện nay còn là việc ở các sân trường đang thi nhau chặt bỏ cây xanh, sau sự cố cây phượng vĩ bật gốc gây tai họa thương tâm cho học trò trường Bạch Đằng. Có ý kiến nói rằng nhiều khi chúng ta chỉ nhìn được phần phần nổi trên mặt đất. Phần rễ ẩn phía dưới đất đã thối, đứt hỏng hay đụng mạch ngầm của hóa chất thế nào, bên trong thân cây gỗ còn tốt hay đã bị đục rỗng… hiếm ai “giải phẫu” được.
Vậy nên, đành trông cả vào lực lượng chuyên nghiệp. Các kỹ sư nông nghiệp, các “chuyên gia cây” chắc chắn đã cân nhắc, đã giám định, “chụp cắt lớp” thân và gốc cây trước khi ký giấy cho việc đưa lưỡi cưa lên. Đây là sự cân nhắc liên quan tới sinh mạng, không thể ẩu.
Bàn rộng ra, cái gì mục ruỗng, thối hư… cũng cần dọn dẹp tránh nguy hiểm cho cộng đồng, bao gồm cả thể chế chính trị đang thiếu động lực cạnh tranh.
Liệu ý kiến về ‘dọn dẹp’ nói trên có được coi là… phản động?
Trong ca khúc “Dựng lại người, dựng lại nhà”, Trịnh Công Sơn đã đặt nhiệm vụ “dựng lại người” trước cả “dựng lại nhà”, có lẽ vì ông thấu hiểu nhà thì trước sau gì cũng dựng lại được, trong khi những vết thương do chiến tranh (và không chỉ do chiến tranh) gây ra nơi con người thì cần kíp phải băng bó, chữa lành. Không trước tiên làm điều đó thì dù ngôi nhà có xây dựng lại, những người sống trong đó cũng không thể nào tìm được hạnh phúc.
Lòng thù hận, sự háo thắng và chủ nghĩa đắc thắng, sự tàn bạo và o ép con người là những vết thương chiến tranh phải ưu tiên chữa lành cùng lúc, và thậm chí trước cả khi bắt tay vào tái thiết vật chất. Để thay vào đó là con người tự do, là tình thương, là hòa giải, là lòng nhân ái lên nụ hồng giữa con người.
Tiếc là 45 năm về trước đã không làm được điều đó, và trong suốt 45 năm qua, người ta cũng chẳng bận tâm tìm hiểu vì sao ‘dựng lại người’, và cả ‘dựng lại nhà’ đều đang chất ngất oán khí, với những thế hệ dân oan khắp ba miền, với những tiếng nói phản biện đang dần bất lực tắt lịm trước sức mạnh của đe dọa súng ống, ngục tù…
Vẫn là ca từ của giấc mơ đầy huyễn hoặc:
Ta cùng lên đường đi xây lại tự do
Lòng người dân ta xưa hoang vu nay hết buồn lo
(…)
Ta cùng lên đường đi xây lại tình thương
Lòng mẹ ta xưa kia bao la như Thái Bình Dương
Những đứa con lạc dòng mừng hôm nay xóa hết căm hờn
Mượn phù sa đắp trên điêu tàn, lòng nhân ái lên nụ hồng…