Hiền Nghi
(VNTB) – Quốc gia không thể lớn mạnh ở sự sắp đặt.
Đoan Trang – một nhà báo dấn thân đã quay trở về Việt Nam. Khi được hỏi vì sao đang có cơ hội ở lại Mĩ mà lại về, cô chia sẻ đơn giản: “Đã đến lúc nền kinh tế và xã hội Việt Nam cần chúng ta chung sức, chung lòng để xây dựng nó chứ không nên rời bỏ nó đi.”
Thao thức Nguyễn An Ninh
Đó hẳn là ý nghĩ về sự lựa chọn, lựa chọn của những người trẻ như Đoan Trang… và rất nhiều người trẻ khác đã lựa chọn con đường khó khăn nhất, thể hiện trách nhiệm gánh vác, nhằm dọn ra con đường mà thế hệ sau có thể đi tốt hơn, đúng như cái câu nói truyền đời, “hy sinh đời bố, củng cố đời con.”
Giới trẻ và lựa chọn trở thành tiếng chuông
Đã có một thời điểm, nhiều người đấu tranh ở Việt Nam rơi vào trạng thái bất lực – “Đả thạch lão” (ông già chém đá), bởi sự lẫn lộn trong đường lối và phương pháp đấu tranh, sự bế tắc trong huy động người dân nổi dậy, chống lại một chính quyền với quân sự – chính trị – truyền thông cơ sở tận răng. Nhưng đau lòng nhất, sự lên tiếng thực trạng xã hội lại nằm ở các vị lão thành cách mạng, bởi những người bên hải ngoại, thiếu vắng hẳn tiếng nói giới trẻ.
Sự bùng phát về các sự kiện chủ quyền biển đảo trong những năm trở lại đây, đã trở thành chất xúc tác, gây ra sự chú ý, tiếp đó, các cuộc cách mạng nổi dậy chống độc tài trên thế giới đã gián tiếp lôi cuốn giới trẻ vào con đường cải tạo xã hội, tìm cách thức xóa bỏ hiện trạng xã hội.
Bởi nếu giới trẻ không gánh vác thì liệu ai sẽ gánh vác? Là thế hệ trẻ “học để làm quan”, là lớp người vẫn miệt mài “tin vào sự lãnh đạo của Đảng”, là các bậc lão thành cách mạng, hay những vị quan đang tại vị ngày đêm làm giàu cho dòng họ?
Trong bài nói chuyện, “Lý tưởng thanh niên An Nam” vào tối ngày 15/10/1923, Nguyễn An Ninh chỉ rõ: “Học thức và lý tưởng phụng sự dân tộc là hai điều kiện tiên quyết để có tư tưởng dân chủ, không thể thiếu điều kiện nào. Có học thức mà không có lý tưởng phụng sự dân tộc chỉ trở thành một trí thức “sĩ hoạn” mà thôi. Trái lại, có lý tưởng phụng sự dân tộc mà không có học thức thì dễ phạm sai lầm cực đoan, có thể làm tổn hại cho dân tộc!”
Đã đến lúc – tuổi trẻ cần gánh vác trách nhiệm khẩn thiết, mà ở chừng mực nào đó, là bắt đầu công trình đào móng – xây nhà. Một hành vi mang tính hợp nhất giữa trí thức cùng lý tưởng phụng sự quốc gia. Và vì thế, Việt Nam ngày càng có thêm niềm tin và hy vọng thoát ra khỏi phận nhược tiểu – lệ thuộc và nền chính trị – xã hội lũng đoạn – chuyên quyền, khi người ta nhìn thấy sự lan dần của làn sóng trẻ có học thức tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội để tìm quyền tự quyết cho chính vị thế công dân trong quốc gia… Hầu hết các tổ chức dân sự xã hội, ở các nhóm học thuật, thiện nguyện Bắc-Trung-Nam đều có bàn tay người trẻ, họ làm việc nhiệt huyết và hăng say, làm giãn bớt những bất công do thể chế tạo ra, đồng thời mở đường cho sự phá vỡ tư duy giả vờ XHCN trong tương lai.
Đại hội Đảng càng đến gần, với dự báo những cuộc chạy đua “chức quyền”sôi nổi vào chiếc ghế lãnh đạo, thì làn sóng quan tâm chính trị, nhúng tay vào những thay đổi thực trạng quốc gia ngày càng mạnh ở các mức cấp bậc khác nhau, từ truyền dẫn cảm hứng đọc sách báo về nền chính trị, triết học, về thay đổi vận mệnh quốc gia, tham gia các hội thảo tìm hiểu về quyền chính trị cơ bản, cho đến các dự thảo, đòi hỏi những quyết định chính trị – xã hội nằm trong các hội đoàn dân sự xã hội. Những đòi hỏi về quyền biểu tình, lập hội, quyền được bày tỏ chính kiến, quyền được kiểm tra, giám sát…
Nó khẳng định, sự lớn mạnh của quốc gia trong tương lai không còn bị định đoạt bởi những “ủy viên bộ chính trị dưới 40 tuổi”, hay những nhân tài chính trị đang nổi lên gần đây trong chính trường Việt Nam mà nằm ở sự lựa chọn đường đi khó khăn nhất của những người trẻ.
Bởi quốc gia không thể lớn mạnh ở sự sắp đặt.
Thực trạng và đường chúng ta đi
Nguyễn An Ninh từng phác họa: “Thí dụ ở Paris, lấy chân đá vô mông một con chó thì bị phạt, nhưng khi qua tới một xứ sở xa xôi thì không bị ai hỏi tội hỏi tình gì hết, bởi vì ở cái xứ sở đó, một mạng người giá trị cũng không hơn mạng một con kiến mà trong lúc đi đâu đó mình lỡ đạp chết.”
Xã hội Việt Nam hiện nay không khác gì sự phác họa nêu trên (ý thức gắn kết cộng đồng kém, thiếu tinh thần cầu thị, thói quen tự mãn cá nhân, bảo thủ, giả dối, nhà nước hóa cảnh sát) và do đó, xã hội này dần trở thành một đấu trường thời La Mã cổ đại, nơi những người lựa chọn quyền được tự do bằng cách sống sót. Điều đó cho thấy khắc nghiệt, khó khăn trong con đường đi của nhiều người trẻ như Đoan Trang, bao vây kinh tế, tước đi quyền cơ bản chính trị, đe dọa về nhân phẩm – danh dự trên báo chí – truyền thông nhà nước, đe dọa tính mạng trong cuộc sống thường nhật. Đó là những gì họ gặp phải, nhưng họ vẫn đi (chấp nhận cái giá phải trả trước mắt), con đường của họ để cho cái đất nước còn quá nhiều bất công này đi lên cũng chính là con đường đầy khó khăn đó.
Chẳng có con đường nào khác, nếu muốn thế hệ con cháu không phải ra đường là va chạm với bất công, bằng cách xoắn tay áo lên và đi.
Câu nói một thời của người thanh niên Lý Tự Trọng ngày một nét trong thực tiễn: “Con đường của thanh niên không có con đường nào khác là con đường cách mạng.”
Bất công đã làm nảy thế hệ thanh niên cách mạng mới, một cuộc cách mạng dân chủ, chuyển đổi, và ôn hòa. Nhưng để làm được như thế, thì cần một sự tập hợp, và để có được một sự tập hợp thì cần những cá nhân tiên phong cho sự tập hợp đó. Thời kỳ internet cung cấp cho họ một phương tiện hết sức mạnh mẽ – mạng xã hội, nhưng đồng thời cũng khiến họ đối mặt với nhiều hơn sự kỳ thị, chống phá, đả kích, châm biếm từ những con người an phận thủ thường, đang hưởng bổng lộc nhà nước và những hành vi từ lực lượng công an dưới cái mác côn đồ.
Vì thế, sự lựa chọn của Đoan Trang hay bất kỳ một ai trong thời điểm trước đó, hiện nay cũng cùng một lúc làm hai nhiệm vụ: trả giá cho quyết định và lôi cuốn những bạn trẻ khác cùng đồng hành trên một con đường đi chung nhất – Việt Nam dân chủ với sự lớn mạnh của xã hội dân sự.
Bởi rõ ràng, không phải giới trẻ nào cũng nhìn nhận rõ thực trạng Việt Nam, hoặc nếu nhìn nhận rõ thì họ lại khép nép, không dám đứng lên đấu tranh cho cái quyền mà đáng ra mình được hưởng, họ – chửi bới, lăng mạ rồi lại thôi – một “hành vi” quen thuộc của sự bất lực và cam chịu bất công.
Do đó, cái cảm hứng mà những người Đoan Trang hay bất kỳ người trẻ nào tạo ra, không dừng ở sự cảm phục, mà cao hơn, là đưa đến một Dũng khí công dân, chỉ ra cái bất công, đối diện và từng bước triệt tiêu, không hề sợ hãi. Cái yếu tố mà một thời, Nguyễn An Ninh đã dùng nó để giải quyết thực trạng: “Tôi đã chỉ rõ các chương trình đó đã được soạn thảo chỉ với mục đích duy nhất là đào tạo những tên đầy tớ nịnh bợ, luồn cúi, không có vai trò nào khác hơn là thụ động tuân theo mệnh lệnh của chủ. Từ chế độ ngu dân đó kết quả là trình độ tinh thần đạo đức của xã hội đã sa sút đáng kể. Thật vậy, trong những người An Nam được đào tạo trong các trường thuộc địa, rất ít người có dũng khí công dân…” (*)
Việc trở về Việt Nam cũng như việc nhất quyết ở lại Việt Nam, thay vì định cư ở một nước phương Tây dù là một quyết định hết sức khó khăn nhưng về lâu dài, đó hẳn là một điều tốt. Tạo nguồn nhân lực bên trong đất nước, thay vì phân tán vì chương trình di trú, tỵ nạn chính trị ở bên ngoài.
Và cũng bởi, truyền thông độc lập, báo chí độc lập chỉ được phản ánh tốt nhất khi và chỉ khi nó phát lên tiếng nói từ trong nỗi bất công, trái luân thường đạo lý mà người dân phải buộc cam chịu. Chỉ như thế, nó mới trở thành “tiếng chuông” cảnh tỉnh và cổ vũ sự vận động từ cá thể đến nhóm, hội, đoàn người đi lên nắm quyền nhận thức, quyền làm chủ trong một xã hội dân sự.
Truyền thông – báo chí: tiếng chuông độc lập
Mặt trận truyền thông là cách thức đi đầu để thực hiện cái quyền đó. Nó trở thành mũi dùi tốt nhất phá tan bức tường mà người Cộng sản đã tạo nên thực trạng, đó là sự lãnh đạm, thờ ơ, và trốn tránh trách nhiệm.
Sử dụng truyền thông độc lập để chống lại thực trạng của truyền thông định hướng, chính là trở thành tiếng chuông để đánh thức u mê đồng bào (*).
Đoan Trang hay lớn hơn là Hội nhà báo Độc lập Việt Nam chính là những Nguyễn An Ninh thời @. Có thể Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam hay cá nhân Đoan Trang chưa thể đại diện hết cho những tay viết độc lập, nhưng nó phần nào biểu hiện cho tinh thần độc lập trong suy nghĩ, nhận thức, và quyết tâm đẩy lùi cái u mê của quần chúng nhân dân, của lớp thanh niên – trí thức, vốn là kết quả sinh ra não trạng xã hội.
Bởi rằng, hiện nay, trong giới trẻ vẫn còn tồn tại một thực tế: “Nhiều người trong số họ còn nhu nhược đến mức chỉ bị một tên quan cai trị hù dọa một chút cũng đủ để không dám đọc cả những tờ báo độc lập. Họ thật đáng thương! Từ bỏ cả quyền đọc sách báo, cái quyền cuối cùng tối thiểu mà một dân tộc còn có được, dầu đã bị bại trận, chính là tự mình chấp nhận thân phận muôn đời làm nô lệ…” (*)
Mặt trận truyền thông – báo chí mới (độc lập) do đó trở thành cơn gió thổi mới vừa làm nhiệm vụ tuyên truyền các quyền cơ bản, vừa phản ánh những bất công đang nảy sinh ra chính từ cơ chế, không gì khác hơn là giúp người dân hiểu về các quyền của mình và đủ dũng khí để ra sức bảo vệ nó.
Nguyễn An Ninh, trong “Đạo làm báo” cũng đã viết: “… Hỡi đồng bào, đồng bào không nên nhượng bộ bất cứ kẻ nào đưa chân lấn lên quyền của mình, dầu cho y có mạnh đến đâu cũng mặc… […] Và chừng đó sẽ có đấu tranh, đấu tranh trong máu và trong nước mắt…” (*)
Cũng như Nguyễn An Ninh, “làn gió thổi” tan u mê, dần xoay chuyển chế độ của ông đã khiến cho chế độ thực dân phải run rẩy, buộc răn đe, dùng cùm tay, bịt miệng, lưu đày để xử lý. Thì những người trẻ, những hội đoàn truyền thông – báo chí nảy sinh trong xã hội hiện nay cũng đang gặp phải những trường hợp tương tự như thế. Càng làm chủ mặt trận truyền thông bao nhiêu, thì sự đánh phá từ nhà nước lại càng ác liệt bấy nhiêu, từ trên mặt báo (Nhân Dân, QĐND, Công Lý…, các blog mõ, làng…) đến sự uy hiếp, đe dọa ngoài cuộc sống (mạng sống, nơi cư trú, công việc…).
Câu chuyện ra đời các hội đoàn dân sự vào năm 2013, và tiếp về sau này, là Hội Nhà báo độc lập Việt Nam (7/2014) được xem như là bước đi kế nhiệm các tờ báo vào đầu thập niên 20 (thế kỷ 20), bởi nó nhằm một mục tiêu gần như duy nhất: thức tỉnh lòng yêu nước trong nhân dân, đặc biệt là trong lớp trẻ.
Và dù việc đi trên con đường đấu tranh lấy tự do, dân chủ, đặc biệt trong sự tự do ngôn luận, báo chí còn nhiều khó khăn, gian khổ, thì: “lưỡi gươm đe dọa vẫn làm chúng tôi dửng dưng. Chúng tôi đã hy sinh tất cả trong quá khứ, chúng tôi sẵn sàng hy sinh tất cả trong tương lai…”
Bởi tương lai quốc gia không nằm trong tay một cá nhân, mà nằm trong nhận thức chuyển đổi của giới trẻ và sự kết liễu của một chế độ chuyên chế, độc tài cần có sự góp mặt rất lớn của mặt trận truyền thông độc lập.
* Nguyễn An Ninh khảng khái đáp trả thống đốc Nam kỳ là Cognacq: “Tôi chỉ muốn làm tiếng chuông thức tỉnh đồng bào tôi.”