VNTB – Đường sắt xuyên tâm ở đô thị chật chội TP.HCM

VNTB – Đường sắt xuyên tâm ở đô thị chật chội TP.HCM

Hàn Lam

(VNTB) – Đường sắt xuyên tâm này ở TP.HCM được đề xuất xây dựng… trên cầu cạn.

Theo báo cáo quy hoạch các tuyến và ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM đang được Cục Đường sắt lấy ý kiến, ga Sài Gòn (quận 3) được đề xuất trở thành trung tâm trung chuyển khách giữa nhiều loại hình như đường sắt quốc gia, metro, buýt… Xung quanh ga Sài Gòn sẽ có 3 nhà ga “vệ tinh”, gồm: Bình Triệu (ga đầu mối hành khách phía Bắc), Tân Kiên (ga đầu mối hành khách phía Nam), Thủ Thiêm (đầu mối tuyến Thủ Thiêm – Long Thành và đường sắt đô thị).

Để kết nối các nhà ga trên, đơn vị tư vấn đề xuất bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt xuyên tâm từ ga Bình Triệu – ga Sài Gòn – ga Tân Kiên đi trên cao với khổ 1.435mm. Tuyến này dài khoảng 23,6km, gồm hai đoạn.

Đoạn Bình Triệu – ga Sài Gòn (dài 7,93km): nâng cấp và cải tạo đi trên cầu cạn và hướng tuyến đi theo hành lang đường sắt thống nhất hiện hữu, chiều dài đoạn tuyến 7,93km. Đoạn này sử dụng hành lang của đường sắt cũ nên thuận lợi về giải phóng mặt bằng.

Đoạn tuyến ga Sài Gòn – Tân Kiên (dài 15,7km): xây dựng mới và đi trên cầu cạn, hướng tuyến đi theo trục hành lang đường 3 tháng 2, đến nút giao Cây Gõ, tuyến đi trên đường Hồng Bàng đến vòng xoay Phú Lâm. Tiếp đó, tuyến rẽ phải đi trên đường Bà Hom, sau đó tuyến rẽ trái và đi trên dải phân cách của đường số 7; dọc theo bờ kè của kênh Lương Bèo, tuyến vượt rạch Bà Hom, nút giao Cửu Phú, đường Tân Tạo – Chợ Đệm và đường sắt TPHCM – Cần Thơ để về ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh).

Theo đơn vị tư vấn, để làm đoạn này phải mở rộng lộ giới đường Nguyễn Thông hiện trạng 10-12 m lên 25-30 m, và đoạn tuyến chuyển từ đường Bà Hom sang đường số 7 (quận Bình Tân) đi qua khu vực dân cư nên tốn nhiều chi phí giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, dọc tuyến cần lồng ghép, phối hợp với một số công trình đường sắt đô thị như tuyến số 2, tuyến số 3a, một số cầu vượt thép như đường 3 tháng 2 và Nguyễn Tri Phương, Cây Gõ.

Phản biện đề xuất trên, một ý kiến từ Viện nghiên cứu phát triển TPHCM: “Việc xây dựng tuyến trên cao sẽ vô cùng tốn kém, chưa kể dễ làm mất cảnh quan vì chạy qua nội đô, làm giảm tầm nhìn và gây ô nhiễm tiếng ồn”.

Vẫn theo ý kiến trên, hiện TP.HCM đã có một đô thị dưới lòng đất ở ga ngầm trung tâm Bến Thành sắp hoàn tất, do vậy không cần thiết phải làm thêm một ga trung tâm ở ga Sài Gòn. Do đó, thay vì ga Sài Gòn làm đầu mối trung chuyển khách khối lượng lớn, thì chỉ nên quy hoạch lại làm ga metro.

Còn các ga đường sắt nên dừng ở bên ngoài nội đô và đã quy hoạch ở các ga Bình Triệu, Tân Kiên, Thủ Thiêm. Việc này cũng phù hợp với thực tế khu vực trung tâm hiện nay đã rất chật chội. Và TP.HCM cũng định hướng phát triển các đô thị vệ tinh lân cận, không nén vào khu vực trung tâm mà thành phố Thủ Đức là bước khởi đầu.

Một vài số liệu tham khảo để dễ hình dung hơn về các ý kiến ở trên: Ga Sài Gòn (còn gọi ga Hòa Hưng) nằm trên địa bàn quận 3, có diện tích khoảng 6,14ha. Đây là ga cuối của tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội – TP.HCM, hoạt động với hai loại hình vận chuyển chính là chở khách và hàng hóa.

Trước đây, ga Sài Gòn gốc do Pháp xây dựng tại khu vực đường Hàm Nghi nay là Trạm trung chuyển Hàm Nghi (quận 1), được khánh thành năm 1885. Năm 1911, người Pháp cho xây dựng ga Sài Gòn mới ở vị trí hiện nay là công viên 23 tháng 9 và bến xe buýt Sài Gòn, hoàn thành vào tháng 9-1915.

Năm 1978, ga Sài Gòn dời về ga Bình Triệu, đồng thời nâng cấp, tu sửa ga hàng hóa Hòa Hưng cũ thành ga hành khách Sài Gòn ngày nay. 5 năm sau, ga Sài Gòn chính thức đi vào hoạt động, khai thác.

Ga Sài Gòn hiện nay gồm có tàu khách, hàng và khu tác nghiệp kỹ thuật. Bên trong nhà ga chính có hai khu vực quầy vé. Phía trước có bãi đỗ xe máy và một phần cho ô-tô. Phía sau ga là khu vực tàu vào với 5 đường ray, bên trên có khu vực mái che. Ga có ba ke nhưng chủ yếu tác nghiệp hành khách tại hai ke cạnh đường số 2 số 3, cạnh đường số 4 và số 5.

Hiện nay, ga Sài Gòn đang tổ chức chạy 11 đôi tàu khách/ngày đêm. Dịp lễ, Tết sẽ tăng cường thêm 4 đôi tàu khách/ngày đêm (tổng là 15 đôi tàu khách/ngày đêm).

Ngày thường, lượng hành khách di chuyển bằng tàu hoả khá thưa thớt. Vào dịp lễ, Tết, hành khách đông đúc hơn do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Và mới đây, liên danh Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam và Trung tâm Tư vấn – Đầu tư phát triển giao thông vận tải có báo cáo Cục Đường sắt Việt Nam, đề xuất chọn phương án xây dựng ga Sài Gòn thành ga trung tâm hành khách của TP.HCM như đã nêu ở phần trên của bài viết.

Trong ảnh là người dân đợi tàu tại quốc lộ 13, đoạn vào ga Bình Triệu, thành phố Thủ Đức.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)