VNTB – Dương Trung Quốc: Phải đi hỏi những người không chịu từ chức

Hòa Cầm (VNTB) “Phải đi hỏi những người không chịu từ chức,” ĐBQH, nhà sử học Dương Trung Quốc đã trả lời như thế trước câu hỏi của phóng viên Phan Anh (báo NLĐ): “Ngày xưa, chuyện từ quan là bình thường nhưng xã hội ngày nay, hiếm thấy ‘các quan’ treo ấn dù không đủ năng lực, trình độ mà vẫn ngồi vị trí cao?”

Đó là một câu hỏi hay, câu trả lời của ông Dương Trung Quốc càng hay hơn nữa, vì nó khiến cho bất kỳ ai chỉ cần quan tâm một chút đến tình hình đất nước cũng nghĩ ngay đến sự kiện năm xưa.

“Thủ tướng có nghĩ đến khởi đầu từ chức?”

Trong phiên chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 14/11/2012, trước những sai phạm nghiêm trọng trong điều hành kinh tế khiến thất thoát, tham nhũng, thua lỗ, nợ nần chồng chất xảy ra, ĐBQH Dương Trung Quốc đã đặt thẳng câu hỏi: “Dư luận cho rằng Thủ Tướng đặt nặng trách nhiệm trước Đảng mà xem nhẹ trách nhiệm trước dân. Thủ tướng có nghĩ đến việc khởi đầu cho văn hóa từ chức hay không trước những hạn chế, yếu kém trong điều hành, quản lý mà thủ tướng đã nhận lỗi trước Đảng, Quốc hội và nhân dân.”

Đáp lại lời chất vấn đó, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời: “Gần suốt cuộc đời tôi theo Đảng, cách mạng, dưới sự hoạt động trực tiếp của Đảng, tôi không chạy, tôi cũng không xin, tôi không thoái thác nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước phân công. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc như đã làm trong suốt 51 năm qua.”

Và dưới sự lãnh đạo và phân công của Đảng, Thủ tướng đã không từ chức và tiếp tục điều hành kinh tế cho đến ngày hôm nay (2015), nghĩa là hết nhiệm kỳ thứ 2 của mình.

Đó là sự “liêm sỉ, tự trọng”

“Trong xã hội ngày xưa, người ta nói rất nhiều đến tính liêm sỉ. Người ta coi đó là phẩm hạnh đầu tiên của người làm quan chức. Liêm sỉ đó là gì? Là tự biết mình, tự biết xấu hổ nếu mình không làm được,” ĐB Dương Trung Quốc bày tỏ.

Ông cho Bí thư thành ủy Hội An (Quảng Nam) là người nhận thức được cái liêm sỉ đó, nên ông đặt đôi gánh vai trò xuống và để cho người kế nhiệm có năng lực hơn khuân vác, và đó chính là cái “sĩ” của kẻ làm quan, một cái sĩ quá hiếm hoi trong cái thể chế mà làm quan là một cái nghề, nơi buôn ra bổng lộc, đặc quyền, đặc lợi… trên cái xác khô của nhân dân.

GS Nguyễn Minh Thuyết khi được hỏi về văn hóa từ chức cũng cho rằng, “Nếu ai cứ được cử vào một chức vụ nào đó mà dù làm không được việc  mà vẫn “ngồi” đấy cho đến hết khóa thậm chí kéo dài nhiều khóa thì làm sao chọn được những người tài để gánh vác công việc?”

“Thiếu tính liêm sỉ, thiếu lòng tự trọng” nên mới có chuyện, cố đấm ăn xôi, bất chấp sự phỉ nhổ của nhân dân, lấy cái “tiến cử” để tiếp tục “ngồi”, bám rễ sâu vào trong ghế – không muốn dứt ra.

Một khi đội ngũ lãnh đạo, công chức nhà nước thiếu cái “nhân cách”, chỉ biết “lợi” cho bản thân thì câu chuyện từ chức vẫn là hiếm hoi, và cuối cùng… nhân dân phải lãnh hậu quả, bởi lệ và tư tưởng “Đảng cử”.

* Trước Bí thư Thành ủy Nguyễn Sự, có Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ cũng xin từ chức – vì nhận được quyết định kỷ luật cảnh cáo do  làm thất thoát hơn 100 tỷ đồng.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)