Ngọc Giàu
(VNTB) – EVFTA có thể bị tạm dừng lại nếu Việt Nam vi phạm nhân quyền.
Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) dự kiến sẽ được Quốc hội họp phê chuẩn vào ngày 20/5 – ngày đầu tiên của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
EVFTA và nhân quyền
EVFTA gợi nhớ lại cuộc chiến tranh luận, không chỉ trong nội bộ những nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam mà cả đối với giới nghị sĩ EU.
Hầu hết chỉ trích đã kêu gọi EU không thông qua với lý do Việt Nam có nhiều khiếm khuyết về nhân quyền và quyền lao động.
Ông Phạm Chí Dũng, một trong số những người tích cực kêu gọi EU hoãn phê chuẩn khi Hà Nội chưa đáp ứng được các điều kiện nhân quyền. Quan điểm của ông phù hợp với bà nghị sĩ Anna Cavanizzi, người bỏ phiếu chống với nhiều lý do, một trong số đó, “Tình hình nhân quyền ở Việt Nam vô cùng đáng lo ngại.
Bất chấp những lời hứa suông, tình hình vẫn không khá hơn: Việt Nam đã tiến hành một cuộc đàn áp tàn bạo đối với bất đồng chính kiến và lao động có tổ chức, đặc biệt là từ năm 2016.”
Trong khi Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam lại đồng quan điểm với ông Geert Bourgeois, báo cáo viên Hiệp định Tự do Thương mại với Việt Nam (EVFTA), người tin tưởng rằng “Việc thông qua sẽ thúc đẩy thêm tiến bộ về tiêu chuẩn lao động, môi trường và tôn trọng nhân quyền.”
Hiện ông Phạm Chí Dũng đang bị tạm giam với tội danh tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN, Điều 117 luật hình sự Việt Nam.
Kể từ khi uỷ ban Thương mại bỏ phiếu khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh Châu Âu – Việt Nam, ngày 21/1/2020 cho đến nay, Việt Nam tiếp tục ‘nhập kho’ thêm nhiều trường hợp liên quan đến Điều 117.
Điều 117 là một trong số những điều khoản bị các cá nhân, tổ chức quan tâm đến nhân quyền chỉ trích vì mơ hồ, không phù hợp với các cam kết về quyền dân sự chính trị của Việt Nam.
Vào tháng Giêng năm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Tờ trình gửi Liên minh châu Âu cho Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam. Nội dung có yêu cầu EU cả khi họp riêng và công khai, kêu gọi chính quyền Việt Nam: Hủy bỏ hoặc sửa đổi các điều 109, 116, 117, 118 và 331 của Bộ luật Hình sự cho phù hợp với các nghĩa vụ theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR).
EU cho đến nay chưa biểu lộ động tĩnh liên quan đến yếu tố giám sát cam kết nhân quyền tại Việt Nam, tuy nhiên quan điểm của Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện EU, Bernd Lange mang lại cơ sở báo cáo và phối hợp của các tổ chức xã hội dân sự độc lập Việt Nam với EU.
Ông Bernd Lange, từng tuyên bố: “Và cùng nó (EVFTA), chúng ta đẩy mạnh vai trò của EU tại Việt Nam và trong vùng, đồng thời đảm bảo rằng tiếng nói của chúng ta có sức mạnh hơn trước.”
“Đây là điều đặc biệt quan trọng trước những vấn đề chúng ta không đồng ý với nhau, như vai trò của báo chí tự do hay quyền tự do chính trị. Chúng tôi cũng mở rộng phạm vi để xã hội dân sự hoạt động.”
Liên quan đến vấn đề chế tài đối với cam kết nhân quyền, Nghị viện EU sau khi chính thức thông qua hiệp định thương mại tự do với Việt Nam có thể bị tạm ngừng nếu có vi phạm nhân quyền” trong tương lai.
Tiếp theo câu chuyện là gì?
Việt Nam đang tiến hành đại hội đảng các cấp, là thời điểm bộ máy an ninh Việt Nam hoạt động hết công suất để giữ gìn an ninh quốc gia (trấn áp bất đồng chính kiến).
Sau khi được Quốc Hội Việt Nam phê chuẩn liệu sẽ có thay đổi gì căn bản trong cách hành xử này hay không, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào các cá nhân và tổ chức xã hội dân sự trong nước chủ động duy trì quyền đến đâu.
Tiếng nói của EU trong bảo vệ vai trò của báo chí tự do, quyền tự do chính trị và mở rộng phạm vi để xã hội dân sự hoạt động không đi vào thực chất nếu như tiếng nói và báo cáo nhân quyền từ chính các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam không tiến hành liên tục mỗi khi có vi phạm xảy ra và không nỗ lực đòi hỏi quyền được hoạt động ôn hoà.
Hội nhà báo độc lập Việt Nam sau sự kiện ông Chủ tịch bị bắt giam và khởi tố, từ sau tết một số thành viên thuộc tổ chức nghề nghiệp này được mời-triệu tập lên cơ quan an ninh điều tra các tỉnh thành làm việc.
Theo chia sẻ từ một thành viên cao cấp thuộc hội nhà báo độc lập Việt nam, hội đang tiếp tục nỗ lực làm việc chặt chẽ, liên tục hơn với EU trong diễn biến, vấn đề liên quan đến ông Phạm Chí Dũng và thành viên của hội, ngoài ra cũng đề cập đến những trường hợp bên ngoài hội để đảm bảo EU có cái nhìn rõ ràng hơn đối với cam kết nhân quyền trong EVFTA, trong đó có quyền lập hội, quyền tự do báo chí – hai trong số những chủ đề nhân quyền mà EU – Việt Nam còn chưa đồng ý với nhau.
“Chúng tôi đang nỗ lực hết sức trong bảo vệ thành viên trong lúc duy trì bày tỏ quan điểm ôn hoà, tránh đối kháng thể chế trong các vấn đề thuộc xã hội, nền kinh tế và đôi khi là chính trị.
Thịnh vượng xã hội và cả nền kinh tế của chúng ta phụ thuộc vào những công dân có hiểu biết để tồn tại. Bên cạnh sự tiến bộ của khoa học và đạo đức nói chung, tự do báo chí là xương sống của điều đó.”
Tương lai nhân quyền Việt Nam sẽ khó đoán hơn nhiều, tình hình kinh tế khó khăn của Covid và tiếng nói của EU ‘mạnh’ đến đâu, chế tài EVFTA khi vi phạm nhân quyền diễn ra như thế nào, uy tín của nghị sĩ Geert Bourgeois và nghị viện EU sẽ được đánh giá tốt lên hay xấu đi phụ thuộc tần suất bị bắt giữ và tuyên án liên quan tội danh an ninh quốc gia thời gian tới.