Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hàng không VN liên tục tai nạn, sự cố, vì sao?

Nguyễn Đình Ấm

 

(VNTB) – Ngoài thảm họa dịch  corona Vũ Hán chưa qua, ngành HKVN cũng đang đứng trước thảm họa mất an toàn nếu không có biện pháp ngăn chặn sớm.

 

12h10 ngày 14/6/2020 máy bay A321 chở 217 hành khách của Vietjet Air từ Phú Quốc về Tân Sơn Nhất hạ cánh bị chệch đường băng suýt gây tai nạn khủng khiếp.

Tai nạn cỡ cấp 2 này của A321 nối dài thêm các sự cố, tai nạn của Hàng không Việt Nam (HKVN).

Trước đó, máy bay của Vietnam Airlines hạ cánh nhưng không thả cành đáp ở Melbourne may nhờ không lưu địa phương nhắc nhở mới thoát nạn, máy bay của T’Way Air (Hàn Quốc) bị móm đầu do va phải vật thể bay không người lái, máy bay xẹp lốp, bốc khói, văng lốp khi hạ cánh ở Tân Sơn Nhất, hai lần máy bay của Vietnam Airlines và Vietjet Air hạ cánh nhầm đường băng ở Cam Ranh…

Ngoài các sự cố, tai nạn máy bay cũng có những biểu hiện nguy hiểm về an ninh như bỏ lọt hành khách đã làm thủ tục nhưng không bay, người tâm thần đột nhập lên khoang máy bay nhởn nhơ như “chỗ không người” ở sân bay Vinh, hành khách quậy phá, trộm cắp trên máy bay…

Thời gian gần đây hiện tượng mất, uy hiếp an toàn bay diễn ra dày đặc hơn trước.

Đây là những biểu hiện cực kỳ nguy hiểm của giao thông hàng không mà theo tôi là từ thực hiện tổ chức, quy trình, tiêu chuẩn, pháp luật về an ninh, an toàn hàng không lỏng lẻo… Theo tôi, hầu hết các vụ tai nạn, sự cố trên là do con người.

Ví dụ vụ máy bay chạy hãm đà trật đường băng ở Tân Sơn Nhất  hôm 14/6 là do tổ lái và không lưu Tân Sơn Nhất. Hiện nay HKVN được trang bị hệ thống quan sát khí tượng hiện đại được nối mạng toàn cầu không khó gì để thấy tại Tân Sơn Nhất thời điểm đó mưa bão máy bay khó hạ cánh nhưng sao không bay vòng chờ khi qua cơn lốc hoặc bay đến sân bay dự bị?

Theo quan sát thì A321, VJ322 đã hạ cánh trúng đường băng sau mới chệch ra ngoài khoảng 20m một là gió cạnh quá mạnh thổi bạt MB ra rìa, hai là phi công xao nhãng không giữ chắc chắn cho máy bay chạy thẳng khi đường băng trơn, ướt. Với máy bay hiện đại ngày nay vai trò của phi công chỉ cần thiết nhất khi máy bay hạ, cất cánh.

Những gì đang xẩy ra theo tôi từ các nguyên nhân: 

– Chất lượng phi công không đảm bảo.

Việc hạ cánh nhầm đường băng,hạ cánh thô dẫn đến nổ lốp bánh đáp, hạ cánh chệch đường băng, điểm đáp, hạ cánh không thả càng đáp… là do trình độ phi công thấp hoặc xao nhãng, bất cẩn khi cầm lái. Theo tin tôi nhận được thì tiêu cực trong việc tuyển dụng, thi lấy bằng, chuyển loại, thuê phi công nước ngoài ở HKVN chưa bao giờ dẹp được.

Trước đây có trường hợp người ta thuê anh phi công lái máy bay ATR42 Congram (người Úc) để lái máy bay ATR72 của HKVN. Chỉ khi anh này suýt gây tai nạn thảm khốc mới phát hiện ra.

– Máy bay nổ lốp bánh đáp, bánh đáp bị tuột văng ra ngoài… là do công tác kiểm tra, bảo dưỡng mặt đất.Càng đáp máy bay có chốt hãm rất chắc nếu được kiểm tra kỹ lưỡng thì không bao giờ có chuyện bị tuột văng ra… Tôi được thông tin ở hai xưởng bảo dưỡng ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất lâu nay có hiện tượng mội số công nhân sửa chữa tham gia “phong trào bài bạc rất sôi nổi”.  Việc các hãng hàng không phát triển quá nhanh, giành giật nhau nhân lực, thuê nhiều nhân lực đã nghỉ hưu kém sức khỏe… cũng có thể là một nguyên nhân.

– Tổ chức giám sát an ninh, an toàn HKVN không kham nổi sự hoạt động và phát triển của ngành. Hiện nay cơ quan quản lý nhà nước ngành HKVN là bộ giao thông vận tải và cục HKVN. Tuy nhiên mọi công việc hầu như chỉ có cục HKVN nhỏ bé như vô số các cục của các ngành khác quản lý, giám sát mọi hoạt động tiêu chuẩn,  an ninh, an toàn trải rộng khắp cả nước và nhiều châu lục là quá sức.

Đã thế, chế độ lương không phù hợp, cán bộ của cục “phán xét” này thường phải nhờ vả nhiều vào các hãng HK như xin vé miễn cước…dễ phát sinh tiêu cực, nể nang, thiên vị trong trong việc phán xét, nhân nhượng tiêu chuẩn khai thác, an toàn…

Theo phản ánh của khách đi máy bay từ 1/10/2019 chủ trương không phát loa thông báo ở các nhà ga có rất nhiều người đã làm thủ tục bị lỡ chuyến bay do không biết giờ ra máy bay, ra cửa nào…

Việc phát loa ở các ga HK gây tiếng ồn mất văn minh nhưng dân VN ít đi máy bay chưa quen, khó phát hiện những chữ tiếng Anh viết tắt hoặc vô số những bảng thông báo của sân bay, các hãng HK, các chuyến bay đi các sân bay…nhưng các hãng, cảng HK chưa có biện pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng khách không đi máy bay khi đã làm thủ tục check in.

Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại cho hành khách, lộn xộn ở sân bay mà còn vi phạm an ninh, an toàn. Nếu một kẻ phá hoại gài chất nổ vào hành lý ký gửi rồi ra về mà an ninh soi chiếu không phát hiện ra thì sao?

Theo ý kiến xin giấu tên của một số CBNV ngành HKVN, bộ Giao thông vận tải “ôm” ngành HKVN nhưng họ không hiểu gì về HK, chẳng có tác dụng gì mà có khi là “gánh nặng”: phải nhận nhiều nhân viên “do trên gửi gắm”, thăng quan chức “loạn cào cào không theo quy hoạch” văn bản đệ trình chậm phê duyệt…

Thời ông Đinh La Thăng,  cán bộ nhân viên  Tổng Công ty  Hàng không Việt Nam  phải nộp 2 ngày lương(cả chục tỷ) cho bộ “không biết vào việc gì”, hàng tỷ đồng cho giải trí …

Ngoài thảm họa dịch  corona Vũ Hán chưa qua, ngành HKVN cũng đang đứng trước thảm họa mất an toàn nếu không có biện pháp ngăn chặn sớm.

 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Bamboo Airways “nợ” lương phi công

Do Van Tien

VNTB – Phong trào phá đình, chùa ở quê tôi

Do Van Tien

VNTB – Đến bây giờ rất nhiều người vẫn chưa hiểu bản chất vụ ĐồngTâm

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo