Hiền Lương
(VNTB) – “Tất cả các bị cáo, kể cả các vụ khác, lúc đầu thì cãi, cũng cho rằng thế nọ thế kia, rồi có ý kiến xuyên tạc cho rằng đây là đấu đá nội bộ nhưng sau đều tâm phục khẩu phục, thậm chí cảm ơn, cho đi tù còn cảm ơn”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.
Phát biểu như trên của ông Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khiến người ta liên tưởng tới nhân vật được mệnh danh là đệ nhất tham quan Hòa Thân, mà khán giả Việt Nam biết đến qua các phim bộ Trung Quốc chiếu trên truyền hình Việt Nam gần như quanh năm, suốt tháng – kể cả luôn mấy ngày Tết nguyên đán.
Trong phim Tàu, người ta hay thấy mỗi khi có quan lại nào đó bị vua ban chiếu xử lưu đày, thậm chí cả xử trảm, luôn thường có nghi thức cúi đầu lạy tạ cảm ơn về chiếu chỉ vua ban (!?).
Hòa Thân, vị tham quan số một của lịch sử các triều đại phong kiến ở Trung Hoa, tương truyền sau khi bị hạch tội, hoàng đế Gia Khánh đã ra chỉ dụ kết án Hòa Thân xử lăng trì, tịch thu gia sản. Tuy nhiên sau đó, Gia Khánh lại quyết định miễn cho Hòa Thân khỏi một cái chết đau đớn, thay vào đó bắt ông ta tự vẫn tại phủ ngày 22 tháng 2 năm 1799, tha cho gia đình Hòa Thân.
Hòa Thân đã lạy tạ biết ơn khi nhận chiếu chỉ miễn cho cái chết đau đớn đó, và cả lạy tạ hoàng đế Gia Khánh lúc nhận án xử lăng trì – tức sẽ bị xẻo hàng ngàn miếng thịt trên người, chịu đau đớn cực hạn trước khi cái chết ập đến.
Sự giàu có của Hòa Thân vốn đã nổi tiếng, nhưng kết quả lúc tịch thu gia sản còn làm cho mọi người kinh ngạc hơn. Bản tịch biên gia sản rất dài ghi đủ các thứ vàng bạc châu báu, gấm vóc… không thể nào đếm xuể, tính ngang với số thu nhập của triều đình trong mười lăm năm. Sau này nghe nói, số lớn của cải châu báu tịch thu được đều được hoàng đế Gia Khánh cho người đến chuyên chở về cung. Vì thế trong dân gian có câu nói châm biếm vần miệng là: “Hòa Thân bị đổ, Gia Khánh vớ bở”.
Có gì giống nhau giữa quan tham Trung Quốc như Hòa Thân với các ‘quan tham’ của Việt Nam hiện nay?
Nhiều sử sách nhắc đến việc, khi bắt đầu sự nghiệp làm quan, Hòa Thân đề cao sự thanh bạch, liêm minh. Thậm chí, ông còn đích thân vạch trần nhiều tham quan. Tuy nhiên, khi địa vị ngày được củng cố, bên cạnh đó là sự yêu chiều của vua, ông không còn kiểm soát được bản thân.
Đời sống chính trị ở Việt Nam cũng không khác gì mấy, khi lúc ban đầu những ‘quan tham’ đều là các ‘hạt giống đỏ’ được trải qua quá trình ‘cơ cấu’ nhân sự bài bản của đảng cầm quyền. Trong suốt quá trình ‘làm quan’, họ hơn hẳn các vị quan lại phong kiến bên Trung Quốc, là năm nào họ cũng phải buộc qua nhiều lớp bồi dưỡng về “Tư tưởng Hồ Chí Minh” trong vị trí lúc thì là học viên, khi được làm giảng viên để rao giảng đạo đức cách mạng. Hàng năm, họ còn phải trải qua kỳ lấy phiếu tín nhiệm với 3 mức: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.
Thế nhưng nhiều quan chức vẫn trở thành ‘quan tham’ khi quyền lực đã được vững chắc, họ cũng học đòi như Hòa Thân là không ngại công khai việc bản thân nhận hối lộ, tống tiền các viên quan nhỏ. Không chỉ vậy, những Hòa Thân ở nước Việt cùng các ‘nhóm lợi ích’ còn ra sức vơ vét của cải, dù cho đó là tiền cứu đói, hay quốc khố quân sự, dù ‘triều đại Đảng – Nhà nước’ liên tục bị giặc phương Bắc quấy nhiễu, xâm lấn biển đảo…
Dân Việt mê tuồng tích Tàu có thắc mắc, không biết ông Trọng toan tính sắm vai Càn Long, hay ông muốn làm luôn cả vai Gia Khánh?
Theo báo chí Việt Nam tường thuật, thì ông Trọng tự tin nói rằng “Cho đi tù còn cảm ơn. Chúng ta làm rất nhân văn”.Ông nói vụ án Mobifone mua AVG là một điển hình vì xử nhiều cán bộ, gồm cán bộ cao cấp “2 ủy viên trung ương, 2 bộ trưởng, rồi bao ông có tiếng tăm ở đây. Ra trước tòa lúc đầu thế nào, sau thế nào. Ăn năn, hối lỗi, xin lỗi”. Và việc sau khi bị đề nghị án tử hình thì gia đình bị cáo nhanh chóng nộp lại 3 triệu USD là “cho thấy có tác dụng răn đe, cảnh báo, có tính chất rất chiều sâu”.
“Tất cả các bị cáo, kể cả vụ khác, ban đầu bị cáo cho là thế này thế kia, xuyên tạc, đấu đá, nhưng sau đó thì tâm phục khẩu phục, thậm chí là cảm ơn. Cho đi tù còn cảm ơn. Chúng ta làm rất nhân văn”. Ông Nguyễn Phú Trọng tự khen ngợi mình như vậy.
Giả dụ như có một Hòa Thân của hôm nay, có lẽ vị đệ nhất tham quan này đã thoát cả xử lăng trì lẫn dãy lụa tự vẫn, vì tài sản của Hòa Thân được đánh giá tương đương với tổng thu nhập tài chính trong 15 năm của triều Thanh.