Phạm Đoan Trang (VNTB) – “Chúng tôi muốn bày tỏ sự cảm phục sâu sắc đến các vị, vì sự dũng cảm và cam kết dấn thân của các vị. Chúng tôi rất muốn được tiếp tục thảo luận về chủ đề “phong trào tự ứng cử ĐBQH ở Việt Nam” trong những dịp gặp gỡ sau”.
Sáng 24/2, tại quán cà phê Molstar Café, số 19 Lê Thanh Nghị, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Chi hội Miền Bắc của Hội Nhà báo Độc lập tổ chức họp mặt đầu xuân với sự tham dự của các Hội viên trong Chi hội, cảm tình viên của Hội và những quan chức từ các cơ quan ngoại giao phương Tây ở Hà Nội.
Một số cây bút quen thuộc với độc giả của Việt Nam Thời Báo (trang báo của Hội, với lượng truy cập đạt hơn 130.000 mỗi ngày) đều có mặt. Nhà báo Đỗ Đăng Bắc phải vượt quãng đường dài từ Thành phố Hạ Long về Hà Nội tham dự, Phạm Mạnh Tuân từ Bắc Ninh xuống.
Cuộc họp có sự hiện diện của những nhà ngoại giao từ sứ quán các nước vốn vẫn ủng hộ và cổ súy cho phong trào dân chủ ở Việt Nam, như ông David Muehlke (Bí thư thứ nhất ĐSQ Mỹ), bà Kari Eken Wollebaek (Na Uy), bà Victoria Rhodin Sandstrom (Thụy Điển), ông Felix Schwarz (Đức)…
Ngoài việc mừng năm mới Bính Thân 2016, chủ đề chính của cuộc họp mặt tập trung vào cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 với việc xuất hiện một loạt ứng cử viên độc lập – tức những người tự ứng cử vào Quốc hội mà không thông qua sự đề cử của Mặt trận Tổ quốc hay các cơ quan Đảng và Nhà nước. Trước sự quan tâm đặc biệt của các quan khách ngoại giao về chủ đề này, nhà báo J.B. Nguyễn Hữu Vinh đã rất nhiệt tình chia sẻ kiến thức và các kinh nghiệm cá nhân liên quan đến việc bầu cử và tự ứng cử Quốc hội ở Việt Nam.
“Quyền bầu cử và quyền ứng cử đều đã được quy định ngay từ bản hiến pháp đầu tiên của Việt Nam, Hiến pháp 1946” – ông Vinh nói. “Năm 1946 cũng là năm mà người dân Việt Nam có cuộc bầu cử dân chủ nhất từ trước đến nay, và từ cuộc bầu cử đó, họ đã thành lập Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với đại diện của ít nhất ba đảng: Dân chủ, Xã hội, và Cộng sản”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Vinh cũng khẳng định, kể từ đó và nhất là từ sau năm 1975, đảng Cộng sản đã dần dần nắm độc quyền kiểm soát Quốc hội, giải tán, xóa sổ các đảng phái khác. “Ngày nay, Quốc hội có 500 đại biểu, nhưng số đại biểu ngoài Đảng có thể đếm trên đầu ngón tay”.
Ông Vinh chỉ ra một thực tế: “Nghị quyết của Quốc hội bị đặt dưới nghị quyết của Đảng. Đảng Cộng sản chi phối mọi hoạt động của Quốc hội. Các vấn đề lớn, nếu muốn được đưa ra thảo luận ở Quốc hội, thì phải được ít nhất 20% số đảng viên Cộng sản đồng ý. Kết quả là Quốc hội bỏ ngoài tai tất cả những lời phê bình, phản biện, khiếu nại, oán thán của người dân”.
Các nhà báo của Hội cũng nhấn mạnh việc đảng Cộng sản kiểm soát chặt chẽ quyền ứng cử của người dân, khi họ sử dụng cơ chế “Đảng cử dân bầu” để cho người của Đảng vào Quốc hội, và tổ chức “hiệp thương” đấu tố tập thể, cản phá những ứng cử viên độc lập. Ông Nguyễn Hữu Vinh từng có kinh nghiệm trong lần chứng kiến cuộc “đấu tố” của chính quyền đối với luật sư Lê Quốc Quân khi ông Quân tự ứng cử vào Quốc hội khóa 13 (năm 2011).
Kỳ bầu cử Quốc hội lần này, Hội Nhà báo Độc lập có hai thành viên đứng ra tự ứng cử, là cây viết phản biện Nguyễn Tường Thụy ở Hà Nội và nhà thơ phản kháng Bùi Minh Quốc ở Đà Lạt. Cả hai ông đều quá hiểu cơ chế mà Đảng Cộng sản sử dụng để loại bỏ ứng viên tự do, nên ít có hy vọng trúng cử. Nhưng mục đích của các ông còn là khẳng định quyền tham gia chính trị của công dân và vạch rõ bản chất của cuộc bầu cử “dân chủ” theo kiểu “Đảng cử dân bầu”.
TS. địa vật lý, nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Nguyễn Thanh Giang, cũng chia sẻ câu chuyện ông đứng ra ứng cử vào quốc hội năm 1992 (khóa 9). Lực lượng công an đã rất “nhiệt tình” kéo đến cơ quan ông – Tổng cục Địa Vật lý – để gây sức ép, buộc cơ quan phải bỏ phiếu bất tín nhiệm ông, khiến ông không thể vào được vòng hiệp thương, mặc dù trước đó, có đến 96% số phiếu của cử tri ở tổ dân phố ủng hộ ông.
Các vị khách ngoại giao đều chăm chú lắng nghe, thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới phong trào tự ứng cử ĐBQH Khóa 14 ở Việt Nam.
Thay mặt các vị khách ngoại giao, ông David Muehlke, Bí thư thứ nhất ĐSQ Mỹ, cảm ơn Hội Nhà báo Độc lập, Chi hội phía Bắc, và nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn bày tỏ sự cảm phục sâu sắc đến các vị, vì sự dũng cảm và cam kết dấn thân của các vị. Chúng tôi rất muốn được tiếp tục thảo luận về chủ đề “phong trào tự ứng cử ĐBQH ở Việt Nam” trong những dịp gặp gỡ sau”.