VNTB – Khi giáo viên cũng… làm luật

VNTB – Khi giáo viên cũng… làm luật

Út Sài Gòn

 

(VNTB) – Câu chuyện được bàn luận tại một xóm nhiều chuyện nhỏ ở Sài Gòn. Đó không phải là một vấn đề to tát gì về chính trị, về đại hội sắp tới; cũng chẳng phải là vấn đề quá nóng đang diễn ra.

 

Đó cũng chỉ là một câu chuyện nhỏ, nhỏ đến mức mà nó xảy ra, không ai để ý đến. Để rồi riết thành quen, dần dà, có vẻ như “phép vua thua lệ làng”.

– Thiệt là chẳng biết phải làm sao bây giờ luôn.

– Có chuyện gì mà biết với không biết vậy anh Tám?

– Thì thằng cháu tui nè, nó đang theo học cấp 3 ở một trung tâm tại quận Phú Nhuận, thành phố Bác. Vừa rồi cô giáo bắt nó viết bản kiểm điểm, rồi đe dọa nó, nếu tái phạm sẽ đình chỉ học tập một tuần.

– Ái chà, chuyện thường tình ấy mà. Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò mà, xuống phòng giám thị viết kiểm điểm là chuyện rất ư bình thường. Mà chắc cháu ông quậy phá lắm mới đe dọa như vậy đúng không?

– Nào có quậy phá chi đâu, nó lo học thôi. Mà cô giáo dạy Văn,  cũng là giáo viên chủ nhiệm của nó có hành động làm tui có cảm giác như không khuyến khích em nó học.

Ông nghĩ coi, ngày chủ nhật, nó đi học luyện thi chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp tới. Bữa đó nghe nói trường có phong trào gì đó, không yêu cầu tất cả học sinh phải đi. Vậy mà cô giáo dạy Văn của nó yêu cầu phải đi cho hết lớp. Nó lên xin cô, kêu không đi được vì bận đi học. Cô không cho luôn. Buộc phải đi, không đi phải viết đơn xin nghỉ học.

Mà tui thấy phi lý vô cùng, chủ nhật thường học sinh được nghỉ mà. Đó là chưa kể trường không bắt buộc phải đi hết. Nếu cô giáo dạy Văn của nó kêu mấy em bữa đó lên trường cô phụ đạo thêm kiến thức cho mấy em để chuẩn bị thi đại học thì còn tạm chấp nhận được. Đằng này…

– Vậy có khác gì không khuyến khích mấy em học hành đâu? Tại sao học sinh có chí học như vậy mà còn không khuyến khích nó ông nhỉ? Mấy cái phong trào, không tham gia cái này thì tham gia cái khác. Mà lớp 12 rồi, cũng nên tập trung cho việc học chứ.

– Thì đó. Vừa rồi trường nó tổ chức đi Đà Lạt. Lúc đầu tui cũng khuyến khích nó đăng ký vì năm nay cuối cấp, lưu giữ kỷ niệm với bạn bè. Nhưng rồi có ca bệnh ở thành phố, có học sinh ở trung tâm từng làm ở quán ăn mà ca bệnh đó ghé. Thành ra tui kêu nó thôi gác chuyện đi chơi qua một bên đi. Đúng là có phần lỗi tui vì tui thấy nhiều trường đi chơi, học sinh thường được nghỉ. Ai dè đâu trường nó ngoại lệ, đi học. Thành ra cháu tui nghỉ không phép.

– Vậy là lỗi cháu ông rồi.

– Đúng là một phần lỗi do mình ỷ y, hơi duy ý chí. Song thiết nghĩ, dù đi học hay được nghỉ, giáo viên cũng nên thông báo cho mấy em một tiếng chứ. Lúc tui hỏi nó, vậy nghỉ hay đi học, nó kêu không biết, không nghe nói gì hết.

– Trường không thông báo gì luôn hả ông?

– Nghe nói có nhắn tin qua cái App gì gì đó. Nhưng mà ông nghĩ coi, đúng là thời buổi của phát triển công nghệ thông tin, song đâu phải ai cũng biết xài cái gọi là xì-mắc-phôn, rồi còn App này nọ. Rồi ông bà già nó ở quê, quanh năm gọi là “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, cuộc gọi nhỡ còn không biết coi, huống gì tin nhắn qua App.

– Mà sao không thông báo trực tiếp cho mấy em luôn cho gọn, nhắn tin chi không biết. Nào giờ biết bao thế hệ cũng thông báo trên lớp rồi báo bài, dặn dò, cũng thành công như ai, có sao đâu? Cải tiến chi cho rắc rối, đụng chuyện đổ thừa qua cho phụ huynh.

– Thì đó, vụ đó mình không biết, cô giáo dạy Văn của nó hăm đình chỉ học tập.

– Muốn đình chỉ học tập cũng phải tuân theo luật pháp chứ không phải cô giáo muốn làm gì thì làm đâu à nha. Việt Nam là đất nước có pháp luật đó nhen.

– Mà giờ không ai nói hay phản ánh, pháp luật chắc gì soi rọi tới đâu ông Út? Họ muốn làm gì thì làm thôi. Phụ huynh nói thì con em bị ghét, khó học hành.

– Không mà anh an tâm đi, tui tin chính quyền sẽ có những biện pháp giải quyết các vấn đề này mà. Chuyện lớn hơn còn giải quyết cái rột, huống chi mấy cái xíu xiu này…

– Ừ, cũng hy vọng là vậy. Nói xíu xiu chứ hậu quả gây ra là khôn lường lắm à nghen…

Có thể nói, câu chuyện ở một xóm nhỏ tuy không mới nhưng cũng không cũ. Một cái vòng lẩn quẩn, giáo viên không phải là thánh, cái gì cũng biết, song nếu phụ huynh phản ứng, họ cũng sợ rằng con cái mình sẽ bị đì, khó “sống” trong lớp học, nhất là đối với giáo viên chủ nhiệm.

Thiết nghĩ, thay vì nói những chuyện xa xôi, tính những chuyện vĩ mô, tại sao không thử tốn một khoản thời gian cho việc rà soát lại những vấn đề nhỏ? Phải làm sao để phụ huynh có thể góp tiếng nói thay đổi mà không sợ ảnh hưởng đến việc học hành của con cái?

Nhận được có vấn đề gì, báo chí có thể xuống truy vấn, song liệu được bao nhiêu lần? Và ai dám đảm bảo sau lần đó sẽ không có lần hai, lần ba khi không được giải quyết một cách triệt để?

Giáo dục là một mảng có thể nói là vô cùng quan trọng, “dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” cơ mà.

Vấn đề nhỏ xíu còn không giải quyết được, tính chi xa xôi đến những việc lớn lao.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)