Việt Nam Thời Báo

VNTB – Không báo chí tư nhân vẫn đảm bảo tự do ngôn luận?

Trần Dzạ Dzũng

(VNTB) – “Lâu nay người dân đã giám sát phản biện trên báo chí nhưng có thể chưa nhiều. Một khi chúng ta quy định trong luật rồi, người dân sẽ nhận thức đầy đủ hơn về quyền của mình để thực thi quyền ấy trong thực tiễn cuộc sống. Đó là điều rất có ý nghĩa trong việc thực thi quyền tự do ngôn luận của công dân”.

Phát biểu ở trên là của một cựu lãnh đạo Hội Nhà báo TP.HCM: “Tuy không cho phép thành lập báo chí tư nhân nhưng hiện chúng ta có hàng ngàn ấn phẩm báo chí của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội hội nghề nghiệp đại diện cho người dân đủ sức là diễn đàn để người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình. Với thực tế như vậy không có vướng mắc gì trong việc thực thi quyền tự do ngôn luận của công dân”.

Không được nhẹ nhàng như phát biểu trên, một quan chức khác thuộc khối báo Đảng, nhận định với tâm thế ‘thiếu tự tin’: “Những năm gần đây, hội nhập quốc tế ngày càng nhanh và mạnh mẽ, các quan điểm, xu hướng mới du nhập vào nước ta là tất yếu, không thể tránh khỏi và quá trình này cũng là “thời cơ” để các thế lực thù địch lợi dụng đẩy mạnh âm mưu “diễn biến hòa bình”.

Trong lĩnh vực báo chí, chiêu bài “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí” trở thành “vũ khí” để các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng chống phá ta trên mặt trận tư tưởng. Chính vì vậy, bảo đảm tự do ngôn luận, tự do báo chí là yêu cầu quan trọng, cấp thiết, là cơ sở vững chắc để tránh “bẫy tự do báo chí” của các thế lực thù địch trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế của nước ta”.

Theo vị nhà báo quan chức Đảng, thì, cứ việc “Thực hiện tốt nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý báo chí sẽ bảo đảm cho sự thống nhất về tư tưởng, giúp báo chí hoàn thành nhiệm vụ chính trị, không bị động trước sự tấn công của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trên mặt trận tư tưởng, tránh được “bẫy tự do báo chí”, đồng thời bảo đảm tự do ngôn luận, tự do báo chí và thúc đẩy sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập quốc tế”.

Tuy nhiên có một luồng ý kiến trái ngược cũng đứng trên lập trường chuyên chính của người cộng sản, đại ý có phản đề thế này:

“Trước kia, do lề trái của lĩnh vực kinh tế là kinh tế tư nhân trong con đường đi tới xã hội tốt đẹp bị rào lại, nên đã xảy ra hiện tượng “phá rào”, tạo nên thành phần kinh tế tư nhân trước khi đổi mới (1986).

Hiện nay, việc phá rào của báo chí trong lĩnh vực văn hóa là báo chí tư nhân, hay việc lập ra các tổ chức chính trị, xã hội độc lập trong lĩnh vực chính trị, xã hội là các hiện tượng tất yếu khách quan, không thể tránh khỏi.

Báo chí tư nhân trong các lĩnh vực văn hóa, như văn học, nghệ thuật, y tế, giáo dục… chính là các giác quan bên trái của con người, văn hóa “đa dạng” của quốc gia.

Trong thể chế quốc gia mà thiếu báo chí tư nhân sẽ làm cho văn hóa trở nên “đơn dạng”, đơn điệu, ngày càng xuống cấp về các chuẩn mực; điều đó cũng chẳng khác nào con người bị khiếm thính, khiếm thị… cả khuyết về khiếu giác, còn quốc gia thì bị khiếm khuyết về giáo dục, y tế, văn học, nghệ thuật….

Do vậy, những người lãnh đạo có chức trách của quốc gia cần phải nhận thấy rõ sự đa dạng khách quan của văn hóa, trong đó có báo chí, nhận thức rõ chức năng của các loại hình báo chí, xây dựng các đạo luật và phương pháp quản lý báo chí đúng đắn, phù hợp, nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập trong xu thế toàn cầu hóa”.

Vậy thì câu trả lời rõ ràng ở đây, là để bảo đảm tự do ngôn luận với quyền được nói, được biết không phải chịu sự giới hạn của định hướng trong tuyên truyền từ cơ quan Tuyên giáo Trung ương đối với báo chí, đương nhiên là rất cần đến việc chấp nhận cạnh tranh của báo chí tư nhân, hoạt động theo luật pháp chung, không chịu bất kỳ ràng buộc định hướng nào khác ngoài pháp luật.

***

Về tự do báo chí

Phan Đăng Lưu

Tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền, vì nhiều lẽ:

1. Khi các báo được tự do xuất bản thì chỉ những tờ báo có dân chúng ủng hộ mới có thể sống, còn không thì chết hoặc sống ngắc ngoải, chẳng có ảnh hưởng gì đáng sợ.

2. Một tờ báo đã sống, đương nhiên nó đại diện cho một tầng lớp dân chúng, nó diễn đạt tất cả hoài vọng và chí hướng của đám dân ấy. Nhà cầm quyền muốn cai trị được hoàn thiện, không thể bỏ qua những hoài vọng hoặc chí hướng của đám dân này. Tất nhiên cũng cần đọc hết tờ báo ấy.

3. Một tờ báo nói vượt qua trình độ dân chúng, kêu gào dân chúng làm những việc tày trời không bao giờ dẫn đạo được dân chúng, sẽ bị dân chúng gạt qua bên mặt trận nghịch thù.

4. Một tờ báo sống một cách mạnh mẽ, có ảnh hưởng trong dân chúng, đưa ra những vấn đề trái ngược với quyền lợi của nhà cầm quyền, cũng chẳng có hại cho cuộc trị an. Nó chỉ là một tiếng còi báo trước cho chánh phủ hãy thay đổi chính sách cai trị đi để chuộc lòng dân.

Căn cứ vào những lẽ đó, chúng tôi quả quyết rằng tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền. Có hại chăng là một chánh sách cai trị hẹp hòi, đi ngược với sự tiến hóa của dân chúng mà thôi.

Báo Dân Tiến (số ra ngày 10-11-1938)

* Phan Đăng Lưu (1902-1941) là nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tin bài liên quan:

VNTB – Sự kiện trường THPT Kiến Tường: Giá trị cốt lõi để hình thành nên một nhân phẩm tốt là gì?

Phan Thanh Hung

Không lấy tiền nhà nước ra báo rồi ‘bán cái’ cho tư nhân

Phan Thanh Hung

VNTB – Vì sao nên khuyến khích báo chí phát triển?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.