Việt Nam Thời Báo

VNTB – Không có tử thi thì làm sao giám định pháp y?

 

Cát Tường

 

(VNTB) – Phải có tử thi thì pháp y mới có quyền xác định một ca tử vong…

 

Pháp y xác định tử vong nhằm phục vụ cho việc xác lập tính pháp lý của 1 sự chết.

“Thấy xác thì bác sỹ pháp y quyết. Không thấy xác thì quan tòa quyết theo luật, ít nhất sau 2 năm không tìm thấy thi thể, hoặc không thể xác định thi thể nạn nhân. Còn vụ ông chủ tịch tỉnh như Đồng Tháp tuyên bố về sự chết, thì có lẽ là lần đầu tiên ở xứ Việt” – luật sư Ngô Thị Hoàng Anh nhận xét.

Pháp lý về tuyên bố cái chết

Theo luật sư Hoàng Anh, thì một người bị tuyên bố chết khi bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm kể từ ngày sự kiện đó chấm dứt mà không có tin tức gì xác thực là người đó còn sống hay đã chết.

Người đó được xác nhận là một trong số những người có trong tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai như cư dân trong vùng bị động đất, núi lửa, sóng thần; hành khách trong các tai nạn giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không; người trong hầm, lò, mỏ bị sập hoặc hư hỏng… mà không xác định được hoặc do không tìm thấy thi thể nạn nhân.

Chi tiết hơn, theo luật sư Hà Nguyên thì trường hợp đứa bé ở Đồng Tháp, thì việc tòa án xác định ngày chết của một người khi có yêu cầu theo Điều 71 Bộ luật dân sự năm 2015, đó là xác định “ngày chết về pháp lý”, không phải là “ngày chết thực tế”.

Khoản 1 Điều 71 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định các trường hợp người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết, có nghĩa là nếu yêu cầu đáp ứng đủ các điều kiện của một trong các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 71 thì tòa án phải thụ lý đơn yêu cầu.

Khoản 2 Điều 71 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Căn cứ vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết”. Như vậy, ngày chết của người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết được xác định là ngày đầu tiên kế tiếp ngày kết thúc thời hạn của từng trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 71.

Cụ thể đó là ngày kết thúc thời hạn 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của tòa án có hiệu lực pháp luật (điểm a); ngày kết thúc thời hạn 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc (điểm b); ngày kết thúc thời hạn 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai chấm dứt (điểm c); ngày kết thúc thời hạn 05 năm liền biệt tích (điểm d)).

Đối với thời hạn tính bằng năm thì xác định thời điểm kết thúc thời hạn theo các khoản 4, 5 và 6 Điều 148 Bộ luật dân sự năm 2015.

Giám định pháp y không phải là “thánh phán”

Đối với công tác khám nghiệm tử thi, theo quy định tại khoản 3 của điều 206 Bộ luật tố hình sự 2015, thì bắt buộc phải trưng cầu giám định để xác định nguyên nhân cái chết của nạn nhân Thái Lý Hạo Nam trong vụ “lọt ống bê tông” ở dự án cầu Rọc Sen, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.

Hoạt động đặc trưng của giám định pháp y là khám nghiệm tử thi, mổ xác, nhưng ngoài mổ xác, giám định xác chết, giám định pháp y có nhiều chuyên ngành chuyên sâu như y học phân tử, giám định thương tích trên người sống, giám định sức khỏe…

Giám định pháp y được phân thành ba nội dung cơ bản gồm:

Thứ nhất là giám định pháp y hình sự, là các hoạt động giám định về y khoa nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến việc xâm hại tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm con người, các vụ án mạng, đánh người bị thương, xâm hại tình dục, loạn luân, giao cấu với trẻ em… các mẫu vật có nguồn gốc từ cơ thể người có liên quan đến vụ án như máu, dấu vân tay, tóc, da, gàu, các loại lông… để lại tại hiện trường có liên quan đến vụ án hay vụ việc.

Thứ hai là giám định pháp y dân sự, nhằm giải quyết các vấn đề có liên quan tới các vụ kiện dân sự như giám định huyết thống, tranh chấp mồ mả, xác định tình trạng sức khỏe trong việc bồi thường thiệt hại về sức khoẻ của nạn nhân trong các vụ tai nạn lao động, giả vờ bị thương, giả bệnh, giả ốm, đau, đặc biệt là xem xét đối tượng có thực sự bị tâm thần hay mất năng lực hành vi hay không – còn gọi là giám định pháp y tâm thần…

Thứ ba là giám định pháp y nghề nghiệp, nhằm giải quyết các vụ việc liên quan đến bệnh nhân chết trong bệnh viện, trạm xá, các cơ sở y tế khác mà không phải do bệnh nặng vượt quá khả năng y tế mà là lỗi của nhân viên y tế thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu y đức, sai sót về chuyên môn (chẩn đoán sai, mổ sai, sử dụng nhầm thuốc, để sót dụng cụ trong phẫu thuật, để quên dụng cụ, đồ vật trong cơ thể người bệnh…).

Trường hợp Đồng Tháp là giám định trên hồ sơ?

Đối tượng giám định pháp y bao gồm giám định trên người sống thông qua việc khám, xem xét người đang sống là nạn nhân để xác định thương tích trên cơ thể nạn nhân, tỷ lệ thương tật do di chứng của chấn thương.

Giám định trên cơ thể của thủ phạm, người tình nghi là thủ phạm nhằm xác định thương tích để lại trên cơ thể do quá trình phạm pháp tạo nên. Xác định tuổi thực khi có gian lận về tuổi giữa vị thành niên và thành niên để tăng giảm mức hình phạt.

Giám định pháp y tử thi nhằm xác định nguyên nhân chết, thời gian chết, các bệnh lý kèm theo và quan trọng là xác định thương tích trên nạn nhân (thương tích trước chết, thương tích sau chết, thương tích gây tử vong) cùng với giám định các loại hung khí gây ra các thương tích.

Giám định mẫu vật có nguồn gốc cơ thể người trong các vụ án, nghi án, (lông, tóc, máu, nước bọt, mồ hôi, tinh dịch còn vương vãi, để lại trên hiện trường).

Giám định nhận dạng người bao gồm những tử thi chưa rõ tung tích ngoài xác định nguyên nhân chết còn xác định tuổi, giới tính, chủng tộc, đặc điểm bệnh tật, giám định các bộ xương, thậm chí là những bộ xương khô, đầu lâu chưa rõ tung tích có thể xác định được tuổi, chiều cao, giới tính, chủng tộc, dựng lại khuôn mặt bằng phương pháp nặn tượng hoặc lồng ghép ảnh bằng máy vi tính.

Giám định độc chất phủ tạng nhằm xác định trong phủ tạng người chết chưa rõ nguyên nhân có chất độc hay không và bị trúng độc loại gì từ đó đưa ra giả thiết về hung thủ đã hạ độc, nạn nhân bị đầu độc trong trường hợp nào.

Giám định vật gây thương tích như xác định các vật có thể gây ra thương tích trên nạn nhân như dao, kéo, búa, rìu, cờ lê, mỏ lết…

Giám định dựa trên hồ sơ tài liệu là việc giám định thông qua các hồ sơ tài liệu, sổ sách, ghi chép, bản nháp, dự thảo có liên quan (bản ảnh pháp y, hồ sơ bệnh án, biên bản giải phẫu tử thi, bản ghi lời khai, nhật ký, thư tuyệt mệnh…) có thể xác định nguyên nhân chết, cơ chế gây tổn thương, vật gây thương tích, động cơ, mục đích…

Như vậy, giả dụ như trong vụ nạn nhân Thái Lý Hạo Nam trong vụ “lọt ống bê tông” ở dự án cầu Rọc Sen, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, là “giám định dựa trên hồ sơ tài liệu”, thì cần phải làm rõ các hồ sơ tài liệu này là gì, hay đó chỉ là những mệnh lệnh miệng từ các cá nhân quan chức chính quyền đầu tỉnh như Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu?


Tin bài liên quan:

VNTB – Làm sao chia sẻ khi không tương đồng về thể chế chính trị?

Do Van Tien

VNTB – Ông sư vấp ‘vạ miệng’ trong mùa an cư kiết hạ

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Án tù trá hình?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.