Nguyễn Nam
(VNTB) – Chính quyền địa phương thực hiện việc giải tán, thu hồi giấy phép đối với các nhóm sinh hoạt tôn giáo “Hội thánh Đức Chúa trời mẹ” tập trung
Bộ Nội vụ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố kiên quyết đấu tranh, xóa bỏ về phương diện tổ chức đối với “Hội thánh Đức Chúa trời mẹ” tại Việt Nam.
Bộ Nội vụ yêu cầu chính quyền địa phương thực hiện việc giải tán, thu hồi giấy phép đối với các nhóm sinh hoạt tôn giáo “Hội thánh Đức Chúa trời mẹ” tập trung, không để tổ chức này tái nhóm, hình thành các tụ điểm hoạt động mới.
Đồng thời không chấp thuận đăng ký hoạt động dưới mọi hình thức bao gồm đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, hình thành tổ chức phi chính phủ, công ty, văn phòng đại diện, cửa hàng, câu lạc bộ, chương trình ngoại khóa…
Ở TP.HCM có hơn 100 điểm sinh hoạt tôn giáo của đạo Tin Lành, trong đó có bảy nhóm đều mang tên Hội thánh Đức Chúa Trời và Hội thánh của Đức Chúa Trời.
Như vậy phải chăng là sắp tới đây bảy nhóm Hội thánh Đức Chúa trời ở TP.HCM có thể bị vạ lây và mặc dù không có bất kỳ sai phạm gì, họ vẫn sẽ bị hủy các thủ tục đã được cấp giấy phép hoạt động sinh hoạt tôn giáo?
Sở dĩ gọi là “vạ lây”, vì Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trong một trả lời tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ vào chiều tối 3-5-2018, có đoạn phát biểu như sau về sự nhập nhằng đó: “Thời gian vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận xã hội phản ánh nhiều về hoạt động của Hội thánh của Đức Chúa Trời, còn gọi là Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ. Các phương tiện thông tin đại chúng đề cập đến nhiều, đặc biệt là về phương thức truyền đạo và cách thức lôi kéo của người cầm đầu các nhóm.
Vừa rồi các địa phương, các cơ quan thẩm quyền đã vào cuộc, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng, có bốn văn bản hướng dẫn về việc này”.
Phản hồi ý kiến trên, mục sư Nguyễn Duy Thắng – Quản nhiệm Hội Thánh của Đức Chúa Trời tại quận Bình Tân, TP.HCM, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Thông công Mục sư Việt Nam (VPF) cho biết ông làm công việc truyền giáo từ năm 1989, đã vài lần bị chính quyền mời làm việc vì hành vi “truyền đạo trái phép”. Ông nói: “Chúng tôi là những người đầu tiên sáng lập phong trào hội thánh tư gia tại Việt Nam. Phong trào này trên thế giới đã có cả trăm năm. Ban đầu chính quyền chưa hiểu rõ nên không dễ đăng ký xin phép hoạt động tại tư gia”.
Tuy nhiên, khi có Chỉ thị 01/2005/CT-TTg về một số công tác về đạo Tin Lành, TP.HCM đã xem xét, rà soát và hướng dẫn cho nhiều nhóm thực hiện việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo thuần túy tại xã, phường. Ông Thắng kể năm 2007 cán bộ UBND phường đến tận nhà hướng dẫn ông đăng ký. “Chưa đầy nửa tháng sau, hội thánh của tôi được cấp phép sinh hoạt” – ông nói.
Vẫn theo lời ông Thắng, “dù giống tên nhưng giáo hội của chúng tôi được cấp phép cách đây 20 năm (từ năm 1997), không có liên quan gì đến “Hội Thánh Đức Chúa Trời” mà báo chí nhắc tới gần đây. Tên đầy đủ của hội đó là “Hội Thánh Đức Chúa Trời mẹ”. Đây không phải là Hội thánh Tin Lành. Thực chất là một nhóm tà giáo, hành động truyền đạo đi ngược lại Kinh Thánh. Cách sử dụng từ ngữ trên đã gây ảnh hưởng, dẫn đến hiểu lầm cho Hội thánh Tin Lành chính thống”.
Giải thích về chuyện cấp phép cho bảy nhóm mang tên Hội thánh Đức Chúa Trời ở TP.HCM, phía Ban Tôn giáo TP.HCM đưa ra lập luận rằng, “trong quá trình xây dựng pháp luật về tôn giáo, cho tới nay chúng ta đã có khung luật pháp đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng chính đáng và phù hợp với sự phát triển của đất nước.
Đâu đó siết chặt hay buông lỏng quản lý chỉ là cá biệt, đây là vấn đề liên quan con người chứ không phải lỗi ở hệ thống pháp lý về tôn giáo. Theo tôi, hệ thống pháp luật đang ngày càng hoàn thiện; chúng ta tăng cường quản lý nhà nước mà không cần phải siết các quy định”.
Số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết các hệ phái Tin Lành đã được công nhận về mặt tổ chức và cấp đăng ký hoạt động tôn giáo ở Việt Nam, gồm có: Tin lành Trưởng Lão; Tin lành Bắp tít; Tin lành Menonite; Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam; Tin lành Việt Nam (miền Nam); Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc); Tin lành Ngũ tuần; Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam; Tin lành Cơ đốc Phục lâm; Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu – Kitô; Hội thánh Tin lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam.