Việt Nam Thời Báo

VNTB – Làm sao thoát khỏi hạng 3 về Nạn Buôn Người? ( bài 3)

Quang Nguyên

 

Bài 3

 

(VNTB) – Chính quyền cần cộng tác với các nhóm liên kết

 

Cá nhân hay nhóm liên kết dễ dàng nhận biết người trong gia đình, họ hàng hay trong cộng đồng là nạn nhân buôn người, và cần làm báo cáo cho chính phủ Việt Nam hay cho các tổ chức nhân quyền trên thế giới, hay Liên Hiệp Quốc. Họ cũng có thể nhận ra người hay tổ chức buôn người. 

Tại Việt Nam hiện nay có 2 dạng buôn người dễ nhận ra. Thứ nhất dạng buôn người theo kiểu ‘cò con’ thường thấy ở thôn quê, vùng cao, vùng sâu. Họ rỉ tai con mồi hay quảng cáo việc làm nhẹ, lương cao trên các trang mạng xã hội. Vào năm 2020, các quan chức chính phủ và tổ chức phi chính phủ Việt Nam đã báo cáo sự gia tăng các nạn nhân buôn bán trẻ em và người lớn là phụ nữ Campuchia qua Việt Nam trên đường sang Trung Quốc. Ngược lại cũng có nhiều đường dây buôn người từ VN sang Campuchia, Trung quốc, Singapore. Bọn này là các đường dây nhỏ, đánh lẻ từng vụ, mỗi vụ vài nạn nhân, để lừa người vào các đường dây dịch vụ tình dục, lấy nội tạng, làm vợ người ngoại quốc…Bọn này không có gốc bự và là đối tượng bị công an truy bắt. Tuy nhiên cũng có những báo cáo cho thấy một số quan chức Việt Nam chủ yếu ở cấp xã, thôn, bản, biên phòng địa phương đã tạo điều kiện cho nạn buôn người hoặc bóc lột nạn nhân bằng cách nhận hối lộ từ những kẻ buôn người, đòi tiền để giải thoát nạn nhân, đưa họ trở về gia đình.

Dạng thứ 2 thông qua các doanh nghiệp tuyển dụng lao động của nhà nước hoặc do nhà nước quản lý. Các doanh nghiệp này một năm đưa hàng chục ngàn người lao động ra nước ngoài làm việc chính thức. Đây là các dịch vụ béo bở của các bộ, hay quan chức trong chính phủ, hoặc họ là chủ nhân giấu mặt, hoặc họ đỡ dầu, ăn chia. Các công ty này bắt tay với các chủ lao động nước ngoài bóc lột người lao động. Năm trước, Việt Nam Thời Báo đã đưa tin một số vi phạm của các công ty này tại Serbia  như Kaizen, Song Hỷ Gia Lai, và Bảo Sơn. Họ tuyển mộ hơn 400 người lao động làm việc tại khu công nghệ Zrenjanin của Serbia cho 2 công ty xây dựng Trung Quốc. Hai công ty này nhận thầu của công ty Shandong Linglong ở Trung Quốc xây nhà máy sản xuất lốp xe với quy mô xuất khẩu khắp Âu Châu. Cả 400 công nhân này bị rơi vào tình trạng bị buôn người. Vụ tội phạm đình đám này bị chính quyền Việt Nam đồng lõa với các công ty dịch vụ và cả công ty thuê lao động Trung quốc che đậy, xóa dấu vết.(1) 

Nhiều công ty XKLĐ lừa người qua các bản hợp đồng tuyển dụng. Tháng 11/2021, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) ra thông cáo đề cập vụ một thiếu nữ Việt Nam 15 tuổi, tử vong tại Ả Rập Saudi.

H’Xuân Siu dân tộc Ede, xuất khẩu lao động, làm osin cho một gia đình tại Ả rập Saudi bị chủ đánh đập, không được cho ăn và chữa trị. Cô chết trước khi được đưa trở về Việt Nam. Vì hồ sơ của cô bị Vinaco, đơn vị tuyển dụng lao động, làm giả mạo nên gia đình không thể đưa thi hài cô về nước.

Sau khi Việt Nam bị đưa xuống hạng 3 về tệ nạn buôn người, tuần vừa qua, chính phủ Việt Nam đã vội vã đưa thi hài cô về quê, công ty Vinaco làm giấy tờ giả tuyển dụng cô bị ngưng hoạt động 6 tháng. 

Nếu có các nhóm liên kết, trường hợp của H’Xuân Siu có thể được ngăn chặn và em không phải bỏ thân xứ người.

Báo Điện Tử Chính Phủ viết về sự lừa lọc người làm giấy tờ đi XKLĐ của các công ty dịch vụ xuất khẩu lao động, báo này viết: Do trình độ nhận thức của một số người dân chưa cao hoặc do sự chủ quan, thiếu tìm hiểu về thông tin xuất khẩu lao động, quy định hợp đồng lao động, dễ tin tưởng vào những thông tin không chính thống, thiếu xác thực, những lời hứa hẹn dẫn đến việc họ rơi vào tình cảnh bị lừa khi đi lao động ở nước ngoài..đối tượng lừa đảo thường làm giả hồ sơ, giấy tờ, hợp đồng lao động đi làm việc tại nước ngoài có dấu giả và chữ ký giả mạo[sic] của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) hoặc Trung tâm lao động ngoài nước. Một số người dân không nghiên cứu, xem xét kỹ hợp đồng trước khi ký kết cho nên có thể một số nội dung của hợp đồng chưa bảo đảm được quyền lợi hợp pháp của họ.(2) 

Các công ty Kaizen, Song Hỷ Gia LaiBảo Sơn, Thăng Long và một số công ty khác thu phí dịch vụ rất cao, cho vay nợ, trả dần, có lãi khiến người lao động bị nợ chồng nợ, khó thoát ra cảnh phải lao động như nô lệ để trả nợ. Nhiều công ty không hỗ trợ người lao động trong các tình huống bị bóc lột. 

Từ rất nhiều năm trước, tù nhân, gồm cả tù nhân lương tâm, các tu sĩ, người già nua, bệnh tật, người cai nghiện ma túy đều phải ‘cải tạo lao động’. Họ phải làm việc vô cùng cực nhọc từ 10 đến 12 giờ một ngày trong các điều kiện rất khắc nghiệt, nhiều người đã phải bỏ mạng tại hiện trường lao động. Tình trạng bóc lột sức lao động trong trại giam đến nay có giảm bớt cường độ một phần, nhưng vẫn còn, dưới dạng ngụy trang nào đó. 

Kết hợp giữa nhóm liên kết và chính quyền

Một phần tình trạng tồi tệ của công nhân trong đường dây buôn người như đã được nêu trên, cũng như tình trạng bóc lột sức lao động của người tù đều được thân nhân, người trong cộng đồng biết.Thu thập thêm thông tin về các trường hợp này. trình báo cho chính quyền, các tổ chức nhân quyền quốc tế là phương pháp hữu hiệu nhất mà các nhóm liên kết chống buôn người có thể làm được.

Chính quyền, nếu muốn ngăn chặn từ gốc rễ nạn buôn người, cần giúp lập nên, hỗ trợ các nhóm người dân liên kết chống nạn buôn người, cần lắng nghe, tìm hiểu thêm các thông tin người dân cung cấp, thông báo cho công ty XKLĐ, liên hệ với các công ty sử dụng lao động, các nhà tù để nắm bắt và can thiệp ngay.

______________

Tham khảo

(1) https://vietnamthoibao.org/vntb-nam-trong-tu-lanh-mot-tuan-cho-bo-ngoai-giao-chu-dong-lam-viec-tich-cuc-lam-viec-theo-sat/

https://vietnamthoibao.org/vntb-cong-nhan-viet-nam-o-serbia-cho-nha-nuoc-cho-den-bao-gio/

https://vietnamthoibao.org/vntb-noi-o-va-sinh-hoat-cua-cong-nhan-viet-nam-tai-serbia/

 

https://vietnamthoibao.org/vntb-chim-xuong-vu-cong-nhan-viet-nam-o-serbia-bi-chu-trung-quoc-uc-hiep/

(2) https://baochinhphu.vn/ky-4-nguoi-di-xuat-khau-lao-dong-rat-can-tro-giup-phap-ly-kip-thoi-102291927.htm

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Cẩm nang dành cho công nhân Việt Nam đi XKLĐ (phần 2)

Trương Thế Tử

VNTB – Việt Nam phải làm gì để thoát khỏi hạng 3 về buôn người (Phần 3)

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Chị H Bhét Niê và “việc nhẹ lương cao” ở Ả Rập Xê Út

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo