VNTB – Liệu dịch bạch hầu có nguy cơ lan rộng ở miền Bắc?

VNTB – Liệu dịch bạch hầu có nguy cơ lan rộng ở miền Bắc?

Mai Lan

(VNTB) – Tính đến hiện tại thì báo chí của Đảng bộ tỉnh Điện Biên chưa thấy đưa tin cập nhật về dịch bạch cầu đang đe dọa người dân tỉnh này.

Tin mới nhất trên báo điện tử Điện Biên Phủ là “Bộ Y tế thành lập đoàn giám sát phòng, chống bệnh bạch hầu tại Hà Giang và Điện Biên” phát hành sáng 6-9-2023; và đây là bài báo không phải do phóng viên của tỉnh đi thực tế, mà là được dẫn lại từ báo Nhân dân.

Theo tin từ Bộ Y tế, ổ dịch thứ nhất tại xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông và ca đầu tiên khởi phát đã tử vong. Ổ dịch thứ hai tại xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông, ca bệnh được phát hiện ngày 12-8-2023, đã ra viện. Ổ dịch thứ ba tại xã Huổi Mí, huyện Mường Chà có 3 ca bệnh, ca thứ nhất khởi phát ngày 23-8-2023 và 2 ca tiếp theo vào ngày 26, 27-8-2023, cả 3 ca hiện đang tiếp tục điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Mường Chà.

Lưu ý, 1/6 ca tử vong là tỷ lệ không hề thấp.

Không rõ vì sao cơ quan báo chí của Đảng bộ tỉnh Điện Biên lại thờ ơ với dịch bạch hầu ở tại địa phương mình. Trong khi đó, ghi nhận sự tích cực từ Bộ Y tế khi nhận được tin về xuất hiện ổ dịch bạch hầu đầu tiên ở Điện Biên.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Điện Biên, tính từ ngày 01-5 đến ngày 10-9-2023, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 03 ổ dịch bệnh bạch hầu với 06 trường hợp mắc, trong đó tử vong 01 trường hợp. Có 3/3 ổ dịch thuộc xã Pu Nhi, Pú Hồng (huyện Điện Biên Đông) và xã Huổi Mí, huyện Mường Chà, là các xã vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, bệnh nhân là người dân tộc thiểu số.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về ca bệnh đầu tiên, Sở Y tế tỉnh đã tổ chức đoàn điều tra xác minh dịch, trực tiếp chỉ đạo điều hành các hoạt động phòng chống dịch: Rà soát, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm cho các trường hợp nghi mắc, tiếp xúc gần với ca bệnh.

Tổng số mẫu đã lấy và gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm bạch hầu, gồm: 160 mẫu (125 mẫu tại huyện Điện Biên Đông, 35 mẫu tại huyện Mường Chà). Kết quả: 06 mẫu dương tính (Điện Biên Đông 03, Mường Chà 03); 154 mẫu âm tính.

“Triển khai tiêm được 2.000 liều vắc-xin Td cho 2.000 người từ 07 đến 20 tuổi tại xã Pu Nhi (1.215 người) và các bản của xã Noong U (785 người) giáp ranh với xã Pu Nhi. Hiện tại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đang hoàn thiện các thủ tục mua 2.336 liều vắc-xin Td để triển khai tiêm cho người từ 07 đến 20 tuổi tại các xã có dịch bệnh bạch hầu và các xã nguy cơ cao.

Thời điểm này, tỉnh Điện Biên cơ bản đủ khả năng đáp ứng với công tác phòng chống dịch bạch hầu trên địa bàn về: nhân lực, kinh phí, trang thiết bị, vật tư, hoá chất, thuốc. Tuy nhiên, việc cung ứng vắc-xin phòng chống bạch hầu gặp nhiều khó khăn do thủ tục đấu thầu mua sắm chiếm nhiều thời gian, dẫn đến không cung ứng ứng kịp thời vắc-xin để tiêm cho người dân thuộc vùng xảy dịch và vùng nguy cơ” – trích báo cáo của Sở Y tế tỉnh Điện Biên.

Thông tin về bệnh bạch hầu, theo tài liệu huấn luyện của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương – khẳng định: Tất cả người lành mang trùng đều được coi là ca bệnh xác định. Các trường hợp này phải được báo cáo, xử lý theo quy định. Trong báo cáo ca bệnh xác định cần phân loại rõ ca bệnh có triệu chứng và người lành mang trùng.

Theo cơ quan chuyên trách, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay chính là tiêm vắc-xin để phòng bệnh. Trẻ em dưới 1 tuổi phải được tiêm vắc-xin phòng bạch hầu mũi thứ 3 trước 6 tháng tuổi; trẻ từ 1 tuổi trở lên, người lớn cần tiêm 3 mũi cơ bản theo lịch, tiêm nhắc lại 2 mũi vắc-xin cách nhau tối thiểu 1 năm.

Để chủ động phòng, chống dịch bạch hầu, các địa phương phải tiến hành biện pháp chống dịch càng sớm càng tốt trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện ca bệnh. Tất cả bệnh nhân nghi ngờ mắc bạch hầu đều phải đeo khẩu trang, cách ly tại các cơ sở y tế.

Nếu dịch xảy ra trong trường học thì tất cả học sinh có biểu hiện sốt, đau họng hoặc có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh đều phải nghỉ học, và chuyển ngay đến cơ sở y tế để lấy mẫu xét nghiệm và quản lý, điều trị.

Toàn bộ sự việc ở trên thật ra đã được ngành y tế TP.HCM cảnh báo từ tháng 9-2022.

Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, từ tháng 5-2022 đến tháng 8-2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) đã không nhận được 2 loại vắc-xin sởi và DPT từ Viện Pasteur TP.HCM. Đến đầu tháng 8-2022, Sở Y tế đã có văn bản gửi Viện Pasteur TP.HCM về việc cung ứng vắc-xin, và đã được phân bổ 6.000 liều vắc-xin DPT hạn dùng đến ngày 5-9.

Đến ngày 31-8-2022, Viện Pasteur TP.HCM thông báo kho vắc-xin của Viện đã hết các loại vắc-xin sởi và DPT. Do đó, Sở Y tế TP.HCM đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo Chương trình tiêm chủng quốc gia phân bổ vắc-xin đủ theo số lượng mà Sở đã đăng ký nhằm đảm bảo đủ vắc-xin tiêm chủng cho người dân.

Được biết, hai vắc-xin này do 2 đơn vị trong nước sản xuất gồm: vắc-xin DPT phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván do Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) sản xuất; còn vắc-xin sởi do Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) sản xuất.

“Việc tiêm 2 loại vắc-xin này đúng lịch, đầy đủ rất quan trọng để tạo được miễn dịch sớm, bảo vệ trẻ không bị mắc bệnh. Nếu tiêm vắc-xin muộn, trẻ sẽ có nguy cơ cao bị mắc bệnh trước khi được tiêm chủng” – Sở Y tế TP.HCM cảnh báo.

TP.HCM là đô thị được đánh giá mạnh về y tế cộng đồng, y tế dự phòng mà còn thiếu vắc-xin đến mức báo động như thế thì nói gì đến tỉnh miền núi xa xôi như Điện Biên…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)