Lâm Viên
(VNTB) – Mở sách giáo khoa lịch sử lớp 7, có thể thấy mục “Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước” có đoạn như sau: “Khi nhà Ngô sụp đổ, cả nước rối loạn, Đinh Bộ Lĩnh đem quân đi đánh dẹp các sứ quân. Nhờ sự ủng hộ của nhân dân, Đinh Bộ Lĩnh liên kết với sứ quân Trần Lãm, chiêu dụ được sứ quân Phạm Bạch Hổ, tiến đánh các sứ quân khác… Các sứ quân lần lượt bị đánh bại hoặc xin hàng. Tình trạng cát cứ chấm dứt” (1)
Đại dịch Covid-19 đang diễn ra và ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị số 16 vào ngày 31-3-2020, về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 (2), thì bất ngờ xảy ra việc mỗi địa phương ‘tùy hứng’ thực hiện các nội dung trong chỉ thị này. Sự ‘tùy hứng’ đến mức ‘tùy tiện’ đã khiến đến ngày 3-4-2020, văn phòng Chính phủ phải có một “hỏa tốc” Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 03/4/2020 Về việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về phòng, chống dịch Covid-19 (3).
Một vài minh chứng về ‘loạn sứ quân’. Công điện khẩn đóng dấu “hỏa tốc” do Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình – Đặng Trọng Thăng ký ban hành ngày 2-4 gửi các cơ quan, ban ngành trong địa bàn tỉnh để triển khai nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 đã khiến nhiều người hoang mang, lo lắng vì sẽ không được đi vào tỉnh này kể từ 0g ngày 3-4.
Theo đó, lãnh đạo tỉnh Thái Bình căn cứ việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định công bố dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc nên chỉ đạo dừng việc di chuyển người dân từ vùng dịch về Thái Bình kể từ 0g ngày 3-4 đến hết ngày 15-4. Ngoại trừ các trường hợp xe cấp cứu, xe phục vụ việc hiếu, hỉ, xe công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất và trường hợp đặc biệt do trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh quyết định.
Như vậy, điều này đồng nghĩa với việc người dân từ các tỉnh, thành khác hiện nay nếu không thuộc các trường hợp đặc biệt nêu trên sẽ không được phép đi vào tỉnh Thái Bình trong khoảng thời gian nói trên.
Ghi nhận trên báo Tuổi Trẻ (4), trong ngày 3-4, tại khu vực ngã tư chợ Hương, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng, ngay đầu tuyến phố lối đi vào khu chợ Hương cũng là đường tắt được nhiều người dân sử dụng để đi về khu vực huyện Kiến Thụy bị tổ công tác bít lại bằng nhiều vật dụng khác nhau, người có nhu cầu đi qua lối tắt này được yêu cầu di chuyển theo tuyến đường trục chính khác với quãng đường dài hơn.
Ngay cuối tuyến phố Phúc Lộc, phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh, tổ công tác làm nhiệm vụ chốt chặn tại đây cũng yêu cầu người dân đi lối khác vì đường đã bị cấm. Từ ngày 2-4, tại các trạm kiểm soát ở khu vực cửa ngõ ra vào thành phố, tất cả những người điều khiển phương tiện không có lý do chính đáng, không phải là xe chở hàng hóa nhu yếu phẩm hoặc phụ vụ chở hàng hóa theo quy định đều được yêu cầu quay đầu trở lại.
Báo Pháp Luật TP.HCM, cho biết, “Các ô tô ngoại tỉnh, người ngoại tỉnh khi tới khu vực chốt kiểm soát cửa ngõ vào Hải Phòng đã bị lực lượng chức năng yêu cầu quay đầu không cho vào thành phố” (5)
“Cách ly toàn xã hội: Hàng loạt phương tiện ra vào Quảng Ninh buộc phải quay đầu” là tựa một bài tường thuật liên quan về Chỉ thị số 16 của Thủ tướng trên báo Thanh Niên (6).
“Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 2-4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, người phát ngôn của Chính phủ, cho biết liên quan đến chỉ thị 16 của Thủ tướng đã có một số địa phương hiểu và thực hiện sai” – báo Tuổi Trẻ hôm 2-4 có bài viết như vậy trên số phát hành lúc 20g44.
“Một số địa phương hiểu và thực hiện sai” như lời nhận xét của bộ trưởng Mai Tiến Dũng, nếu suy diễn thì có ít nhất 4 trường hợp: Thứ nhất, trình độ của các vị quan chức đứng đầu những địa phương này – tức chủ tịch và bí thư tỉnh/ thành phố, có hạn chế trong đọc – hiểu văn bản mang tính chỉ đạo nội bộ của chính phủ.
Thứ hai, các vị chủ tịch và bí thư tỉnh/ thành phố không tin vào ‘liều lượng của toa thuốc 15 ngày’ chống Covid-19 mà Thủ tướng đưa ra. Họ quyết định ‘tăng thêm liều – bốc thêm thuốc’.
Thứ ba, cách diễn đạt của Chỉ thị số 16 mà Thủ tướng ký ban hành thiếu rõ ràng, dẫn đến việc thực hiện theo cách nào cũng không sai.
Thứ tư, trở lại câu chuyện của sách giáo khoa lịch sử lớp 7 dạy cho học trò trung học cơ sở. Sở dĩ xảy ra “Loạn 12 sứ quân” vì: Chưa có sự đoàn kết, thống nhất giữa nhà Ngô với các quan lại trung ương và địa phương. Vì vậy, sau khi Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha đã tiếm ngôi. Các quan lại trong triều đình, địa phương phản đối. Sau khi Ngô Xương Văn giành lại ngôi vua thì uy tín của triều đình đã giảm sút, không đủ sức mạnh để thống nhất lại đất nước.
Hệ thống cai trị thiếu chặt chẽ, quan hệ trung ương – địa phương lỏng lẻo, các thế lực cát cứ có điều kiện nổi dậy khắp nơi gây ra Loạn 12 sứ quân.
_______________________
Chú thích:
(1) Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2011, Lịch sử 7 (tái bản lần thứ 8), nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, trang 27-28.
(2) https://moh.gov.vn/documents/176127/356256/31.3.2020+16+CT-TTg.pdf/ce106212-59de-4093-bfcc-47f50a9044f2
(3) https://moh.gov.vn/web/dich-benh/cac-van-ban-chi-dao-cua-dang-nha-nuoc/-/asset_publisher/zRev3D15XCJB/content/cong-van-so-2601-vpcp-kgvx-ngay-03-4-2020-ve-viec-thuc-hien-chi-thi-so-16-ct-ttg-ve-phong-chong-dich-covid-19
(4) https://tuoitre.vn/nhieu-duong-ngang-loi-tat-tai-hai-phong-bi-chan-de-cam-di-lai-20200403111019065.htm
(5) https://plo.vn/thoi-su/hai-phong-khong-cho-xe-va-nguoi-ngoai-tinh-vao-thanh-pho-902423.html
(6) https://thanhnien.vn/thoi-su/cach-ly-toan-xa-hoi-hang-loat-phuong-tien-ra-vao-quang-ninh-buoc-phai-quay-dau-1204345.html