Việt Nam Thời Báo

VNTB – Luật đất đai của Việt Nam sửa đổi trong thể chế chính trị ‘độc đảng’

 

Định Tường

 

(VNTB) – Việc sửa đổi luật đất đai bảo đảm đồng bộ với các luật có liên quan; phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam. Việc điều chỉnh các quan hệ đất đai phải coi trọng hơn nữa vai trò của thị trường…

 

Ngày 14-2 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo trung ương tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị trung ương 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.

Các ‘đề bài’ được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra là việc sửa đổi luật đất đai phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam, bảo đảm đồng bộ với các luật có liên quan.  Ông Phạm Minh Chính cũng đưa ra các “đề phụ” khi yêu cầu việc điều chỉnh các quan hệ đất đai phải coi trọng hơn nữa vai trò của thị trường.

Theo người đứng đầu chính phủ, thì có thể các chính sách được ban hành không thể bao phủ toàn bộ những góc cạnh của cuộc sống, nhưng cần tháo gỡ được các khó khăn, ách tắc trong thực tế cả về thể chế và khâu tổ chức thực hiện; tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý đất đai theo hướng ai làm tốt hơn thì giao nhiệm vụ, cá thể hóa trách nhiệm, phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực thực thi của các cấp và đội ngũ cán bộ, tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp…

Mệnh đề sau đây không mới, nhưng có lẽ vẫn là bất khả thi, khi ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Việc thu hồi đất, bồi thường, tái định cư phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp, bảo đảm cuộc sống người dân phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước”.

Lâu nay ai cũng biết vế “bảo đảm cuộc sống người dân phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước” là một điều mỉa mai nếu như ai đó viện dẫn những câu chuyện của khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu vườn rau Lộc Hưng, hay bất kỳ vụ thưa kiện nào của người dân trong chuyện “quy hoạch – giải tỏa – đền bù”.

Thật ra thì ngay cả vế “hài hòa lợi ích giữa nhà nước” lâu nay vẫn là mỹ từ chính sách trong thể chế thiếu sự cạnh tranh giữa các đảng chính trị.

Gọi là mỹ từ vì tiêu cực liên quan đến đất công hiện nay rất nhiều, với việc doanh nghiệp nhà nước sử dụng đất công rất lãng phí, thậm chí còn chia cho các cá nhân sử dụng, nhiều vị trí ‘đất vàng’ bị chiếm dụng… Tham nhũng, tiêu cực xuất hiện chủ yếu ở loại đất này.

Vừa qua, những vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong vụ án Vũ “Nhôm” ở Đà Nẵng, rồi hàng loạt vụ án về đất đai ở Bình Dương, Khánh Hoà, Bình Thuận, TP.HCM… đều xảy ra liên quan đến đất công, và thực tế đó cho thấy vai trò của nhà nước với tư cách người sử dụng đất cần phải công bằng, bình đẳng như các đối tượng sử dụng đất khác, chứ không thể tiếp tục viện dẫn Hiến pháp coi đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhưng dân có quyền gì thì luật lại không quy định.

Không lạm bàn về thể chế chính trị ‘độc đảng’ đã được tái khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính, người viết bài này cho rằng Hiến pháp năm 2013 quy định đất đai “là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”; song đạo luật này chỉ quy định về quyền và trách nhiệm của nhà nước mà không quy định về chủ sở hữu toàn dân.

Như vậy cần phải bổ sung các quy định về quyền của chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai trong luật đất đai đảm bảo sự tương thích với Hiến pháp. Đồng thời, quy định rõ vai trò của nhà nước ở cả 3 tư cách: đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai; người thực hiện chức năng thống nhất quản lý đất đai trong phạm vi cả nước đồng thời là người sử dụng đất với cơ chế cụ thể.


Tin bài liên quan:

VNTB – Các vị sư sãi bị lợi dụng?

Do Van Tien

VNTB – Đột quỵ có liên quan đến… hậu Covid?

Do Van Tien

VNTB – Thủ tướng có công điện hỏa tốc về thị trường vàng

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo