Khánh Hòa
(VNTB) – Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội vào năm 2022.
Đây là nội dung tại Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) ban hành kèm theo Quyết định 1188/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Quyết định 1188/QĐ-TTg, thì dự kiến sẽ thông qua báo cáo Tổng kết thi hành Luật Đất đai trong tháng 9 năm 2021. Sau đó, việc hoàn thiện Báo cáo tổng kết về thi hành Luật Đất đai sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 10 năm 2021.
Dưới đây là một số ghi nhận về ý kiến yêu cầu sửa đổi cụ thể như sau của Luật Đất đai hiện hành:
Thứ nhất, sửa đổi quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án mà các chủ đầu tư phải thỏa thuận giá đền bù với dân, cho phép chủ đầu tư được khấu trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp, theo giá đã thỏa thuận, nếu có chứng từ hợp lệ, nhưng không vượt quá tiền sử dụng đất phải nộp (hoặc không quá 70% tiền sử dụng đất phải nộp).
Thứ hai, đẩy mạnh các hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất một cách công khai, minh bạch, tạo điều kiện để các doanh nghiệp bất động sản tiếp cận thị trường quyền sử dụng đất một cách bình đẳng, hạn chế cơ chế xin – cho, tham nhũng trong lĩnh vực này.
Nghiên cứu để hạn chế tiến tới chấm dứt giao đất, cho thuê đất thu tiền sử dụng đất một lần, thực hiện giao đất, cho thuê đất thu tiền sử dụng đất hàng năm, hoặc chia nhỏ và kéo dài thời gian nộp tiền sử dụng đất.
Thứ ba, công khai hóa các quy hoạch và dự án được duyệt, nhất là quy hoạch sử dụng đất Đô thị nhằm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác đến với các cấp Chính quyền, Chủ đầu tư, người dân, tránh hình thành dự án “ma”.
Thống nhất thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới theo pháp luật về nhà ở, khu đô thị mới với thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo pháp luật về đầu tư đối với các nhà đầu tư đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Thứ tư, cần tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chuẩn bị đầu tư, xây dựng, quản lý sau đầu tư đối với các dự án kinh doanh bất động sản để sửa đổi, bổ sung cho thống nhất.
Cắt giảm tối đa, áp dụng chế độ một cửa, một cơ quan chịu trách nhiệm chính đối với các thủ tục của từng loại dự án nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Thứ năm, cần bảo đảm ổn định tỷ lệ hợp lý cho vay bất động sản trong tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống, không tăng quá nóng, nhưng cũng không giảm quá mạnh, gây “sốc” cho thị trường.
Thứ sáu, cần cơ chế để đảm bảo quyền lợi cụ thể cho người dân sau khi cải tạo phục hồi và đưa vào sử dụng đất hoang hóa, đất trống đồi núi trọc…
Ví dụ như nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng một số người dân cùng góp vốn đầu tư vào đất để phục hóa đất bãi rác có nhiều trũng, vũng; sau khi đất trũng, đất vũng chứa rác thải được phục hóa thành khu đất đắc địa thì cơ quan có thẩm quyền đã quyết định cho doanh nghiệp thuê khu đất này để kinh doanh, mà không quan tâm đến nhu cầu của người góp vốn, đầu tư, cải tạo, phục hồi đất.
Hay có một số trường hợp cá nhân đầu tư cải tạo đất có mặt nước hoang hóa, khi kết thúc thời hạn đầu tư, đất có mặt nước hoang hóa đã thành vùng đất sinh lợi, người đầu tư đất đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho thuê lại đất có mặt nước do chính họ cải tạo thành đất sinh lợi nhưng không được, với lý do là đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho một doanh nghiệp khác thuê với giá cao hơn… Điều này gây ra sự không đồng thuận của người góp vốn, đầu tư, cải tạo, phục hồi đất đối với quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.