VNTB – Luật về đảng cầm quyền: Đảng tự lấy đá ghè chân mình?

VNTB – Luật về đảng cầm quyền: Đảng tự lấy đá ghè chân mình?

Lâm Viên

 

(VNTB) – Ông Bùi Minh Quốc, cựu phó chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, từng nói rằng ông sẽ vận động để Quốc hội sớm có luật về đảng cầm quyền.

 

Cần Đức trị song hành cùng Pháp trị

“Vận động các đại biểu khác cùng các công dân có chung quan điểm và nhiệt huyết tích cực chủ động đấu tranh ôn hoà, kiên nhẫn thuyết phục đảng cộng sản Việt Nam nếu muốn giành được vị trí đảng cầm quyền, thì phải bãi bỏ cung cách đảng cử dân bầu; phải có đường lối đúng được đa số công dân tán thành và giới thiệu được những đảng viên thực sự là tinh hoa về năng lực và phẩm chất ra ứng cử  trong một chế độ ứng cử bầu cử tự do, nếu các đảng viên trúng cử chiếm đa số trong Quốc hội, thì đảng trở thành đảng cầm quyền một cách đàng hoàng theo thực chất tín nhiệm của công dân – cử tri; phải tôn trọng quyền tự do ứng cử của những người không thuộc đảng cộng sản Việt Nam và triệt để tự đổi mới mình để chủ động chuẩn bị cạnh tranh với các lực lượng chính trị khác tất yếu sẽ xuất hiện. (*)

Ông Bùi Minh Quốc có đoạn diễn giải như trên trong “Cương lĩnh chính trị” lúc ông tuyên bố tự ứng cử đại biểu Quốc hội khoá 14.

Đảng tự lấy đá ghè chân mình?

Ở Việt Nam chỉ có một đảng chính trị duy nhất, và đây cũng là đảng cầm quyền. Nếu giờ soạn thảo luật về đảng cầm quyền, phải chăng luật này cũng thuộc nhánh lập pháp do Quốc hội chịu trách nhiệm – trong khi đó thì các chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đều do Bộ Chính trị – tức đảng chính trị cũng là đảng cầm quyền, quyết định?

Trong tiểu luận “Tương lai nào cho luật về đảng chính trị ở Việt Nam?” của nhà nghiên cứu độc lập Hoàng Sơn tại Hà Nội, đưa ra cách hiểu về đảng chính trị đó là không chỉ đơn thuần đấu tranh để tham gia vào việc thể hiện các quan điểm chính trị, mà còn đấu tranh để giành quyền đại diện cho người dân trong quốc hội.

“Thông thường, các đảng chính trị đều giành quyền lực thông qua việc bỏ phiếu của người dân. Trách nhiệm của đảng chính trị đối với người dân thể hiện qua việc thực hiện các cam kết mà đảng chính trị đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Ý chí của người bỏ phiếu có ý nghĩa rất quan trọng đối với một đảng chính trị” – tác giả Hoàng Sơn viết.

Vẫn theo nhà nghiên cứu độc lập Hoàng Sơn, nếu các nhà nước muốn “đặt một đảng chính trị nào đó ra ngoài vòng pháp luật”, các nhà nước này có xu hướng từ chối hoặc không thừa nhận địa vị pháp lý của đảng đó. Một cách thường gặp là các quốc gia không quy định về đảng chính trị trong Hiến pháp của họ.

Vậy thì ở Việt Nam, nếu bắt tay xây dựng dự án luật về đảng cầm quyền như đề xuất của ông Bùi Minh Quốc, thì cần điều chỉnh bằng pháp luật ra sao trước đề bài đặt ra của đảng về vấn đề ‘quyền lực’: Tuy Đảng không phải là cơ quan quyền lực nhà nước, nhưng Đảng giữ quyền lực về chính trị, quyền lực về tư tưởng chính trị, quyền lực về tổ chức bộ máy và nhân sự, quyền lực về kiểm tra… chi phối và dẫn dắt đối với toàn bộ hệ thống chính trị và sự vận động của chế độ, của đất nước.

Như vậy, về nguyên tắc rất khó có việc Đảng tự lấy đá ghè chân mình, qua việc có thể bị trói buộc trong sự điều chỉnh về lập pháp bằng luật về đảng cầm quyền.

Nếu Đảng tự tin, thì cần tử tế có luật về đảng cầm quyền!

Trong hầu hết các văn kiện Đảng đều có chung một ý là “Đảng không chia sẻ quyền lãnh đạo cho bất kỳ ai hoặc buông lỏng quyền đó”. Và Đảng đã biện minh rằng với vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, cho các quyết định được cho là ‘nằm ngoài quy định pháp luật’ – kiểu như chuyện người dân chưa đi bầu cử, nhưng Đảng đã ‘đâu vào đó’ các chức danh lãnh đạo ở Quốc hội nhiệm kỳ mới, lý do “đồng bộ nhân sự Bộ Chính trị” khóa XIII.

Dẫu vậy, Đảng vẫn cần đến luật về đảng cầm quyền, để qua đó có thể giúp Đảng có được sự chính danh bền vững.

Sau đây là một số lý do cho chuyện nếu có luật về đảng cầm quyền, ắt hẳn sẽ khiến các đảng viên dè dặt hơn:

Trước hết, bất chấp chuyện ‘củi – lò’ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, không khó được nhận ra ở không ít nơi, nguyên tắc tập trung dân chủ bị không ít người, tổ chức đảng lợi dụng, cắt xén hoặc trương lên thành tấm bình phong để che đậy mưu đồ cá nhân và hành động phá rối tổ chức hoặc vô hiệu hóa tổ chức, thành “con dao hai lưỡi” để mưu đoạt lấy lợi ích cho bản thân, rắp tâm “chui sâu, leo cao” vào các cơ quan lãnh đạo, quản lý.

Nguy hại hơn, mượn hoặc nhân danh nguyên tắc này để đối phó với cấp trên, cô lập và vô hiệu hóa cấp dưới, biến tổ chức đảng nơi họ phụ trách thành “bầu trời riêng”, với “tôn ti riêng”… để thực thi mưu đồ cá nhân, phe nhóm,…

Mặt khác, không ít người biến việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình thành cái gọi là “vũ khí” rất màu nhiệm để tâng bốc, tán dương nhau nhưng lại nhân danh “thanh bảo kiếm chữa lành mọi vết thương” như lời của V.I. Lê-nin, nhằm để thực thi mưu đồ vu vạ, hãm hại đồng chí, hạ nhục và loại bỏ những người không cùng cánh với họ, để thao túng nội bộ Đảng nhằm “vinh thân phì gia”, phù phép cho lợi ích nhóm…

Thứ hai, kỷ luật của Đảng, Điều lệ của Đảng là pháp luật của Đảng bị không ít người ở một số tổ chức đảng biến thành “thanh kiếm phường chèo” với phe cánh họ, nhưng lại là “lưỡi gươm oan nghiệt” đối với đồng chí, nhất là những người trung thực, dũng cảm đấu tranh với các tệ nạn trong Đảng, mà họ là thủ phạm.

Núp dưới chiêu bài “giữ nghiêm kỷ luật”, họ “thanh lọc đội ngũ” một cách có lợi cho họ. Thực chất, họ đã vô hiệu hóa sức mạnh của kỷ luật đảng, của Điều lệ Đảng, biến tổ chức đảng thành “vương quốc” riêng nhằm thực thi những mưu đồ cá nhân, vô hình tạo nên nạn bè phái, cát cứ ngay trong tổ chức đảng, trong cơ quan lãnh đạo của Đảng.

Có thể nói, với sự hành xử như vậy, nhóm đảng viên như trên đã tự biến mình thành những người tha hóa, những “ông vua con”, làm công cụ phá hỏng đoàn thể và phá hoại tổ chức; biến những tổ chức đảng nơi họ phụ trách và sinh hoạt thành hoặc là “bầu trời riêng”, biến tổ chức thành “hữu danh vô thực” hoặc bị tê liệt, mất sức chiến đấu. Họ hạ thấp và tước bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.

Nếu đến thời điểm này Đảng vẫn là “đứa con nòi xuất thân từ giai cấp lao động”, “một lòng một dạ tận tụy phụng sự nhân dân”, vì “Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam”, “không thiên tư thiên vị”,… thì có lẽ chức trách lập pháp của Quốc hội khóa XV tới đây, là cần xây dựng cho bằng được luật về đảng cầm quyền.

______________

Chú thích:

(*) https://www.facebook.com/quoc.buiminh.568/posts/445373823436841


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)