Việt Nam Thời Báo

VNTB – Mua tin chống tham nhũng: ai dám bán?

Chánh Thành

(VNTB) –  Dư luận chế nhạo chi tiền để mua tin tố cáo tham nhũng là đang gài bẫy người dân

Chuyện thành uỷ TPHCM chi 10 triệu đồng để mua tin tố cáo tham nhũng khiến dư luận chế nhạo là đang gài bẫy người dân. Vì hầu như ai phản ánh tham nhũng đều bị trù dập, thậm chí ở tù. Ngoài ra, công an, tình báo Việt Nam có mọi công nghệ để nghe lén, theo dõi, hack tài khoản bất cứ ai mà họ muốn, thì cái gì họ chẳng biết mà phải mua tin, tốn tiền thuế của dân?

 

Mua tin tham nhũng hay lừa dân vào bẫy

Theo cách mua tin mà “ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM” đưa ra thì người tố cáo bắt buộc phải có chứng cứ liên quan và chính xác. Đồng thời phải ghi rõ danh tính, nếu không tiết lộ danh tính, tức là “đơn nặc danh” thì sẽ thuộc trường hợp không thụ lý giải quyết.

Tức là nếu muốn nhận được 10 triệu của nhà cầm quyền, người dân sẽ phải công khai danh tính và có thể đối đầu với cả một thế lực chính trị. 10 triệu là con số tối đa có thể nhận được, con số chính xác thì phải tuỳ theo “cảm nhận” của cơ quan chức năng. Có nghĩa là có thể chỉ nhận được vài trăm ngàn đồng cho một tin.

Đó là chưa kể quy trình xét duyệt nhiêu khê. Thử hình dung các bước cần thiết để tố cáo một hành vi tham nhũng của quan chức cộng sản:

Đầu tiên là thu thập chứng cứ, quay phim, chụp hình, ghi âm. Bước này phải đảm bảo “khách quan”. Vì đã có nhiều trường hợp quay phim khi tố cáo cảnh sát giao thông nhận hối lộ, nhưng người tố cáo bị bắt giam do bị kết luận là “gài bẫy công an”.

Bước 2 là nộp đơn tố cáo với tên thật, thông tin thật của bản thân. Hai hình thức tiếp nhận thông tin tố cáo tham nhũng mà thành uỷ TPHCM đưa ra vô cùng nguy hiểm cho người dân. Thứ nhất, người cung cấp thông tin phải trực tiếp phản ánh, cung cấp thông tin cho Ban Chỉ đạo hoặc bộ phận tiếp nhận thông tin của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tại trụ sở làm việc hoặc địa điểm phù hợp. Thứ hai, có thể cung cấp thông tin gián tiếp bằng văn bản qua đường bưu điện hoặc qua hộp thư điện tử của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM.

Bước 3 là đợi thụ lý đơn, kiểm tra thông tin tố giác. Bước này phụ thuộc vào nhiều phòng ban, công an, viện kiểm soát… Vì đơn tố giác tiêu cực hối lộ là mang tính chất của một vụ án tham nhũng. Những người tham nhũng chỉ có thể là đảng viên, tố cáo tham nhũng tức là tố cáo đảng viên cộng sản. Đảng quy định pháp luật, nên việc xử lý tham nhũng còn phụ thuộc vào ý đảng, chứ không phụ thuộc vào pháp luật.

Cuối cùng, nếu vụ án được đưa ra toà xét xử, qua các bước sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm… xét xử và xác nhận người bị tố cáo có tội thì người tố giác mới có thể được trả tiền bán tin. Người bán tin phải chờ kết thúc toàn bộ qui trình (có thể) kéo dài vài năm, để có thể nhận được số tiền từ vài trăm ngàn tới 10 triệu đồng.

Còn trong trường hợp tòa án cho rằng người bị tố cáo vô tội, thì người bán tin sẽ mang tội vu khống. Hình phạt có thể lên tới 7 năm tù giam.

Rất nhiều người tố giác tham nhũng đã bị bắt giam

Năm 2020, đại úy công an Lê Chí Thành, cán bộ trại giam Thủ Đức (Z30D), Bình Thuận công khai tố cáo sai phạm của đại tá, giám thị Lê Bá Thụy cũng như tình trạng tham nhũng và sai phạm hàng loạt trong ngành công an. Sau đó, anh bị bắt, bị tra tấn dã man và bị tuyên năm năm tù giam với hai bản án oan là “Chống người thi hành công vụ” và “Lợi dụng quyền tự do dân chủ…”

Tám tháng sau khi Thành bị bắt, đồng nghiệp và là bạn thân của anh, đại úy Nguyễn Doãn Tú, cũng bị bắt giam vì viết đơn tố cáo và vạch trần những khuất tất, sai phạm của đại tá Lê Bá Thụy, giám thị Trại Z30D. Sau đó, đại uý Tú bị tuyên hai năm tù giam với cáo buộc “dùng nhục hình” theo điều 373- BLHS.

Trương Châu Hữu Danh và nhóm Báo Sạch liên tục đấu tranh chống tiêu cực trong suốt nhiều năm liền. Từ việc phản đối đặt trạm BOT Cai Lậy bất hợp lý, tới lên tiếng phản ánh những tướng tá, quan chức, lãnh chúa đứng đầu hệ thống tham nhũng cả một khu vực như cựu phó bí thư TPHCM Tất Thành Cang, cựu bí thư TPHCM Lê Thanh Hải, cựu bí thư Bình Dương Trần Văn Nam…

Để cuối cùng, Danh và cả nhóm Báo Sạch bị tuyên tổng cộng 14 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 BLHS.

Người tố cáo bị trù dập, còn người bị tố cáo thì lên chức cao hơn

Ở Bến Tre, cô giáo Trần Thị Thúy nhiều lần tố giác ban giám hiệu trường tiểu học Thanh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc) nâng điểm khống đánh giá xếp loại học sinh. Sau đó phòng GD-ĐT H.Mỏ Cày Bắc kết luận việc làm này của BGH trường Thanh Tân là “chưa đúng” và yêu cầu sửa lại việc đánh giá. Nhưng cuối cùng, nhà trường đã buộc thôi việc cô này, như một cách trả đũa.

Ở Hải Phòng, năm 2020, bà Hà Thị Thu Hương, Chủ tịch Công đoàn Viện Quy hoạch Hải Phòng có đơn tố cáo về hành vi tham nhũng của ông Khoa Năng Du, Viện trưởng Viện Quy hoạch Hải Phòng cùng một số cán bộ là ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Viện trưởng, ông Lã Trọng Tấn, Thủ quỹ, vi phạm về công tác bổ nhiệm cán bộ và công tác quản lý tài chính, lập “quỹ đen” trái phép tại Viện Quy hoạch.

Kết quả xem xét phát hiện số tiền nhóm này tham nhũng lên tới 15 tỷ đồng. Nhưng ông Phương, người bị tố cáo, không bị xem xét xử lý kỷ luật, mà còn được tiếp tục trao quyền chỉ đạo, điều hành và giải quyết các công việc của Viện Quy hoạch.

Chẳng những vậy, ông này còn có quyền xem xét, kỷ luật bà Hương, người đã có đơn tố cáo đúng. Dĩ nhiên, sau đó bà Hương bị ông Phương trả thù, trù dập. Chẳng những bà Hương không được bổ nhiệm lại chức danh trưởng phòng hành chính, mà còn bị cho thôi việc, và không được chi trả phụ cấp chức vụ.

Trên đây chỉ là một vài ví dụ điển hình trong việc phản ánh tiêu cực, tố giác tội phạm tham nhũng rồi bị ở tù, trù dập. Thực tế vẫn còn hàng ngàn trường hợp khác mà báo chí không nhắc đến.

Ngoài ra, công an Việt Nam nắm đầy đủ mọi phương tiện kỹ thuật, có thể nghe lén, theo dõi camera, các máy móc, thiết bị điện tử của mọi công dân và quan chức. Thì vụ tham nhũng nào mà họ lại không biết, chẳng qua là họ muốn bắt hay không, có phải phe họ hay phe đối thủ hay không mà thôi.

Việc nhà cầm quyền “mua tin” theo quy trình như trên rõ ràng là gài bẫy cho những dám lên tiếng chống tham nhũng xuất đầu lộ diện, để tiện cho việc bắt giam tiếng nói chính trực. Còn ai tin rằng với việc tố giác sẽ có thể làm trong sạch bộ máy cầm quyền thối nát hiện nay? Ai dám liều mình vì mấy đồng bạc lẻ của đảng để rồi bị trù dập, bắt giam…

Thật sự chẳng có đơn tố giác nào bằng sự tự giác. Muốn trong sạch, đảng cộng sản chỉ cần tự giác trả lại quyền tự do, quyền dân chủ cho người dân. Minh bạch bầu cử, ứng cử, phúc quyết hiến pháp và dân chủ hoá Việt Nam. Trả quyền lực vào tay người dân thì tất yếu sẽ không còn tham nhũng, quan liêu, hối lộ như hiện nay. Tiền mua tin cũng từ tiền thuế của dân, không cần phải tốn kém nữa!


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Thiên hạ luận: Sài Gòn mở chiến dịch cao điểm truy vết, xét nghiệm tìm F0 nhằm mục đích gì?

Phan Thanh Hung

VNTB – Náo loạn các khu công nghiệp ở TP. HCM, Đồng Nai

Phan Thanh Hung

VNTB – Thiên hạ luận: Hệ thống chính trị đang bất lực?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.