Việt Nam Thời Báo

VNTB- Mục sư Nguyễn Công Chính đang bị đày đọa trong tù, mạng sống bị đe dọa

Người Bảo vệ Nhân quyền, ngày 11 tháng 02 năm 2017
Vũ Quốc Ngữ dịch

(VNTB) – Sức khỏe của tù nhân lương tâm mục sư Nguyễn Công Chính đang nguy cấp và mạng sống của ông bị đe dọa nghiêm trọng trong khi thụ án tù 11 năm ở trại giam Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, vợ ông, cô Trần Thị Hồng nói với Người Bảo vệ Nhân quyền.

   Mục sư Nguyễn Công Chính đang bị đày đọa trong tù, mạng sống bị đe dọa

Mục sư Chính, người bị bắt năm 2011 và bị kết án 11 năm tù giam với cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” theo Điều 87 của Bộ luật Hình sự, đang bị đối xử ngược đãi trong tù chỉ vì ông không thừa nhận những cáo buộc đó, cô Hồng nói với Người Bảo vệ Nhân quyền hôm thứ Bảy (11/02), một ngày sau khi gặp ông ở trại giam.

Cô cho biết, từ năm 2012, ông đã bị đưa đến trại giam An Phước thuộc tỉnh Bình Dương, nơi ông đã bị đánh đập, ép cung cho đến việc họ đầu độc ông bằng thức ăn.

Đến tháng 10  năm 2016, ông bị chuyển đến trại giam Xuân Lộc mà gia đình không được thông báo. Tại đây, ông bị biệt giam từ đó.

Do bị biệt giam trong phòng kín thiếu ánh sáng nên da ông rất xấu, chân tay, mặt và mũi ông đã bị sưng phù, huyết áp thì tăng lên 190 cho đến 200, cô cho biết.

Ông bị nhiều bệnh như viêm xoang cấp tính, viêm khớp, và viêm dạ dày nhưng không được điều trị trong trại giam. Chính quyền nhà tù cũng không cho ông nhận thuốc từ vợ, cô nói.

Tuy bị biệt giam trong phòng kín nhưng ông vẫn bị còng tay. Quản giáo trại giam đã đưa những người tù hình sự vào phòng biệt giam ông để chửi mắng xúc phạm đến nhân phẩm đạo đức, ông nói với cô. Nhiều quản giáo, trong đó có Trung tá Nguyễn Hữu Tỉn dùng dùi cui dí vào đầu ông trong khi mục sư rất yếu, đi khập khễnh do bị té ngã nhiều lần.

Ông nói với vợ rằng nhiều đêm ông bị rình qua khe cửa nhưng không biết những kẻ rình mò có ý định gì.

Cô Hồng nói chồng cô cảm thấy sức khỏe rất yếu, khó có thể tồn tại được lâu ở tình trạng hiện nay. Ông có nói cô đưa bốn đứa con đến gặp cha lần sau, đề phòng sự không hay xảy ra. Tuy nhiên, ông không bao giờ hối hận việc mình đã đấu tranh vì tự do tôn giáo và niềm tin.

Mục sư Chính thuộc hội thánh Tin lành Lutheran Việt Nam tại tỉnh Gia Lai, nói với vợ rằng dù có chết thì cũng chấp nhận chứ không chịu khuất phục hay im lặng trước bất công.

Ông cũng là một trong số 82 tù nhân lương tâm mà Ân xá Quốc tế kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện.

Nhân đây, cô Hồng cũng khẩn thiết kêu gọi cộng đồng quốc tế và trong nước lên tiếng để yêu cầu chính quyền Việt Nam dừng việc đàn áp và đối xử vô nhân đạo đối với chồng cô để bảo toàn tính mạng cho ông.

Bản thân cô cũng đã chịu sự đàn áp của chính quyền tỉnh Gia Lai, nơi cô cùng bốn đứa con đang sinh sống. Năm ngoái, trong tháng Tư và Năm, cô đã nhiều lần bị gọi lên đồn công an nơi cô bị đánh đập và tra hỏi chỉ vì cô đã gặp gỡ với phái đoàn Tự do Tôn giáo của Hoa Kỳ do Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế David Saperstain dẫn đầu.

   Cô Trần Thị Hồng quỵ xuống do bị công an tra tấn

Chính quyền Việt Nam thực hiện chính sách đàn áp và đối xử vô nhân đạo với tù nhân, nhất là tù nhân chính trị và tôn giáo. Năm ngoái, trong báo cáo “Nhà tù trong nhà tù: Tra tấn và đối xử ngược đãi đối với tù nhân lương tâm ở Việt Nam”, Ân xá Quốc tế nói điều kiện sống trong tù ở Việt Nam rất khắc nghiệt, không có đủ thức ăn và chăm sóc sức khỏe, và ở mức dưới tiêu chuẩn tối thiểu được quy định bởi Liên Hợp quốc về đối xử với tù nhân (Quy tắc Nelson Mandela) và những quy định quốc tế khác.

Việt Nam đã tham gia công ước Chống tra tấn và đối xử vô nhân đạo, tuy nhiên, chính quyền cộng sản chưa có những việc làm cần thiết để đưa đất nước tuân thủ với những cam kết quốc tế mà quốc gia này đã ký, Ân xá Quốc tế nói.

Chỉ một vài tù nhân lương tâm được ân xá trong khi Việt Nam trả tự do trước thời hạn cho hàng nghìn tù nhân hàng năm.

Tin bài liên quan:

VNTB- Làm thế nào tay trong của Hà Nội giúp định hình một chương trình nghị sự của CSIS ở Washington?

Phan Thanh Hung

VNTB – Người Bảo vệ Quyền Dân sự: Việt Nam nên hợp tác với các cơ chế nhân quyền của Liên Hợp quốc

Phan Thanh Hung

VNTB- Sự chiếm hữu của sáu nước ở Trường Sa: Việt Nam và Philippine

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo