Thành Kim
(VNTB) – Có phải ‘mặt trời’ tại Việt nam vẫn toả sáng trong bối cảnh ‘mây đen’ phủ lên toàn cầu như phát biểu của người đứng đầu đảng và nhà nước Việt Nam?
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 30/12.
‘Thành tựu chưa từng có trong lịch sử’ vì ‘Mây đen phủ lên toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn toả sáng ở Việt Nam’.
Thế nhưng, Bloomberg Opinion trong một nội dung xuất bản ngày 31/12 đã thể hiện đầy đủ hơn về ‘vận nước đang lên’ của Việt Nam.
Theo đó, dù Việt Nam có một lực lượng lao động trẻ, bùng nổ bất động sản, một quốc gia có thể gặt hái được sự giàu có nhờ xuất khẩu và mối quan hệ thân thiện với Mỹ với việc nhanh chóng tiến lên chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đã được ca ngợi là quốc gia chiến thắng lớn nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng trưởng GDP 7%, thuộc hàng nhanh nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo Bloomberg Opinion, sự lạc quan đó lại không được phản ánh trong thị trường chứng khoán. Chỉ số chứng khoán đầu cầu Tp. Hồ Chí Minh chỉ tăng 7,3% từ đầu năm đến nay, tụt so với mức tăng 32% tại sàn chứng khoán Thượng Hải.
Các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đang trở thành một nguồn vốn nước ngoài lớn, chiếm 44% tổng lưu lượng thị trường trong năm 2019. Tuy nhiên, nó kém sáng hơn nhiều so với các nhà sản xuất đang bùng nổ. Thị trường bị chi phối bởi các ngân hàng, và chỉ có một nhà phát triển bất động sản, Vingroup. Trong khi Vingroup đã và đang dịch chuyển sang lĩnh vực sản xuất ô-tô và điện thoại di động, lĩnh vực mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho tập đoàn này vẫn chỉ là bất động sản.
Với mức lợi nhuận trung bình trên vốn chủ sở hữu 15%, ngân hàng tại Việt Nam thật tuyệt. Nhưng số dư nợ ngân hàng lại đã vượt quá GDP quốc gia với mức thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 2.500 Đô-la Mỹ/năm. Vậy thì ngân hàng cần phải tăng vốn để phòng ngừa các khoản nợ xấu phát sinh trong tương lai.
Fitch đã ra cảnh báo khoảng một nửa số ngân hàng trong nước không thể đáp ứng hệ số an toàn vốn tối thiểu 8%. Và rất khó tăng vốn ngay cả khi người nước ngoài muốn mua khi chính phủ áp đặt giới hạn sở hữu nước ngoài 30% tại các ngân hàng nội địa. Không nâng mức trần này, sẽ chỉ có hai kết quả như Trung Quốc đã bị: Hoặc bị khủng hoàng nợ hay giảm quy mô cho vay. Và kết quả nào cũng không tốt cho các nhà đầu tư.
Vingroup và các công ty con, có mức vốn hoá chiếm 15% chỉ số VN-Index, cũng có vấn đề. Đất đai khan hiếm – khó tìm được khu đất lớn ở Hà Nội hay Hồ Chí Minh. Do đó, chính phủ chậm phê duyệt các dự án mới hơn và làm giảm tiềm năng tăng trưởng cho các doanh nghiệp bất động sản.
Theo nghĩa này, Việt Nam thực sự đang trở thành Trung Quốc thứ hai, ươm mầm cho một thị trường chứng khoán không lành mạnh vì bị chi phối bởi các ngân hàng lún trong nợ nần và thiếu cổ phiếu của các công ty Công nghệ thuộc nền kinh tế mới .
Nền kinh tế của Việt Nam chắc chắn sẽ bị trì trệ.