VNTB – Nếu “chưa kỷ luật Đảng” …

VNTB – Nếu “chưa kỷ luật Đảng” …

Hà Nguyên

 

(VNTB) – Ở Việt Nam, quan chức đảng viên chóp bu có hành vi vi phạm pháp luật dù có tày đình đến đâu chăng nữa, song nếu họ chưa nhận mức “kỷ luật Đảng” thì sẽ rất khó mà thực hiện thủ tục tố tụng hình sự.

 

Mỗi khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra công khai dưới hình thức “thông cáo báo chí” về việc đề xuất xử lý quan chức đảng viên chóp bu nào đó, thì khi ấy công luận mới có thể hy vọng có những điều tra theo quy trình luật định về tố tụng hình sự; dĩ nhiên cũng có không ít vụ dù Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề xuất xử trí, nhưng rốt cuộc vẫn là “giơ cao đánh khẻ” như vụ cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải chẳng hạn.

Sở dĩ có chuyện “giơ cao đánh khẻ” vì hầu hết các “thông cáo báo chí” từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương gần như tin tức rất mập mờ với nhiều khoản trống đưa đến cảm giác dành cho các bên liên quan thời gian của “chạy thuốc”.

Bị kỷ luật vì sai phạm cụ thể gì?

Hôm 20-10-2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát hành một “thông cáo báo chí”, với phần “cáo buộc sai phạm” rất khó hiểu với dàn lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Theo đó, “Cảnh cáo các đồng chí: Mai Văn Trinh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 và năm 2021;

Nguyễn Huy Bằng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ, nguyên Chánh Thanh tra Bộ; Trần Thanh Khiết, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ, Giám đốc Ban Quản lý các dự án; Trần Tú Khánh, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ, nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

– Khiển trách đồng chí Nguyễn Hữu Độ, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016 – 2021 và đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo”. (hết đoạn về Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Và trong tất cả các “thông cáo báo chí” của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về các nội dung đề xuất kỷ luật Đảng như trên, luôn có phần kết với mẫu câu cố định: “Cũng tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng khác”.

Từ “thông cáo báo chí” liên quan đến Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016 – 2021 ở trên, nếu được phép “đoán”, thì liệu ông Phùng Xuân Nhạ dính phốt nào, vì thời gian mà ông làm bộ trưởng đã có rất nhiều tai tiếng cả trong lẫn ngoài nước.

Bộ trưởng “hời hợt thiếu khoa học”

Tháng hai năm 2018, tin cho hay ông Nguyễn Tiến Dũng, giáo sư có quốc tịch Pháp từ Đại học Toulouse, đã gửi bản báo cáo dài 10 trang cáo buộc “sự giả khoa học” cũng như “thiếu cả về đạo đức và trình độ” của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đến Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước của Việt Nam.

Trong bản báo cáo, ông Dũng nêu chi tiết về các hành vi “tự đạo văn, trích dẫn khống, thiếu trình độ tiếng Anh, hời hợt thiếu khoa học, tạp chí giả khoa học” liên quan đến các bài báo khoa học của ông Nhạ. Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng cũng đặt câu hỏi về việc “Hội đồng Chức danh Giáo sư có bị thao túng?”. Ông Dũng cũng công khai diễn biến của vụ việc trên trang Facebook cá nhân.

Thẩm định về “tự đạo văn” của ông Phùng Xuân Nhạ, của nhóm giáo sư Nguyễn Tiến Dũng với phần mềm tra cứu Turnitin cho thấy có 48% nội dung của bài năm 2013 được sao chép lại y nguyên vào bài năm 2014. Nhưng nếu tính cả những chỗ được viết lại, vẫn cùng nội dung nhưng dùng câu chữ khác đi để ngụy trang, có thể nói hai bài giống nhau gần 100%, báo cáo do giáo sư Nguyễn Tiến Dũng công bố cho hay.

Về vấn đề trích dẫn, bản báo cáo nêu ra 3 bài viết khoa học do ông Nhạ và một số người khác làm tác giả. Các biểu hiện bất thường về trích dẫn trong các bài này gồm viết tên tác giả người phương Tây bằng tên riêng thay vì tên họ đối với một số bài trong danh sách tài liệu tham khảo; nhiều bài được đưa vào danh sách tham khảo song không thấy được trích dẫn trong bài viết khoa học; một số câu ông Nhạ và đồng tác giả viết là họ trích dẫn từ các học giả khác, song trên thực tế không thể truy ra nguồn, hay còn gọi là trích dẫn khống.

Báo cáo nhấn mạnh những bằng chứng như vậy cho thấy người đang nắm chức bộ trưởng giáo dục và đào tạo lại là “một gương xấu” cho nền giáo dục và khoa học Việt Nam.

Không chỉ dừng ở nhận xét đó, vị giáo sư ở Pháp và các cộng sự còn nhận định rằng vì “tính giả khoa học” của bộ trưởng Nhạ, nên các chính sách và khuyến cáo mà ông ta đưa ra “đều không đáng tin cậy và có thể gây ra các thiệt hại lớn cho đất nước”.

Sau khi báo cáo được gửi đi cũng như được đăng trên một số trang mạng và diễn đàn của giới khoa học Việt Nam, nó đã được chia sẻ rộng rãi bởi nhiều người sử dụng mạng xã hội, thu hút hàng nghìn “phản ứng” và hàng trăm ý kiến bình luận.

Nếu khi ấy vụ việc được xử trí minh bạch thì có lẽ ông Phùng Xuân Nhạ hôm nay tránh được chuyện bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề xuất “kỷ luật Đảng”.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Công Tâm 2 years

    1 hệ thống bịnh hoạn rập khuôn china