Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ngã bao nhiêu lần là đủ?

Quang Nhựt

(VNTB) – “Một lần ngã là một lần bớt dại/ Để thêm khôn một chút nữa trong người”.

Trong bài thơ Dậy mà đi, tác giả Tố Hữu đã viết: “Một lần ngã là một lần bớt dại/ Để thêm khôn một chút nữa trong người”. Tiếp nối quan điểm ấy, trong buổi làm việc với Ban thường vụ Thành ủy TPHCM nói về việc kỷ luật cán bộ, dẫn theo lời một tờ báo điện tử, theo Tổng bí thư “Người đảng viên cộng sản không sợ khuyết điểm, mỗi lần ngã là một lần bớt dại”.

Tôi nhớ, cái thời còn ngồi trên ghế nhà trường, có giáo viên đã từng dạy chúng tôi rằng, con người khi sinh ra vốn dĩ là một tờ giấy trắng, không biết gì hết, chính vì thế mới cần phải đi học. Và khi đi học, đi làm, tất yếu có thành công và phải có thất bại. Có thất bại mới rút được kinh nghiệm để sau này không phải vấp lại cái hố đó nữa, chứ chưa tính đến việc thành công hay không. Phải chăng, cũng vì lẽ đó, dân gian cũng lưu truyền câu: “Thất bại là mẹ thành công”?

“Vừa qua rất đau xót là phải thi hành kỷ luật một số cán bộ, cần nghiêm khắc kiểm điểm vì sao lại xảy ra như vậy. Có những ý kiến sai lệch, cho rằng do cơ chế, vậy tại sao vẫn cơ chế đó mà chỗ khác người ta làm tốt? Có ý kiến cho rằng, xử lý như thế làm nhụt chí anh em. Nhưng làm là để có khí thế vươn lên, chứ không phải nhụt chí đi, hay co lại không dám làm vì sợ khuyết điểm. Người đảng viên cộng sản không sợ khuyết điểm, ‘mỗi lần ngã là một lần bớt dại/để thêm khôn một chút nữa trong người’” – theo tường thuật của báo chí về lời của Tổng bí thư.

Quan điểm cá nhân, tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến của ông Tổng. Bởi con người không phải thần thánh, không phải cái gì cũng biết và không phải làm cái gì cũng đúng. Cái vấn đề là có dám đứng ra nhận lỗi hay không? Và sửa chữa cái lỗi ấy như thế nào? Có thể nói, tất cả những ý kiến ấy hoàn toàn đúng nếu áp dụng với một người dân bình thường. Nhưng với vai trò của một thủ lĩnh, của một người lãnh đạo thì nên cẩn trọng xem xét lại.

Tại sao lại như thế? Bởi khi đã khoác lên mình một tấm áo gọi là “quyền lực”, có nghĩa là những quyết định của mình đồng nghĩa với vai trò, vận mệnh của cả đất nước.

Người dân tin tưởng vào việc “Đảng cử – Dân bầu”, thì cái quyết định của người được bầu, nó còn ảnh hưởng đến đời sống, cơm ăn áo mặc của người dân.

Nếu như một người bình thường làm sai, có thể “sai một ly đi một dặm”, nhưng với một người lãnh đạo, sai một ly có thể đi tới nghìn (hoặc trăm nghìn, vạn) dặm. Dĩ nhiên, nói như thế không đồng nghĩa với việc người lãnh đạo không thể không làm sai. Nhưng phải xem xét cái sai đó như thế nào? Ảnh hưởng ra sao? Và không thể để vấp ngã hoài, học kinh nghiệm hoài được. Đó là chưa kể đến việc người lãnh đạo vẫn không phát hiện mình vấp ngã để mà đứng lên, học hỏi rồi sửa chữa.

Lấy một ví dụ thực tế cho vấn đề này. Sự việc VTV gọi những người mưu sinh bằng nghề bán hàng rong ở Sài Gòn là ký sinh – ký sinh trùng có đúng? Nếu như bên bàn cà phê, bàn nhậu, cá nhân của biên tập viên hay phát thanh viên có nói với bạn bè như thế, cũng chỉ là quan điểm của người đó. Nhưng khi phát sóng truyền hình, có logo hẳn hoi, đó lại là quan điểm của nhà đài, ông Trần Bình Minh – người đứng đầu đài không phản đối, càng không chịu đứng ra xin lỗi, vô hình trung, đem đến cho một số người suy nghĩ chắc ông ấy “khẳng định ngầm” gọi là vậy không sai?

Ý kiến phản bác của một người có thể sai, hai người cũng có thể sai, đằng này là của nhiều người, ngay cả phát thanh viên nhà đài cũng nhận lỗi nhưng ông trưởng đài vẫn im ru. Đây chẳng phải là trường hợp vấp ngã mà không chịu đứng lên nhận khuyết điểm?

Ở một góc độ nào đó, ý kiến “Một lần ngã là một lần bớt dại/ Để thêm khôn một chút nữa trong người” cũng tựa như một lời tự an ủi mình của con người mỗi khi thất bại.

“Hôm nay mình không làm được, hay mình làm không trúng, thì thôi đành tự an ủi minh, học được một bài học kinh nghiệm, “ngày mai” sẽ không vấp phải cái lỗi đó nữa. Nhưng theo mình để làm được điều đó, phải thực sự cầu tiến kìa, phải chủ động nhận lỗi và tích cực có hành động sửa chữa. Chứ nếu không đó chỉ là suy nghĩ suông, biện minh cho cái lỗi của mình. Sau này thế nào cũng sẽ còn dính nữa. Rồi không lẽ vấp lại lỗi cũ lại kêu không sợ, đứng lên làm lại. Ngã bao nhiêu lần mới đủ?”, một vị cựu sinh viên trường đại học Tổng hợp TP.HCM chia sẻ.

Có thể nói cái quan điểm của vị cựu sinh viên ấy hoàn toàn đúng với trường hợp của đài VTV. Với sự việc gọi hàng rong Sài Gòn là ký sinh – ký sinh trùng, là sai, nhưng ông đảng viên Trần Bình Minh vấp ngã, vẫn không chịu đứng lên nhận lỗi, dùng thái độ im lặng để thời gian làm cho lắng đọng dư luận, kéo theo đó là hệ lụy tiếp tục sai về việc dùng con tôm minh họa cho vấn đề thực phẩm bẩn mà phía Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đã phải phát hành văn bản để phản đối.

Ý kiến của nhà thơ Tố Hữu và quan điểm tiếp nối của ông Tổng là hoàn toàn đúng nhưng xem ra, nó không hẳn là phổ quát đối với tất cả mọi người, nhất là những người đang mang trên mình trọng trách lớn…

Dĩ nhiên nếu những chính khách ít phải té ngã thì vẫn tốt cho dân chúng hơn!

Tin bài liên quan:

VNTB – Có danh dự đâu mà rút!

Do Van Tien

VNTB – Vì tham nhũng quyền lực nên Nguyễn Phú Trọng đang vứt Điều lệ Đảng vào sọt rác!*

Phan Thanh Hung

VNTB – Vai trò của đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Trọng

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo