Bs Đào Thị Yến Phi
(VNTB) – Việc cần làm là bắt đầu chuẩn bị cho một giai đoạn “mới không bình thường”, với khẩu trang, nước rửa tay, giãn cách và tạm dừng đi du lịch.
Phi lộ của biên tập viên: Bác sĩ Đào Thị Yến Phi hiện là trưởng bộ môn dinh dưỡng của trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Khi tham gia viết lách gửi báo chí, bác sĩ Yến Phi hay dùng nhân xưng “Ả Đại Phu” cứ như trong phim kiếm hiệp kỳ tình nhiều tập chiếu trên tivi.
Giới thiệu ở đây về một chia sẻ của “Ả Đại Phu”, khi mà chuỗi ngày ‘bình thường mới’ của đại dịch Covid tại Việt Nam, giờ đã quay về vạch xuất phát của việc làm quen trở lại của trạng thái ‘mới không bình thường’.
“Ả Đại Phu” còn là cô bạn cũ của biên tập viên, thời gian Yến Phi làm việc ở Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, lúc ấy giám đốc là bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng.
Một số đồng nghiệp của mình cũng không hiểu hết về những gì cần làm trong một tình huống dịch cụ thể luôn á. Cứ kêu phải chặn phải chặn, ai mà không biết phải chặn, các bạn chặn muốn chết luôn á chớ, nhưng trần gian mênh mông như bể, người như kiến, có phải kêu chặn là chặn được đâu.
Như thường lệ, trước một tình trạng rối rắm, Ả Đại Phu ngồi xuống, hít thở vài hơi và sắp xếp các thông tin vào một sơ đồ để biết các khả năng có thể xảy ra, và các lựa chọn được phép chọn để quyết định cần làm gì tiếp theo.
Thứ nhất. Bệnh nhân đã được kết luận dương tính chắc chắn (5 lần xét nghiệm đều dương tính hết mà!), và đây là ca dương tính trong cộng đồng, kết thúc chuỗi 99 ngày sạch dịch trong cộng đồng của Việt Nam. Như vậy là chắc chắn phải bước vào cuộc chiến mới. Điều cần biết là sẽ chiến cách nào thôi.
Thứ hai. Ca F0 này không phải là trung tâm của một ổ dịch mới (vì tất cả các ca tiếp xúc gần đã được xét nghiệm âm tính lần 1). Đây là một yếu tố thuận lợi mong manh, nhưng vẫn là yếu tố thuận lợi. (Kiểu có còn hơn không, như Phạm Duy hồi nào khi phổ ca khúc Thà như giọt mưa của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên cứ nhấn nhá, Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá/ Thà như giọt mưa khô trên tượng đá/ Thà như mưa gió đến ôm tượng đá/ Có còn hơn không, có còn hơn không/ Có còn hơn không, có còn hơn không)
Thứ ba. Đã mất dấu F0. Thay vì ngồi đó chửi rủa vào mặt bạn bè trên facebook (như một số đồng nghiệp đang làm), thì các bạn CDC Đà Nẵng đang làm bước cần làm tiếp theo, là lấy mẫu xét nghiệm ở nhiều khu vực khác nhau, nhất là các khu vực dự trù có nhiều nguy cơ giúp “bắt được cá” như các phòng khám, bệnh viện…
Về nguyên lý, đã gọi là dịch thì phải có lây, có đường lây, có ổ dịch.
Tưởng tượng như các giọt nước nhỏ trên mặt nước sẽ tạo ra các vòng tròn lan ra xa và giao nhau. Mỗi vòng tròn đó là một ổ dịch. Như vậy, việc xét nghiệm ngẫu nhiên rộng rãi giúp bắt được một vài ca dương tính, qua đó sẽ giúp truy lần dấu vết để tìm ra các ổ dịch.
Phải có ổ dịch mới khoanh vùng và cách ly và truy vết và ngăn chặn được. Vì vậy các bạn nào không rành lắm về dịch tễ, điều tra dịch, xử lý dịch… thì tốt hơn hết là nên đi đọc lại bài, rồi hãy lên tiếng kêu gào chửi rủa mấy người đang vững vàng chạy theo dấu chim bay một cách bài bản.
Thứ tư. Nhân dịp xua quân chạy khắp nơi theo dấu bóng chim tăm cá, Đà Nẵng đã phát hiện ra một số người lạ đang được nhân dân Đà Nẵng tích cực cưu mang, và che chở khỏi sự kiểm soát của các cơ quan phòng dịch Việt Nam. Cần xem xét có nên đem xử bắn các nhân dân tu hú này không!!!
(Nói thiệt, Ả Đại Phu muốn bắn bỏ ghê gớm luôn. Công sức tiền của bao nhiêu con người để chặn dịch, mà họ thản nhiên cõng giặc về nhà. Nói sợ mắc khẩu nghiệp, đúng là ngu thì ít, tham thì nhiều…)
Kết luận: việc cần làm là bắt đầu chuẩn bị cho một giai đoạn “mới không bình thường” với khẩu trang, nước rửa tay, giãn cách và không được đi du lịch.
***
Lời bình của biên tập viên: Sáng 25-7, Công An TP Đà Nẵng cho biết vào tối 24-7, đã phát hiện thêm 21 người Trung Quốc nhập cảnh, lưu trú bất hợp pháp tại thành phố này. Trước đó, Đà Nẵng cũng đã phát hiện 20 khách Trung Quốc nhập cảnh và lưu trú trái phép.
Ngoài việc xử phạt hành chánh, không thấy chính quyền địa phương có biện pháp mạnh mẽ nào hơn đối với các khách sạn, nhà nghỉ hám lợi sẵn sàng cho khách nước ngoài lưu trú bất hợp pháp, bất chấp điều đó có thể phát tán dịch bệnh gây nguy hại cho toàn thể cộng đồng.
Nếu nói “chống dịch như chống giặc” thì chủ nhân các khách sạn, nhà nghỉ này chính là “Việt gian” nối giáo cho giặc cần phải bị xử lý bằng bản án hình sự mới có thể ngăn chặn được giặc vậy!
Đồng ý với “Ả Đại Phu” trong bài viết ở trên là có thể không quá sợ hãi dịch bệnh, song cần phải quá hãi sợ nhà chức trách; bởi an ninh quốc gia nơi nào lại chấp nhận chuyện đã vượt biên trái phép, rồi thản nhiên lên xe từ Bắc vào Nam đến Đà Nẵng, Quảng Nam sinh hoạt bình thường một thời gian rồi mới bị phát hiện?!
Trừng trị nặng mấy ai “rước kẻ lạ” vào nhà là chưa đủ, những người quản lý cũng phải chịu trách nhiệm. Chuyện quốc gia đại sự chứ phải đơn thuần đưa người kiếm ít nhân dân tệ đâu nhỉ? “Giặc” giờ ở cả sau lưng lẫn trước mặt, chứ đâu xa xôi…
Trong một diễn biến cũng khó hiểu không kém, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã kiến nghị Thủ tướng thống nhất cho Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội tại hai quận Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn. Tuy nhiên tính đến chiều ngày 25-7, ông Lê Trung Chinh – Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng – đề đạt: “Mong Chính phủ chỉ đạo thống nhất làm sao vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Đà Nẵng thấy chưa đến mức cần thực hiện giãn cách xã hội. Đà Nẵng sẽ làm hết mức, khi nào thấy cần thiết sẽ kiến nghị thực hiện giãn cách xã hội”.